Câu hỏi bỏ ngỏ sau đảo chính thất bại ở Venezuela
Tình hình Venezuela có vẻ đã ổn định nhưng tương lai đất nước này sẽ đi về đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Rạng sáng 30-4, lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido cùng với cố vấn chính trị Leopoldo Lopez đã tuyên bố “bắt đầu giai đoạn cuối của Chiến dịch tự do”. Cùng với những binh sĩ được trang bị vũ khí hạng nặng và một vài chiếc xe bọc thép, động thái mới của ông Guaido được xem là một sự leo thang trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Hoàng hôn buông xuống, ông Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát chỉ huy quân sự. Nhà hoạt động Lopez cùng gia đình hiện đang trú ẩn tại Đại sứ quán Tây Ban Nha ở thủ đô Caracas, sau cuộc nổi dậy mà ông Maduro tuyên bố đã đánh bại. Khi tình hình có vẻ ổn định hơn, những nghi vấn bắt đầu được đặt ra rằng ai mới là người đứng sau cái gọi là “Chiến dịch tự do” và liệu tương lai đất nước Venezuela sẽ đi về đâu.
Cuộc nổi dậy của phe đối lập và những nghi vấn
Hãng tin Reuters đưa tin ngày 1-5, ông Juan Guaido kêu gọi nhân dân trên toàn quốc một lần nữa tham gia cuộc biểu tình mà ông Guaido mô tả là “lớn nhất trong lịch sử đất nước”. Trước đó một ngày, chính ông Guaido cũng vận động quân đội và nhân dân ủng hộ ông tiến hành đảo chính.
Ngày 30-4, ông cùng nhiều người xuống đường biểu tình chống lại các lực lượng trung thành với chính phủ Nicolas Maduro. Trong một đoạn video, ông Guaido cũng xuất hiện tại căn cứ không quân Generalisimo Francisco de Miranda (còn gọi là Carlota) ở Caracas. Ông tuyên bố Tổng thống Maduro không có sự hỗ trợ cũng như sự tôn trọng của các lực lượng vũ trang.
Các trận chiến dữ dội trên đường phố bắt đầu nổ ra ở nhiều khu vực của Venezuela. Theo video tại hiện trường, hơi cay đã được thấy và tiếng súng đã vang lên gần căn cứ không quân này. Một số người mặc quân phục hộ tống ông Guaido tại hiện trường và đấu súng với một số binh sĩ chính phủ. Cuộc biểu tình bạo lực đã khiến hơn 100 người bị thương, hãng tin BBC cho hay.
Theo nhà báo Katy Watson của hãng tin BBC, việc nhà hoạt động Leopoldo Lopez xuất hiện bên cạnh ông Guaido là một điều khá bất ngờ. Mặc dù được cho là đã bị bắt giữ vào năm 2014 vì lãnh đạo một nhóm chống chính phủ trước đó nhưng Lopez nói rằng anh ta đã trốn thoát nhờ sự trợ giúp của một số nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia Bolivar. Nhà báo Katy Watson vẫn nêu lên những nghi vấn rằng ai mới chính là người thực sự giúp Lopez trốn thoát và ai đã nói về lòng trung thành của lực lượng quân đội chính quyền Caracas. Đây vẫn còn là những câu hỏi lớn đặt ra sau khi cuộc lật đổ của phe đối lập bị ông Maduro kiểm soát.
Trước thất bại của ông Guaido, Mỹ đã cấm các phi công và máy bay Mỹ bay vào vùng trời của Venezuela vô thời hạn. Theo hãng tin RT, Mỹ đã viện lý do bất ổn chính trị và căng thẳng ở nước này. Tờ Washington Post còn cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc quân đội Cuba đã ủng hộ chính quyền ông Maduro, đồng thời đe dọa một lệnh cấm vận “hoàn toàn” trên đảo này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn cảnh báo Caracas và các đồng minh về hậu quả nghiêm trọng nếu ông Guaido bị bắt giữ. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, những lựa chọn Nhà Trắng có thể sử dụng bao gồm cả quân sự.
Xe của lực lượng bảo vệ quốc gia giữa dòng người biểu tình ở Caracas, Venezuela. Ảnh: REUTERS
Tương lai chính phủ Maduro ra sao?
Hãng tin AP đưa tin trước 18 giờ ngày 30-4 (giờ địa phương), Đại sứ của Venezuela tại Liên Hiệp Quốc Samuel Moncada khẳng định rằng Tổng thống Maduro đã “đánh bại” lãnh đạo đối lập Guaido và “đất nước hiện đang ở trong tình trạng bình thường hoàn hảo”.
Trong một phát ngôn trên truyền hình, ông Maduro cáo buộc những người tham gia biểu tình lật đổ chính phủ đã gây ra “những tội ác nghiêm trọng” và khẳng định ông sẽ có những biện pháp “trừng phạt” cho việc này. Hơn nữa, ông Maduro lên án hành động lật đổ của ông Guaido chống lại một chính phủ hợp pháp để biến Venezuela thành nô lệ, theo hãng tin CNN.
Phe đối lập kêu gọi một cuộc nổi dậy quân-dân sự nhưng thất bại ở cả hai đầu. Họ không tập hợp đủ người biểu tình và họ cũng không thuyết phục được sự ủng hộ quân đội. Mọi thứ đều diễn ra quá vội vã.
DIMITRIS PANTOULAS, nhà phân tích chính trị ở thủ đô Caracas
Cuộc đảo chính ngày 30-4 dù thất bại nhưng cho thấy rằng ông Maduro cần có những biện pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề nội tại của Venezuela nếu ông muốn tiếp tục cầm quyền. Ông Maduro cũng thừa nhận cuộc bạo loạn khá “dữ dội” nhưng không đề cập đến khả năng tình hình căng thẳng leo thang trong tương lai.
Về phần Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc họp với hội đồng an ninh quốc gia, đề cập đến tình hình tại Venezuela. Bộ Ngoại giao Nga cũng đã đưa ra cáo buộc phe đối lập Venezuela kích động bạo lực thay vì giải quyết một cách hòa bình “những khác biệt”.
Nga cung cấp vũ khí cho Venezuela và là “vị cứu tinh” của đất nước Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng. Đất nước này còn lên án những nỗ lực làm suy yếu chính quyền ông Maduro của Mỹ. Trước đây, hai máy bay của không quân Nga đã hạ cánh bên ngoài thủ đô Caracas của Venezuela, được cho là chở theo khoảng 100 binh sĩ đặc nhiệm và an ninh mạng của Nga. Các hãng thông tấn Nga đã trích dẫn Đại sứ quán Nga tại Venezuela nói rằng nhân viên Nga không liên quan đến vụ đụng độ giữa phe đối lập và chính quyền ngày 30-4.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ở Venezuela thực hiện “kiềm chế tối đa”, tránh mọi hành vi bạo lực và giải quyết sự khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vẫn đang “theo dõi sát sao” tình hình tại quốc gia này.
Tổng thống Colombia Ivan Dunque kêu gọi người dân Venezuela và quân đội “đứng về phía ông Guaido. Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador Jose Valencia cũng đã tweet “sự hỗ trợ mạnh mẽ” của chính phủ đối với ông Guaido.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết Cuba phản đối cuộc đảo chính và cho đó là một hành động có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa bạo lực tại Venezuela. Đứng về phía ông Maduro, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng chỉ trích phe đối lập Venezuela đang thách thức hiến pháp và trật tự quốc gia.
Tổng thống Bolivia Evo Morales đã kêu gọi các chính phủ Mỹ La-tinh “cùng nhau” lên án âm mưu đảo chính tại Venezuela và ngăn chặn bạo lực có nguy cơ khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Cùng quan điểm, người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha Isabel Celaa cũng cho rằng không nên để xảy ra “đổ máu” tại Venezuela, đồng thời bày tỏ việc không ủng hộ bất kỳ một cuộc đảo chính quân sự nào.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng nhấn mạnh cần “tập trung vào một giải pháp hòa bình” cho cuộc khủng hoảng. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết ông vẫn giữ vị trí trung lập của mình đối với Venezuela.
Nhóm Lima của các nước Mỹ La-tinh đã lên kế hoạch cho một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 3-5 này.
Các sự kiện chính dẫn đến cuộc bạo loạn ngày 30-4
Hãng tin AP đã đăng tải những sự kiện chính dẫn đến cuộc bạo loạn ngày 30-4.
Ngày 10-1: Ông Maduro tuyên thệ trở thành tổng thống ở nhiệm kỳ thứ hai.
Ngày 23-1: Ông Guaido, vốn là chủ tịch Quốc hội, đã viện dẫn hiến pháp để tuyên bố mình là tổng thống lâm thời và lên án cuộc tái bầu cử của ông Maduro là bất hợp pháp. Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác ủng hộ ông Guaido.
Ngày 28-1: Washington trừng phạt công ty dầu mỏ quốc gia của Venezuela, cắt đứt một trong những nguồn thu nhập quan trọng của chính quyền Caracas.
Ngày 23-2: Lực lượng an ninh Venezuela bắn hơi cay vào người biểu tình đang cố gắng đưa viện trợ từ Colombia và Brazil vào Venezuela. Hai người thiệt mạng và khoảng 300 người bị thương.
Ngày 12-3: Mỹ cho biết họ đang rút các nhà ngoại giao cuối cùng vẫn còn ở thủ đô Caracas.
Ngày 18-3: Colombia cho biết khoảng 1.000 thành viên của lực lượng an ninh Venezuela đã từ bỏ chính phủ Maduro và trốn sang Colombia kể từ tháng 2-2019.
Ngày 21-3: Nhân viên tình báo bắt giữ trợ lý cấp cao của ông Guaido.
Ngày 25-3: Một sự cố mất điện khác xảy ra ở phần lớn Venezuela, dấy lên nỗi sợ hãi về khả năng bạo loạn xảy ra.
Ngày 27-3: Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các nhân viên quân sự Nga đã đến Venezuela để hỗ trợ chính quyền Maduro.
Ngày 29-3: Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế bắt đầu vận chuyển viện trợ cho khoảng 650.000 người ở Venezuela.
Ngày 2-4: Hội đồng Hiến pháp Quốc gia đã tước quyền miễn trừ truy tố của ông Juan Guaido.
Theo Trường Vũ
Pháp luật TP.HCM