1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cắt đứt hợp tác quốc phòng: Nga khó khăn, Ukraine tuyệt vọng

Ukraine đã chính thức ban hành nghị định hủy bỏ thỏa thuận về hợp tác công nghiệp quốc phòng với Liên bang Nga, sau nhiều tuyên bố không chính thức.

Ukraine chính thức tuyệt giao về công nghiệp quốc phòng với Nga

Chính phủ Ukraine đã ra nghị định hủy bỏ thỏa thuận với Nga về hợp tác sản xuất và khoa học kỹ thuật giữa các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước, được ký ngày 18 tháng 11 năm 1993 tại thành phố Moscow của Nga.

RIA Novosti trích dẫn nội dung nghị định: "Chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác sản xuất và khoa học-kỹ thuật giữa các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp quốc phòng, được ký ngày 18-11-1993 tại thành phố Moscow”.

Như vậy là 2 nước đã chính thức đoạn tuyệt quan hệ hợp tác trên lĩnh vực quân sự sau nhiều tuyên bố không chính thức của giới chức lãnh đạo Ukraine, thông qua các phương tiện truyền thông.

Hồi tháng 5 vừa qua, Ukraine cũng đã đơn phương tuyên bố chấm dứt hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, ngày 20-5 cho biết, Kiev đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận hợp tác kỹ thuật-quân sự trên với Nga.

Ông Yatsenyuk cho rằng, Liên bang Nga là quốc gia xâm lược, sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea, can thiệp quân sự tại các khu vực Donetsk và Lugansk, gây nên một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Do đó, Nội các nước này quyết định phải chấm dứt thỏa thuận hợp tác.

Cat dut hop tac quoc phong: Nga kho khan, Ukraine tuyet vong

 

Nga còn phụ thuộc vào Ukraine trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, động cơ tàu chiến và máy bay trực thăng

 

Sau khi Liên Xô tan rã, tại Ukraine còn một số lượng lớn các xí nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp-quốc phòng thời Liên Xô. Đặc biệt, Ukraine được thừa hưởng tới 1/3 số xí nghiệp và phòng thiết kế của ngành tên lửa và hàng không Xô viết, có liên kết mật thiết với ngành quốc phòng của Nga.

Tháng 5-1993, Nga và Ukraine ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật-quân sự, theo đó hai bên thỏa thuận duy trì và phát triển hợp tác trong chế tạo và sản xuất các loại hàng hóa quân sự để cung cấp cho nhau, đồng thời cung cấp lẫn nhau các dịch vụ liên quan.

Hiệp định cũng quy định cấm bán hoặc chuyển giao các mặt hàng này cho bên thứ ba. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3-2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình, Kiev đã tạm đình chỉ các hoạt động hợp tác quân sự.

Nga gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn ban đầu

Trước đây, quan hệ giữa 2 nước tuy cũng có lúc thăng trầm nhưng không đến mức độ căng thẳng như hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp chế tạo vũ khí Nga vẫn an tâm giao một số mảng linh kiện, thiết bị cho Ukraine mà không cần phải lo nghĩ đến tương lai.

Các doanh nghiệp Nga hoàn toàn có thể thay thế được thiết bị nhập khẩu từ Ukraine nhưng việc này cần phải có thời gian để Nga tái cơ cấu ngành chế tạo thiết bị quân sự, mà điều này cần phải có nguồn vốn lớn, cùng với việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu.

Cat dut hop tac quoc phong: Nga kho khan, Ukraine tuyet vong

 

Nga cũng phụ thuộc một phần vào động cơ tăng, thiết giáp Ukraine

 

Do đó, hiện nay Nga còn đang phụ thuộc vào Ukraine một số lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, trong đó phần lớn là mảng sản xuất động cơ, bao gồm động cơ máy bay trực thăng, động cơ tàu chiến cỡ lớn, động cơ tên lửa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Ukraine cũng đang đảm nhận mảng bảo dưỡng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-20 Voyevoda (SS-18 Satan) cho Nga.

Việc 2 bên chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự trên thực tế đã gây cho Nga khá nhiều khó khăn trong quá trình nội địa hóa các sản phẩm quốc phòng của mình.

Điển hình là việc kế hoạch chế tạo các tàu hộ vệ thuộc Project 11356 bị chậm trễ do phía Ukraine dừng cung cấp động cơ khiến hải quân Nga phải vội vã triển khai dự án đóng các tàu chiến cỡ nhỏ (lượng giãn nước trên 500 tấn), thuộc Project 22800 để thay thế.

Ngoài ra, các công ty chế tạo động cơ trực thăng Motor Sich ở Zaporizhzhya, công ty Yuzhmash ở Dnipropetrovsk, chuyên sản xuất động cơ tên lửa cũng đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp cho Nga các động cơ trực thăng và động cơ tuốc bin khí cỡ nhỏ sử dụng trong tên lửa hành trình.

Hiện nay, Nga mới có một động cơ trực thăng duy nhất được nội địa hóa toàn bộ, công suất chế tạo khoảng 50 chiếc một năm, nhưng nhu cầu thực tế của ngành chế tạo trực thăng Nga cần tới 3.000 chiếc chỉ trong vòng từ 2 đến 3 năm tới. Đây là vấn đề nan giải đối với Nga hiện nay.

Ngoài ra, phần lớn các tên lửa chiến lược Nga hiện đang sử dụng có động cơ đẩy được sản xuất tại Ukraine, hơn một nửa linh kiện trên các tên lửa liên lục địa của Nga cũng có nguồn gốc từ Ukraine, mà những tên lửa này chứa hơn 80% số đầu đạn hạt nhân của Nga.

Những bộ phận thiết yếu bao gồm hệ thống điều khiển và dẫn đường, đặc biệt là cho mẫu tên lửa liên lục địa của Nga, RS-20B (Nato gọi là SS-18 Satan). Hệ thống dẫn đường của nó được sản xuất tại nhà máy Khatron ở thành phố Kharkov, Ukraine.

Ngoài ra, những chuyên gia người Ukraine hiện vẫn đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra thường kì các tên lửa Nga và xác nhận tình trạng sẵn sàng chiến đấu của chúng. Nếu chấm dứt hợp tác, các chuyên gia Nga sẽ tự làm được nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn và ảnh hưởng tới các nhiệm vụ khác.

 

 

Ngành chế tạo máy bay trực thăng Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt

 

Vừa qua, Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ dùng 20 nghìn tỷ Rúp (hơn 576 tỷ USD) để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, 3 nghìn tỷ Rúp (tương đương 83 tỷ USD) được dùng để hiện đại hóa các công ty quốc phòng và đẩy nhanh tốc độ thay thế linh kiện sản xuất ở Ukraine.

Tuy sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình nội địa hóa toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng nhưng khẳng định là Nga sẽ làm được và sau đó họ sẽ dễ dàng triển khai các đồng bộ và tự chủ các kế hoạch sản xuất vũ khí của mình. Trong tương lai xa, Nga sẽ thu lợi nhờ việc này.

Tuy nhiên, về phía Ukraine sẽ khó khăn hơn nhiều.

Đoạn tuyệt “tình huynh đệ”: Triển vọng mờ mịt của Ukraine

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp sản xuất vũ khí của Ukrainevới cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ sản xuất vũ khí kiểu Liên Xô cũ, chủ yếu sống dựa vào các đơn hàng gia công thiết bị, chế tạo linh kiện từ Nga, cơ bản là không có bước phát triển về công nghệ quân sự.

Việc chấm dứt hoàn toàn hợp tác sẽ khiến họ phải tìm kiếm những đối tác và đơn hàng mới. Tuy nhiên, hiện thị phần vũ khí có liên quan đến công nghệ Liên Xô hiện nay rất ít ỏi, nếu có thì đơn hàng cũng rất nhỏ, rất khó kiếm được tiền để duy trì hoạt động chứ đừng nói là thiết kế mới hay phát triển công nghệ mới.

 

 

Việc chấm dứt hợp tác với Nga sẽ khiến các doanh nghiệp Ukraine rất khó tồn tại

 

Các doanh nghiệp Ukraine nếu muốn tồn tại thì buộc phải chuyển hướng sang công nghệ phương Tây. Tuy nhiên, với nền tảng công nghệ thấp kém, cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ chỉ phù hợp với vũ khí kiểu Liên Xô/Nga, rất khó để doanh nghiệp nước này cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất phương Tây.

Việc tái cơ cấu ngành công nghiệp quốc phòng, xây dựng nền móng công nghệ phương Tây về cả con người lẫn cơ sở vật chất sẽ cần rất nhiều thời gian để Ukraine làm lại từ đầu, bắt kịp ngành công nghiệp quân sự phương Tây đã phát triển hàng trăm năm nay.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là sự chuyển hướng này sẽ tốn một khoản ngân sách rất lớn. Với nền tảng vững chắc như của Nga, chỉ để nội địa hóa các chi tiết nhập khẩu từ Ukraine đã tốn tới hàng chục tỷ USD thì đối với Kiev, việc “đập đi, xây lại” sẽ khiến con số này phải lên đến hàng trăm tỷ.

Mà với nền kinh tế èo uột như hiện nay, đó là việc bất khả thi đối với chính quyền Ukraine.

Vì vậy, việc chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga là điều rất bất lợi cho Ukraine. Cả hiện tại và trong tương lai, triển vọng phục hồi và phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nước này là rất mờ mịt.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Cắt đứt hợp tác quốc phòng: Nga khó khăn, Ukraine tuyệt vọng - 5

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm