Cây cầu thế kỷ nối liền Nga-Crimea gặp sự cố
(Dân trí) - Cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối liền đất liền Nga và bán đảo Crimea đã gặp phải sự cố khi một bộ phận bị rơi xuống biển. Tuy nhiên, Nga xác nhận rằng sự cố sẽ không gây ảnh hưởng tới việc hoàn thành cây cầu theo đúng tiến độ dự kiến.
Trang tin Ria Novosti đưa tin, phần đường sắt của cây cầu nối liền Nga-Crimea đã gặp trục trặc trong quá trình thi công ngày 4/10 khi một bộ phận bị rơi xuống biển. Vào thời điểm đó, các công nhân đang tiến hành lắp đặt bộ phận này lên cầu.
Các kỹ sư ước tính sẽ phải mất 1 tháng để có thể khắc phục sự cố và lắp đặt một bộ phận mới. Phần cầu gặp bị rơi nằm ở khu vực gần đảo Tuzla và không có ai bị thương sau vụ việc. Phía Nga cho biết kế hoạch khánh thành phần đường sắt của cầu dự kiến vào tháng 12/2019 sẽ không bị chậm trễ vì sự cố nói trên.
Nga đã hoàn thành phần đường bộ của cầu vào hồi tháng 5. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân dẫn đầu đoàn xe gồm xe tải, cần cẩu và các phương tiện hạng nặng thông xe trên cầu trong lễ thông xe ngày 15/5, sớm hơn lịch trình dự kiến nửa năm.
Dự án xây dựng cây cầu nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo Crimea đi qua eo biển Kerch bắt đầu khởi công từ tháng 2/2016 với kinh phí xây dựng khoảng 223 tỷ rúp (3,6 tỷ USD).
Cây cầu gồm 2 phần, bao gồm một phần dành cho các phương tiện đường bộ và phần còn lại dành cho tàu chạy trên đường sắt. Cây cầu được thiết kế nhằm mục đích kết nối hệ thống giao thông của Crimea với phần đất liền Nga, từ đó giúp Crimea sớm hội nhập với Nga.
Cây cầu dài 19km còn là công trình mang tính biểu tượng, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014. Theo RT, toàn bộ số sắt thép được sử dụng để xây cầu có thể đủ để dựng 32 tòa tháp Eiffel ở Pháp.
Khả năng lưu thông dự kiến của cầu là 40.000 ô tô mỗi ngày, 14 triệu hành khách và 13 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Hệ thống đường ray tàu cho phép 94 chuyến tàu lưu thông qua lại mỗi ngày.
Việc xây dựng cầu nối giữa Crimea và Nga đã từng được đề xuất dưới thời Sa hoàng Nicholas II nhưng do Thế chiến I nên dự định này đã không thể hoàn thành. Những năm 1930, lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin cũng mong muốn khởi động dự án nhưng bất thành. Từ năm 2016 tới nay, ông Putin cũng nhiều lần hối thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện công trình này. Nhiều người dân đã đặt tên cho cây cầu là “Cầu Putin”.
Đức Hoàng
Tổng hợp