1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Catalonia tuyên bố độc lập: Hệ lụy khôn lường

Ngày 27/10, nghị viện vùng Catalonia đã tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong một cuộc bỏ phiếu đầy tranh cãi. Động thái này ngay lập tức vấp phải những phản ứng cứng rắn từ Chính quyền trung ương Madrid, một loạt các nước và các tổ chức trên thế giới.

Catalonia tuyên bố độc lập

Ngày 27/10, nghị viện vùng Catalonia đã tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi.

Kiến nghị độc lập đã được nghị viện Catalonia thông qua với tỷ lệ 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng, trên tổng số 135 ghế.

Trước đó cùng ngày, nghị viện Catalonia đã bỏ phiếu liên quan tới một kiến nghị bắt đầu “một tiến trình lập hiến” để tách khỏi Tây Ban Nha trước khi tiến hành một cuộc bỏ phiếu kín về việc liệu có tuyên bố độc lập hay không.

Sự đáp trả của chính quyền Madrid

Ngay sau khi nghị viện vùng Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập, ngày 28/10, người phát ngôn của Cơ quan công tố Tây Ban Nha cho biết trong tuần tới sẽ khởi tố nhà lãnh đạo vùng Catalonia, Thủ hiến Carles Puigdemont với tội danh nổi loạn.

Một tòa án sẽ quyết định có chấp nhận các cáo buộc kể trên đối với ông Carles Puigdemont hay không. Theo luật pháp Tây Ban Nha tội danh nổi loạn có thể bị phạt tù tới 30 năm. Cơ quan công tố Tây Ban Nha cũng có thể khởi động các vụ tố tụng tương tự nhằm vào những thành viên khác của chính quyền và nghị viện Catalonia.

Đặc biệt, Thượng viện Tây Ban Nha đã trao cho chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy quyền quản lý trực tiếp vùng Catalonia.

Trước đó, ngày 27/10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã giải tán nghị viện Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21/12 tới trong một nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong 40 năm qua.

Thủ tướng Rajoy cũng chính thức bãi nhiệm Thủ hiến Carles Puigdemont, cùng ban lãnh đạo của ông này như một phần trong các biện pháp "khôi phục lại trạng thái bình thường" sau khi nghị viện của Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Rajoy nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng cần khẩn trương lắng nghe các công dân Catalan, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể hành động ngoài vòng luật pháp nhân danh họ".

Các nước châu Âu đồng loạt phản đối

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, một loạt nước tại châu Âu đã lên tiếng phản đối hành động này của Catalonia.

Các nước châu Âu chủ chốt như Pháp, Anh, Italia và Đức đều lên tiếng khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalonia vừa thông qua.

Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét.

Chính phủ Đức thì cho hay ủng hộ lập trường của Thủ tướng Tây Ban Nha trong quyết tâm bảo vệ hiến pháp nước này. Trong một tuyên bố được đăng trên trang mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Chính phủ liên bang Đức không công nhận tuyên bố độc lập của vùng Catalonia thuộc Tây Ban Nha. Ông Seibert nêu rõ: "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha đang và sẽ luôn là bất khả xâm phạm", đồng thời, ông lên tiếng kêu gọi các bên sử dụng tất cả các cơ hội sẵn có để đối thoại và tránh leo thăng căng thẳng.

Người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ tuyên bố của Catalonia được đưa ra dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà Tòa án Tây Ban Nha đã tuyên bố là bất hợp pháp và rằng sự thống nhất của Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng.

Một loạt các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.

Ngoài ra, Mỹ và các tổ chức quốc tế khác mà Tây Ban Nha là thành viên cũng lên tiếng ủng hộ Chính quyền Madrid.

Bày tỏ quan điểm về các nỗ lực của Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn việc vùng Catalonia đòi độc lập, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/10 tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Madrid trong việc duy trì một nước Tây Ban Nha thống nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert trong một tuyên bố nêu rõ: "Catalonia là một phần không thể thiếu của Tây Ban Nha, và Mỹ ủng hộ các biện pháp của Chính phủ Tây Ban Nha dùng các biện pháp hợp hiến để giữ cho Tây Ban Nha vững mạnh và thống nhất".

Ngày 28/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Donald Tusk tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của vùng Catalonia, Tây Ban Nha và lên án tuyên bố độc lập đơn phương của Nghị viện vùng này. Ông Tusk nhấn mạnh: “Với EU, không có gì thay đổi, Tây Ban Nha là đối tác duy nhất của chúng tôi”.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định Tây Ban Nha vẫn là một đồng minh quan trọng của NATO và cho rằng, cuộc khủng hoảng Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha nên cần phải được giải quyết bằng luật pháp của nước này.

Hệ lụy khôn lường

Việc nghị viện vùng lãnh thổ Catalonia tuyên bố độc lập bất chấp phản đối gay gắt từ chính quyền trung ương Madrid đươc cho là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong 40 năm qua. Điều này được sự báo sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với nền dân chủ Tây Ban Nha.

Ngay sau khi bị chính quyền trung ương bác bỏ, Hội đồng Dân tộc Catalonia - nhóm ly khai chính tại vùng Catalonia đã kêu gọi các công chức ở vùng lãnh thổ này không tuân theo những chỉ thị từ Chính phủ Tây Ban Nha.

Động thái này, được sự báo là sẽ đẩy Tây Ban Nha vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Dù nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến thứ hai không quá lớn, song nhiều khả năng sẽ nảy sinh xung đột giữa lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ độc lập.

Theo hãng tin AP, với việc tuyên bố độc lập, điều đó đánh dấu nội các Catalonia của ông Puigdemont đang trên đà trở thành chính phủ khu vực đầu tiên tại Tây Ban Nha bị giải thể trong vòng 4 thập kỷ dân chủ vừa qua.

Trong khi đó, tờ Globe and Mail bình luận về cuộc khủng hoảng hiện nay với bài viết có tiêu đề “Nền dân chủ của Tây Ban Nha sẽ chỉ hỗn loạn hơn”, trong đó cho rằng cần có một bên nào đó đứng ra hạ nhiệt những mâu thuẫn này.

Tuy nhiên, “Tây Ban Nha đã từ chối mọi đề xuất hòa giải từ bên ngoài, và Liên minh châu Âu cũng chẳng đề xuất gì, thay vào đó lại đứng về phía lập trường cứng rắn của Thủ tướng Rajoy. Dù vẫn chưa ai dám chắc về kết quả cuối cùng, song hệ lụy mà nó kéo theo là thứ đã ‘rõ như ban ngày’”.

Nhà bình luận Lluis Bassets của tờ El Pais, sinh ra tại Catalonia, viết: “Không những không có được độc lập, sau đây Catalonia sẽ mất đi ảnh hưởng và vị thế của mình, sẽ không còn đủ sức mạnh như trước để đàm phán khi những nỗ lực khôi phục sự đồng thuận hiến pháp diễn ra. Tây Ban Nha cũng thiệt hại không kém, hình ảnh bị tổn hại, uy tín của các thể chế và tấm gương về sự khôi phục dân chủ và mở cửa ra thế giới sẽ bị xói mòn”.

Theo Đức Thức

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm