1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Câu chuyện phế truất Tổng thống ở nước Mỹ: Không nguy thì cũng hại

Trong chuyện luận tội, phế truất Tổng thống tại Mỹ, việc công khai điều trần có thể đưa lại hiệu ứng đột biến, rất bất lợi, gợi liên tưởng tới Tổng thống Richard Nixon.

Câu chuyện phế truất Tổng thống ở nước Mỹ: Không nguy thì cũng hại - 1

Phía đảng Dân chủ đã tìm ra cách thức mới để chơi con bài dư luận nhằm gia tăng áp lực trực tiếp tới đảng Cộng hoà trong câu chuyện luận tội, phế truất Tổng thống tại Mỹ. (Minh họa của Clay Bennett/Chattanooga Times)

Những gì đang diễn ra ở nước Mỹ liên quan đến chuyện phế truất Tổng thống đương nhiệm Donald Trump gợi dậy liên tưởng tới chuyện Tổng thống Mỹ Richard Nixon bị quốc hội tiến hành luận tội và phế truất cách đây 46 năm. Những bằng chứng bất lợi cho ông Trump hiện tại rõ ràng và cụ thể như những chứng cứ được quốc hội Mỹ sử dụng để tiến hành luận tội ông Nixon khi xưa. Giống như ông Nixon ngày ấy, ông Trump hiện giờ cũng không nghĩ đến việc từ chức và vẫn tin tưởng chắc chắn là không bị phế truất khi quốc hội bắt đầu tiến hành các cuộc điều trần công khai.

Hiệu ứng của điều trần công khai

Thời ấy cũng như hiện tại, thiên hạ đều cho rằng việc các cuộc điều trần được tiến hành công khai chính là sự khởi đầu của cái kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Nixon. Cuộc điều trần công khai kéo dài từ giữa tháng 5/1973 đến cuối tháng 8 năm ấy với kết quả là công chúng mong muốn và đòi quốc hội phế truất ông Nixon cũng như phe đảng Cộng hoà phải bỏ rơi người này để không bị chìm xuồng cùng người này. Một năm sau đó, ông Nixon từ chức với một bài phát biểu đầy hằn học và hậm hực để tránh bị quốc hội phế truất.

Ông Trump bây giờ ở trong tình trạng như ông Nixon hồi giữa năm 1973. Khác biệt duy nhất nhưng đồng thời cũng lại cơ bản nhất so với thời điểm ấy là ông Trump kiểm soát và chi phối được đảng Cộng hoà, thậm chí còn không sai gì khi cho rằng đảng Cộng hoà hiện tại lệ thuộc vào ông Trump.

Những ai trong đảng Cộng hoà chỉ cần bất đồng quan điểm không thôi và không chịu nghe theo ông Trump chứ chưa nói đến chống đối công khai hoặc gây bất lợi cho ông Trump đều gặp nguy cơ không được đắc cử hay tái đắc cử trong các cuộc bầu cử ở Mỹ bởi không nhận được lá phiếu từ diện cử tri ủng hộ ông Trump. Vì đảng này hiện tại như thế nên trong thượng viện không thể có được đa số ít nhất hai phần ba cần thiết để phế truất ông Trump. Cũng vì thế, ai ở Mỹ nói gì hay làm gì trong chuyện quốc hội phế truất Tổng thống đương nhiệm này đều không quan trọng và quyết định đối với ông Trump bằng việc không bị đảng Cộng hoà quay lưng.

Những cuộc điều trần công khai có thể đưa lại hiệu ứng đột biến như đã xảy ra năm 1973 rất bất lợi cho vị Tổng thống đương nhiệm. Khởi đầu chỉ là những rắc rối mới và khó xử mới, nhưng những rắc rối mới và khó xử mới ấy rất nhanh chóng có thể trở thành những rủi ro thật sự và những rủi ro thật sự này lại có thể dẫn đến nguy hiểm thật sự cho vị thế quyền lực hiện tại của ông Trump.

Một khi điều trần công khai như thế và công chúng được theo dõi trực tiếp như thế thì ông Trump và đảng Cộng hoà không thể hoàn toàn làm chủ và kiểm soát được diễn biến tình hình, không còn có thể bưng bít thông tin hay che đậy những sự thật gây bất lợi hay nguy hiểm cho quyền lực của ông Trump và uy tín của đảng Cộng hoà. Nói theo cách khác, ông Trump và đảng Cộng hoà không còn có thể quản trị và quản lý được rủi ro mà bị buộc phải chạy theo diễn biến để xử lý rủi ro. Phía đảng Dân chủ đã tìm ra cách thức mới để chơi con bài dư luận nhằm gia tăng áp lực trực tiếp tới đảng Cộng hoà để xô đẩy đảng này tới chỗ buộc phải buông bỏ ông Trump.

Lịch sử có lặp lại?

Phe đảng Dân chủ hiện tại không chỉ có cơ hội, tuy vẫn còn khá mong manh, mà còn có cả lợi ích thiết thực với ý định thúc đẩy chuyện quốc hội luận tội và phế truất ông Trump. Ở vào thời điểm hiện tại mà dự liệu thì chẳng có ứng cử viên nào của đảng này có cơ may thực tế đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống tới ở Mỹ vào năm 2020, ông Joe Biden không và bà Elizabeth Warren càng không. Vì thế, bằng việc thúc đẩy chuyện phế truất ông Trump, phe đảng Dân chủ tận dụng mọi cơ hội và sử dụng mọi phương cách để hạ bệ ông Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống tới hoặc ít nhất thì cũng gây khó khăn và phức tạp, tạo bất lợi và nguy hiểm cho ông Trump trong cuộc vận động tranh cử tổng thống và qua đó cải thiện cơ may thắng lợi cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Cách tiếp cận và lối mưu tính này của phía đảng Dân chủ rất thức thời và thực tế, lại còn khả thi và hứa hẹn kết quả. Đối với phía đảng Dân chủ thì làm như thế không được lợi nhiều cũng lợi ít trong khi không bị mất mát gì. Còn đối với ông Trump thì bị như thế dẫu không bị nguy hiểm đi chăng nữa thì cũng bị tổn hại không hề không đáng kể trong khi hoàn toàn không được lợi gì. Hiện còn quá sớm và vội vàng để chắc rằng lịch sử sẽ lặp lại ở Mỹ, nhưng cũng còn quá sớm và có thể sai lầm nếu quả quyết rằng lịch sử ấy sẽ không lặp lại.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam