1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đòi Ukraine phải sòng phẳng

Ukraine chưa kịp mừng vì được tái cơ cấu khoản nợ gần 20 tỷ USD thì đã lo ngay ngáy khoản nợ 3 tỷ phải trả Nga.

Ngày 27/8, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục yêu cầu Ukraine thanh toán đầy đủ khoản nợ 3 tỷ USD trong tháng 12 tới.

Trong cuộc trả lởi phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya, ông Siluanov nêu rõ: "Chúng tôi không chấp nhận việc tái cơ cấu nợ hay bất cứ sự thay đổi nào đối với các quy định cấp vốn từ Quỹ đầu tư quốc gia (Nga). Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Ukraine phải thực hiện đầy đủ các cam kết của họ, đó là thanh toán toàn bộ khoản nợ 3 tỷ USD kèm tiền lãi liên quan trong tháng 12 tới".

Nga doi Ukraine phai song phang

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov

Hôm 26/8, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ nước ngoài về việc tái cơ cấu nợ, trong đó bao gồm việc xóa 20% tổng số nợ gần 20 tỷ USD của Ukraine. Khoản nợ còn lại (bao gồm cả 3 tỷ USD nợ Nga không được tái cơ cấu) được hoãn thanh toán trong vòng 4 năm.

Một ngày sau, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko chính thức khẳng định nước này đã đàm phán thành công để được xóa 3,6 tỷ USD trong số gần 20 tỷ USD nợ nước ngoài. Số nợ còn lại là 15,5 tỷ USD được hoãn thanh toán, bao gồm 3 tỷ nợ Nga không được tái cơ cấu, đến năm 2019.

Từ tháng 3/2015, Chính phủ Ukraine đã tiến hành thương lượng với các chủ nợ quốc tế để được tái cơ cấu khoản nợ trái phiếu chính phủ khoảng 20 tỷ USD. Phía Kiev muốn được xóa 40% trong tổng số nợ này.

Dù các chủ nợ như Tập đoàn Franklin Templeton của Mỹ và ba tập đoàn tài chính lớn khác, chủ nắm giữ gần một nửa trong tổng số 20 tỷ USD nợ nêu trên, cho rằng Kiev còn dự trữ trong ngân hàng trung ương đủ để thanh toán toàn bộ nợ, song Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ, vốn ủng hộ Chính phủ thân phương Tây tại Kiev, đã gây sức ép thuyết phục các chủ nợ chấp nhận một phần thiệt hại.

Nga doi Ukraine phai song phang

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (phải) và bà Bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko

Trong bối cảnh đất nước đang có nội chiến và khủng hoảng kinh tế trầm trọng, không xóa được nợ đồng nghĩa với việc Kiev sẽ buộc phải áp lệnh cấm chi trả nợ vào tháng Chín tới, khi đến thời hạn thanh toán.

Theo thỏa thuận hiện hành với IMF, Kiev phải tiết kiệm hơn 15 tỷ USD trong vòng 4 năm tới, trong đó 5,2 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015.

Cuộc xung đột ở miền Đông kéo dài hơn một năm qua đã đẩy kinh tế Ukraine vào tình trạng suy sụp với giá trị đồng nội tệ xuống thấp kỷ lục, trong khi lãi suất tăng cao nhất trong 15 năm qua.

Tổng nợ quốc gia và nợ quốc gia đảm bảo của Ukraine hiện đã lên tới 70 tỷ USD. Trong quý I/2015, tăng trưởng kinh tế của Ukraine đã sụt giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những khó khăn về kinh tế, một trong những mối lo lớn nhất của Ukraine hiện nay là vấn đề năng lượng khi mùa Đông đang tới gần.

Công ty Ukrtransgaz ngày 25/8 thông báo tính đến nay, kho dự trữ của Ukraine đã được bơm 14,1 tỷ m3 khí đốt.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng-Than Ukraine Vladimir Demchishin nói rằng nước này "cần mua thêm 5-6 tỷ m3 khí đốt để qua được giai đoạn mùa Đông".

Từ tháng 5/2015, nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine đã bắt đầu chuẩn bị cho mùa sưởi ấm 2015-2016. Để công việc không bị gián đoạn trong mùa lạnh, Kiev đã lên kế hoạch đại tu 34 km đường ống dẫn khí đốt, sửa chữa hàng trăm trạm phân phối và chuyển tiếp.

Nga đòi Ukraine phải sòng phẳng - 3

 

Một mùa Đông giá lạnh đang chờ Ukraine

Báo chí Nga mỉa mai rằng chất lượng hệ thống đường ống dẫn tốt hay xấu cũng không quan trọng bằng việc có đủ nguồn cung hay không.

Cả Ukraine và Nga hiện đang cáo buộc lẫn nhau làm gia tăng xung đột ở khu vực Donbasss khiến nhiều dân thường thương vong.

Quân đội Ukraine cho rằng Moskva đang tăng sức ép lên Ukraine khi ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine mở các cuộc tấn công vào căn cứ của quân đội Ukraine.

Còn Bộ Ngoại giao Nga tố cáo chính quân đội Ukraine vi phạm thỏa thuận Minsk khi gia tăng các vụ nã pháo vào khu vực mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát, làm chết nhiều dân thường.

Phía CH Nhân dân Donetsk tự xưng cũng cho biết quân đội Ukraine đã bố trí hơn 50 xe bọc thép, dàn tên lửa "Grad" và "Tochka-U" cận kề đường giới tuyến, khu vực lẽ ra không được hiện diện vũ khí hạng nặng.

Nga đòi Ukraine phải sòng phẳng - 4

 

Binh sĩ Ukraine

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gọi chuyến thăm bán đảo Crimea của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "một thách thức" với Ukraine và "tiếp tục thổi bùng căng thẳng" tình hình ở miền Đông Ukraine.

Đáp lại chỉ trích của Tổng thống Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi công hàm trả lời rằng đây hoàn toàn là công việc nội bộ của nước này.

Trong chuyến thăm bán đảo Crimea, Tổng thống Vladimir Putin nhắc lại rằng quyết định gia nhập LB Nga đã được gần như toàn thể người dân Crimea quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3 năm ngoái.

Ông Putin cũng hy vọng tình hình tại miền Đông Ukraine sẽ không diễn tiến thành đụng độ quy mô lớn, đồng thời cho rằng thỏa thuận Minsk là giải pháp duy nhất để giải quyết xung đột tại Ukraine.

Hiện Moskva và Kiev vẫn mâu thuẫn với nhau về quan điểm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Moskva luôn yêu cầu Kiev phải tiến hành đối thoại trực tiếp với đại diện các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, trong khi Chính quyền Kiev dứt khoát từ chối, tuyên bố rằng không đối thoại với lực lượng mà họ gọi là "ly khai và khủng bố".

Theo Bảo Minh

Đất Việt

Nga đòi Ukraine phải sòng phẳng - 5