Câu chuyện 16 tấn vàng tháng 4/1975
16 tấn vàng là khoản tài sản dự trữ còn lại của chính quyền Sài Gòn vào tháng 4/1975, trị giá khoảng 120 triệu USD vào lúc đó, tức khoảng 320 triệu USD thời điểm hiện nay. Và báo chí thời đó đã đưa tin về kế hoạch tẩu tán số vàng ấy ra nước ngoài.
Có khá nhiều "dị bản" xung quanh câu chuyện 16 tấn vàng suốt hơn 30 năm qua kể từ khi báo chí Sài Gòn đầu tháng 4/1975 đưa tin: tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tìm cách tẩu tán 16 tấn vàng thuộc tài sản quốc gia ra nước ngoài. Đặc biệt, vào đầu năm 2006, Đài BBC đã "xới" lên câu chuyện này bằng một bản tin dẫn từ nguồn tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh.
Từ một bản tin trên BBC
Ngày 29/12/2005, trong chương trình phát thanh Việt ngữ và trên trang web BBC, hãng thông tấn này đã loan một bản tin đáng chú ý về chuyện ra đi của ông Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 4/1975 sau khi từ chức tổng thống Việt Nam cộng hòa. Bản tin khá dài nói trên, theo BBC, được trích từ hồ sơ mới công bố của Cục Văn khố quốc gia Anh, trong đó có đoạn:
"Chính phủ Anh hôm thứ năm đưa ra các văn bản cho biết về chuyến bay rời khỏi Sài Gòn của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cách đây hơn 30 năm.
Theo phóng viên BBC Rick Fountain từ Cục Văn khố quốc gia Anh, ông Thiệu được máy bay trực thăng chở tới một tàu chiến của Mỹ, và sau đó ông tới Đài Loan cùng với vợ và phụ tá của mình. Cuối cùng ông Thiệu bắt đầu cuộc sống mới không phải ở Mỹ như nhiều người tưởng, mà ở London.
Các tường thuật của báo chí nói ông Thiệu đã bỏ trốn với một số lượng vàng lớn lấy đi từ ngân khố quốc gia của chính quyền Nam Việt Nam".
Mặc dù trong bản tin này BBC có phỏng vấn một nhân chứng là tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu vào năm 1975, nhưng vẫn không ngăn được làn sóng tranh luận ngay trên trang web BBC và các diễn đàn khác trên mạng. Bởi ông Hưng đã bay sang Mỹ công cán từ giữa tháng 4/1975 và kẹt luôn ở đó, nên ông không phải là nhân chứng trong câu chuyện 16 tấn vàng tại Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975 được.
Do vậy, chi tiết về 16 tấn vàng tài sản quốc gia tháng 4/1975 đã dẫn tới cuộc bàn thảo trên mạng xung quanh câu hỏi: có hay không kế hoạch tẩu tán số lượng vàng khá lớn nói trên? Chẳng hạn, một bạn trẻ tên Hưng đã đặt câu hỏi trên trang web BBC: "Từ trước tới nay người ta đều nói ông Thiệu mang theo 18 tấn vàng (chính xác là khoảng 16 tấn) ra nước ngoài. Giờ đây lại có thông tin ông ta không mang theo vàng ra nước ngoài. Vậy số vàng ấy có tồn tại hay không và nếu có thì đã nằm trong tay ai?".
Tin đồn về việc "ông Thiệu cuỗm 16 tấn vàng tài sản quốc gia" ngày càng lan rộng vào thời điểm ấy. Trong khi đó, báo chí Sài Gòn, vì nhiều lý do khác nhau, đã không có thông tin gì rõ ràng, và dân chúng hoàn toàn không biết thực hư câu chuyện đó như thế nào cho đến ngày 30/4/1975. |
Trong khi đó, một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mai nhớ lại bản tin 31 năm trước của BBC rằng: "Hồi ông Thiệu đi Đài Loan, BBC tường thuật là có nghe tiếng kim loại lẻng xẻng trong vali, ám chỉ ông Thiệu đã mang 16 tấn vàng trong ngân hàng quốc gia đi".
Bản tin cuối năm 2005 của BBC do vậy đã gây sự chú ý của nhiều người. Thứ nhất, nó liên quan đến khoản tài sản lớn của quốc gia. Thứ hai, nó khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự chính xác của những "hồ sơ Anh" vừa được giải mật. Vậy chuyện gì đã xảy ra 31 năm trước?
"Lời bác bỏ" gây nghi vấn
Tìm đọc lại những nhật báo Sài Gòn tháng 4/1975, thấy trên mặt báo tràn ngập tin tức chiến sự và di tản. Đột nhiên, nhiều báo ra giữa tháng 4 đã đồng loạt đăng một bản tin đáng chú ý về 16 tấn vàng. Như tờ Chính luận ngày 16/4 đã đăng như sau:
“Phát ngôn viên chính phủ:
Hoàn toàn bác bỏ tin 16 tấn vàng.
Sáng nay, được hỏi về vụ có 16 tấn vàng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tổng thống Campuchia Lon Nol chở từ Việt Nam ra ngoại quốc do Hãng AP (Mỹ) loan tin (chi tiết hóa tin của đài BBC loan tải trước đây), phát ngôn viên chính phủ tuyên bố: “Hoàn toàn là tin thất thiệt, đầy ác ý, cố ý bôi lọ”. Phát ngôn viên nhấn mạnh: “Tình trạng loan tin thất thiệt và cố ý bôi lọ của các hãng thông tấn và báo chí ngoại quốc loan đi không phải mới xảy ra mà đã kéo dài từ lâu”.
Lời bác bỏ nói trên dường như xác nhận một điều là vào lúc đó, nhiều hãng tin nước ngoài và các tờ báo lớn có phóng viên thường trú tại Sài Gòn đã cùng đưa tin “tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị mang 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam”. Không chỉ BBC, AP mà nhiều tờ báo lớn khác ở Mỹ như Los Angeles Times lúc đó đã đăng tin như sau: “Công ty vận chuyển đường không Balair của Thụy Sĩ vào hôm thứ hai đã xác nhận rằng: họ đã từ chối chở 16 tấn vàng, dường như thuộc quyền sở hữu của tổng thống Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu, từ Sài Gòn sang Thụy Sĩ”.
Những thông tin có dẫn nguồn rõ ràng như thế đã tạo ra nhiều nghi vấn, dù nó đã bị chính quyền Sài Gòn lúc đó bác bỏ. Có lẽ giới báo chí quốc tế ngày ấy đã biết sơ qua về một kế hoạch bí mật từ dinh Độc Lập, và kế hoạch bí mật đó dường như đã bị “xì” ra ngoài “Radio Catinat”, tức các quán cà phê Givral, Brodard (trên đường Đồng Khởi ngày nay), nơi tụ tập thường xuyên của các nhà báo, dân biểu, chính khách Sài Gòn lúc bấy giờ.
Trong khi dư luận còn bán tín bán nghi thì báo Độc Lập ngày 28/4 đã đăng một bản tin về chuyến ra đi bí mật của ông Nguyễn Văn Thiệu với chi tiết như sau: “Theo tin UPI, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã đến Đài Bắc bằng phi cơ quân sự Mỹ vào lúc 4 giờ sáng thứ bảy 26/4 với 16 viên chức Việt Nam cộng hòa cùng thân nhân tháp tùng. Tin Reuters ghi nhận liền sau khi đoàn người xuống phi cơ và được đưa vào phòng khách danh dự, một số hàng hơn 10 tấn cũng đã được cất xuống theo”.
Có quá ít tài liệu trong nước đề cập một cách chính xác và đầy đủ về chuyện này sau năm 1975. Trong một cuốn sách khá nổi tiếng đã được tái bản khá nhiều lần trong hơn 20 năm qua, người ta đọc được một đoạn “có vẻ chắc chắn” như sau:
“Thiệu và Khiêm đáp máy bay rời Sài Gòn sang Đài Loan, nơi anh ruột của Thiệu đang còn làm đại sứ (tức ông Nguyễn Văn Kiểu). Thiệu mang theo năm vali chứa đầy đôla. Trước đó, Thiệu đã mướn một chiếc máy bay chở hành khách cỡ lớn của Mỹ, đưa khỏi Việt Nam 17 tấn vàng bạc, châu báu, tài sản quí mà gia đình y đã vơ vét được sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống”.
Còn trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia trên mạng Internet, một “sử gia” nào đó đã cung cấp những thông tin “giật gân” hơn nữa: “Martin (đại sứ Mỹ tại Sài Gòn) giúp gia đình Thiệu ra đi, nhưng chỉ cho mang theo đồ vật cá nhân nhỏ. Thế là tay cựu tổng thống và bà vợ phải tính đến cách khác. Mai Anh (vợ Thiệu) đã xoay xở lấy được 16 tấn vàng ra khỏi ngân hàng quốc gia bằng cách ép dọa thuộc cấp. Bà ta cho chuyển phần lớn số vàng thỏi ấy lên một chiếc máy bay thuê của Hãng hàng không Thụy Sĩ. Nhưng các phi công, sau khi khám phá ra đó là vàng, đã hỏi sứ quán Thụy Sĩ và cuối cùng từ chối không chở nữa. Lý Long Thân (chồng em nuôi vợ Thiệu) nhảy vào cứu nguy. Thân ra lệnh chở vàng bằng tàu Trương Tinh đi Pháp, để sau này Thiệu nhận lại ở đó”.
Có khá nhiều “dị bản” như thế xung quanh chuyện ra đi và tẩu tán vàng của ông Nguyễn Văn Thiệu năm 1975. Trong đó, “dị bản” của BBC là mới nhất và bị phê phán nhiều nhất.
* Còn tiếp
Theo Tuổi trẻ