Cầu siêu tri ân 64 liệt sỹ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988
Đại trai đàn cầu siêu để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc và 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988 được kiều bào ta tổ chức tại Đức, Campuchia, Ấn Độ, Lào, Séc, Pháp...
Ngày 13/3, chùa Vĩnh Nghiêm Nuremberg, Cộng hòa Liên bang phối hợp với Hội người Việt Nam tại thành phố Nuremberg và Munich đã tổ chức Đại trai đàn cầu siêu để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc và 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988.
Đại đức Thích Thông Đạt, Đại đức Thích Đồng Trình và Đại đức Thích Đồng Hòa chứng minh và chủ trì buổi lễ. Đông đảo các đồng đạo, phật tử, bà con cộng đồng và người dân sở tại, nhiều người tới từ các thành phố khác như Munich, Augsburg đã cùng tham gia.
Chương trình Đại trai đàn cầu siêu được bắt đầu từ 10 giờ sáng với các nghi lễ cúng trang nghiêm. Từ 14 giờ 30, lễ tưởng niệm các anh linh liệt sỹ bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 được tiến hành. Mở đầu buổi lễ là phút mặc niệm nhằm tỏ lòng thành kính, tướng nhớ sự hy sinh của những chiến sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến đảo bảo vệ đảo Gạc Ma và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thay mặt Ban tổ chức, ông Văn Mười, Chủ tịch Trung tâm văn hóa phật giáo Việt Nam Franken thành phố Nürnberg đã điểm lại sự kiện 14/3/1988 khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế triển khai chiến dịch quân sự đánh chiếm đảo Gạc Ma và các đảo khác ở Trường Sa như Len Đao và Cô Lin nhằm biến những đảo này thành các căn cứ quân sự, điểm đóng quân trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong sự kiện bi tráng này, 64 chiến sỹ trên đảo Gạc Ma đã không tiếc máu xương chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc. Những tấm gương dũng cảm của các anh trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mãi là dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt.
Ông Văn Mười cho rằng, hiện nay, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành các hành động phá vỡ nguyên trạng tại Trường Sa, tiến hành bay thử nghiệm trái phép ở Trường Sa và triển khai hệ thống tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hành động này không chỉ làm leo thang căng thẳng tình hình mà con đe dọa nghiêm trọng tới ổn định, hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Tiếp đó, Đại đức Thích Thông Đạt đã chủ trì buổi lễ cầu siêu kéo dài trong gần 3 tiếng đồng hồ, cùng Phật tử và bà con tham dự buổi lễ dâng nến lên anh linh các liệt sỹ hy sinh vì biển đảo quê hương.
Có mặt tại buổi lễ, ông Đinh Văn Hùng, đại diện Hội người Việt tại Munich cho biết ông rất xúc động khi được tham gia buổi lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma cũng như trong công cuộc bảo vệ biển đảo, biên cương của Tổ quốc, đồng thời lên án hành động dã man, chà đạp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong sự kiện Gạc Ma cũng như trong ý đồ độc chiếm Biển Đông sau này.
Đại lễ cầu siêu ở chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg gửi đi thông điệp nhân văn tới cộng đồng người Việt ở xa quê hướng và mọi người con đất Việt cần luôn trân trọng sự hy sinh anh dũng của những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Lễ cầu siêu cũng là một thông điệp khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lên án các hành động trái phép, xâm phạm luật pháp quốc tế của Trung Đông trên Biển Đông hiện nay./.
Theo NGUYÊN ĐỨC/BERLIN (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/cau-sieu-tri-an-64-liet-sy-hy-sinh-bao-ve-dao-gac-ma-nam-1988/375761.vnp
* Đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sỹ tại tỉnh Battambang, CampuchiaSáng 12/3/2016, tại chùa Phước Long, thành phố Battambang, Campuchia đã diễn ra Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc và 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988.
Đông đảo bà con người Việt Nam đang sống, học tập và làm việc tại Campuchia đã tới dự buổi lễ trang trọng do Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Battambang và Ban trị sự chùa Phước Long tổ chức.
Lễ cầu siêu do Hòa thượng Thích Minh Thắng, Trụ trì chùa Bình An Xuân Quang, tỉnh Pursat (Campuchia), làm chủ lễ cùng sự tham gia của tăng ni, Phật tử, bà con Việt kiều từ các tỉnh Battambang, Pursat, Bantey Meanchey thuộc khu vực Tây Bắc Campuchia.
Mở đầu buổi lễ, đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang phát biểu về ý nghĩa của buổi lễ nhằm ghi nhớ công lao, ôn lại những hy sinh vô cùng to lớn và đau thương mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã phải trải qua trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc.
Trong công cuộc bảo vệ đất nước, nhân dân Việt Nam tiếp tục phải đổ máu để bảo vệ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã xây dựng nên.
Những người tham dự Đại lễ đã ôn lại sự kiện bi tráng tại bãi Gạc Ma ngày 14/3/1988, thời điểm hải quân Trung Quốc đưa quân đánh chiếm bãi Gạc Ma và một số bãi đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quá trình chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, 11 người bị thương, 3 tàu hải quân Việt Nam bị đánh đắm.
Lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ tổ chức tại tỉnh Battambang cho thấy trách nhiệm và tấm lòng của những người con xa quê mong muốn được phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát của nhiều gia đình, đồng thời thể hiện sâu sắc tinh thần uống nước nhớ nguồn, một đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại đại lễ, Hòa thượng Thích Minh Thắng, Trụ trì chùa Bình An Xuân Quang, tỉnh Pursat cho rằng, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích lịch sử, trong đó có sự hy sinh to lớn của nhân dân để ngày đêm giữ vững chủ quyền biển đảo qua các giai đoạn lịch sử, điển hình là sự hy sinh to lớn của 64 cán bộ, chiến sỹ trên đảo Gạc Ma vào năm 1988.
Phát biểu cảm tưởng, ông Sok Mao (Nguyễn Huy Mão), Chủ tịch Ban chấp hành Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Battambang xúc động bày tỏ sự tri ân đối với cán bộ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và bày tỏ sự chia sẻ với ngư dân Việt Nam đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ông Mão nhấn mạnh, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ đã khẳng định ý chí kiên cường bất khuất của người Việt Nam để gìn giữ tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cộng đồng Việt kiều tại Campuchia là một cộng đồng có nhiều đóng góp sức người, sức của phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Buổi lễ cũng thể hiện tinh thần đời đời nhớ ơn công lao của những anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì Tổ quốc và qua đó để tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Trong phần chính của chương trình, lễ cầu siêu cho các liệt sỹ hy sinh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã diễn ra trong không khí hết sức trang nghiêm và xúc động, dưới sự chủ trì hành lễ của Hòa thượng Thích Minh Thắng. Sau đại lễ cầu siêu là các hoạt động thiện nguyện, gây quỹ ủng hộ Việt kiều có đời sống khó khăn tại Campuchia.
Lễ cầu siêu anh linh các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc là hoạt động thiết thực thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân sự hy sinh lớn lao của những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những chịu đựng, mất mát của các thương binh, bệnh binh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước
Sự kiện này cũng góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ những truyền thống quý báu và lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Lễ cầu siêu tại Battambang là hoạt động mang tính kết nối mang tinh thần tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt đang sinh sống tại Campuchia, những người tuy đang ở xa Tổ quốc, có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn đoàn kết và có tấm lòng hướng về quê hương đất nước./.
Theo H.M (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/dai-le-cau-sieu-anh-hung-liet-sy-tai-tinh-battambang-campuchia/375491.vnp
* Lễ cầu siêu ở Ấn Độ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì biển đảoTối 12/3, tại Trung tâm Phật giáo thế giới ở thủ đô New Delhi, Ban quản lý cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Ban đại diện tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và gia đình Đại sứ quán, các cơ quan đại diện cùng các tăng ni sinh, sinh viên và kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Ấn Độ.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Quang Chiến, Tùy viên quốc phòng, cho biết đã 28 năm trôi qua nhưng tấm gương hy sinh của 64 cán bộ, chiến sỹ kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo tại các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc đã để lại một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Quang Chiến đã nêu bật những tấm gương anh dũng hy sinh của các liệt sỹ, trong đó có liệt sỹ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Lanh, Vũ Nghi Lễ, nêu rõ khí phách hiên ngang của các anh đã làm cho quân xâm chiếm khiếp sợ và làm sáng thêm phẩm chất cao quý của bộ đội cụ Hồ.
Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Quang Chiến khẳng định những chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay sẽ tiếp bước xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ, nguyện hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc, toàn vẹn vùng biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Tại buổi lễ cầu siêu, Đại đức Thích Hạnh Chánh, Chủ tịch lâm thời Ban đại diện tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết buổi lễ cầu siêu nhằm để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên cương biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và cầu chúc cho các anh linh của liệt sỹ siêu thoát về với miền Tây phương cực lạc.
Đại đức Thích Hạnh Chánh nhắn nhủ các sinh viên đang học tập tại Ấn Độ cần nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, đặc biệt là về vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam để góp phần khẳng định chắc chắn chủ quyền của Tổ quốc bằng những bằng chứng khoa học và lịch sử.
Đại đức cũng cầu mong cho nhân dân và đất nước Việt Nam luôn được hưởng thái bình và an lạc./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/le-cau-sieu-o-an-do-tuong-niem-cac-liet-si-hy-sinh-vi-bien-dao/375684.vnp
* Kiều bào tại Lào, Séc dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 13/3, tại thủ đô Vientiane, chư tăng, phật tử chùa Phật Tích Vientiane cùng đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã tổ chức trọng thể đại lễ tưởng niệm, cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam cùng các chiến sỹ hy sinh và đồng bào tử nạn tại Lào.
Tham dự buổi lễ có Hòa thượng Bounma Silaphom - Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội liên minh Phật giáo Lào, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn - Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng đại diện Giáo hội Phật giáo thủ đô Vientiane, đại diện Bộ Nội vụ Lào, đại diện Bộ Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cùng nhiều sư tăng Lào, Việt Nam và hơn 300 phật tử, bà con cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn sinh sống và học tập tại thủ đô Vientiane.
Đại đức Thích Minh Quang, trụ trì chùa Phật Tích Vientiane khẳng định "lễ tưởng niệm là để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ, đồng bào đã hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời cũng là dịp để nhắc nhở các thế hệ trẻ hôm nay rằng, Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của đất nước chúng ta, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm; để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống của cha anh, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới hải đảo và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Buổi lễ cầu siêu cũng là thông điệp để gửi tới nhân dân và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu hơn được sự chính nghĩa và tình yêu hòa bình của nhân dân Việt Nam, qua đó cùng chung tay ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh xây dựng hòa bình tại Biển Đông."
Sau gần 2 giờ hành lễ, các chư tăng Lào-Việt Nam cùng phật tử và bà con đã cùng nhau thực hiện nghi thức phóng sinh nhằm thể hiện ước muốn được chung sống trong hòa bình để cùng xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
Phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc cho biết, ngày 12/3, tại quảng trường Vaclav, trung tâm thủ đô Praha, hàng trăm người Việt đã dự lễ tưởng niệm và cầu siêu cho các liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Buổi lễ do nhóm “Anh em vì quê hương” và Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc tổ chức.
Tại buổi lễ ông Phạm Thế Quang, đại diện Ban tổ chức, đã đọc văn tế tri ân các liệt sỹ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời khẳng định quyết tâm của các thế hệ người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của cha anh.
Đại Đức Thích Trí Đắc, Trưởng đoàn Giáo thọ Trung ương Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đã chủ trì lễ cầu siêu cho vong linh các liệt sỹ hy sinh bảo vệ biển đảo quê hương.
Buổi lễ nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, thể hiện tấm lòng tri ân của bà con với những người lính đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đồng thời nhắc nhở các thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Séc ghi nhớ đạo lý cao cả này của dân tộc./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/kieu-bao-tai-lao-sec-dang-huong-tuong-nho-cac-anh-hung-liet-sy/375746.vnp
* Người Việt tại Pháp tổ chức cầu siêu các liệt sỹ đảo Gạc Ma
Ngày 13/3, Phật đường Khuông Việt tại Pháp (chùa Khuông Việt) đã long trọng tổ chức lễ cầu siêu tri ân các liệt sỹ đã hy sinh ngày 14/3/1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có đông đảo tăng ni của chùa, Việt kiều sinh sống tại Paris và vùng phụ cận, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Pháp, cán bộ và thân nhân cán bộ đang công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp.
Chủ trì lễ cầu siêu tưởng niệm các liệt sỹ, bên cạnh vòng hoa tưởng niệm và tri ân các chiến sỹ đã hy sinh, Hòa thượng Thích Tịnh Quang, trụ trì chùa đã phát biểu nhắc lại về cuộc chiến mà Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988, sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sỹ Việt Nam để bảo vệ đảo cũng như chủ quyền biển đảo của đất nước.
Hòa thượng khẳng định chùa tổ chức lễ cầu siêu "với tấm lòng hướng về các liệt sỹ, về Việt Nam và để gìn giữ lá cờ Việt Nam ngoài biển khơi, để nhớ đến đảo Gạc Ma vì đó là một phần lãnh thổ của chúng ta" và "người Việt Nam luôn luôn sẵn sàng và có trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc, chúng ta có sức lực và đủ khả năng để bảo vệ mình."
Lễ cầu siêu cũng cầu cho đất nước được thanh bình để dân chúng an lạc trong hòa bình của dân tộc mình và các nước xung quanh.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, hòa thượng Thích Tịnh Quang nhấn mạnh thêm: "Tất cả mọi người đều có tình thần, trách nhiệm đối với đất nước, …. Với những chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc thì tất nhiên khắp tất cả mọi nơi phải có tinh thần thương yêu và ghi nhớ công ơn của họ, tổ chức những lễ cầu siêu nguyện cầu cho hương hồn của họ. Qua buổi lễ này, chúng tôi cũng mong rằng tất cả mọi người dân Việt Nam sống ở trong nước cũng như tại hải ngoại luôn luôn có phần trách nhiệm để bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình."
Sau buổi lễ, ông Henry Đặng, phụ trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp, cho biết: Tôi rất quan tâm đến những gì đã xảy ra ở biển đảo, cũng là một phần lãnh thổ của Việt Nam mình. Tôi đã được đi ra quần đảo Trường Sa tháng 4/2015 và đã dự một lễ cầu siêu trước đảo Gạc Ma cho các anh chiến sỹ. Lúc đó và hôm nay đều rất xúc động đối với tôi. Tôi cầu nguyện rằng Việt Nam sẽ được bình an và cuộc đấu tranh về ngoại giao sẽ thắng vì công luận và lẽ phải về phía mình. Lúc nào tôi cũng hướng về các chiến sỹ đã hy sinh trên đảo Trường Sa năm 1988."
Đại diện cho các sinh viên, du học sinh tham dự buổi lễ, anh Lê Xuân Tuấn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp bày tỏ sự xúc động và thể hiện quyết tâm tập trung cố gắng học tập, đóng góp nhiều hơn nữa, mang kiến thức về đóng góp cho quê hương đất nước sau này.
Anh Tuấn cũng cho biết Hội sinh viên sẽ có chương trình đẩy mạnh tuyên truyền cho các lớp sinh viên, thanh niên trẻ sang Pháp du học để có nhiều hiểu biết hơn về vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như là công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./.
Theo VIỆT SƠN/PARIS (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/nguoi-viet-tai-phap-to-chuc-cau-sieu-cac-liet-sy-dao-gac-ma/375762.vnp