Carla Bruni - Cố vấn thời trang mới của Tổng thống Pháp
(Dân trí) - Chỉ trong 3 tháng, Carla Bruni đã biến hoá từ một người phụ nữ quyến rũ trên sàn diễn thời trang thành đệ nhất phu nhân của nước Pháp, từ bỏ những đôi giày cao gót và khoác lên mình những bộ trang phục thanh lịch.
Đúng lúc ông Sarkozy kết thúc một năm nắm quyền với tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp kỷ lục dành cho một tổng thống Pháp, thì Carla Bruni, một cựu người mẫu và giờ là ca sĩ, đã chinh phục người Pháp với tỷ lệ ủng hộ cho bà trong vai trò mới tăng đột biến.
Giới quan sát thậm chí còn nhận thấy Bruni là động lực đằng sau sự thay đổi phong cách gần đây của ông Sarkozy, giúp ông vứt bỏ biệt danh “Tổng thống thích phô trương” và làm dịu bớt tính cách nóng nảy để trở thành một nhà chính trị đích thực.
“Còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của Bruni đối với chồng bà. Nhưng không còn nghi ngờ về việc những ảnh hưởng đó là rất mạnh mẽ”, nhà phân tích chính trị Philippe Braud tại Học viện khoa học chính trị ở Paris nói. “Bà ấy đã giúp ông Sarkozy lấy lại sự ổn định”.
Thời gian tìm hiểu chóng vánh và cuộc hôn nhân của ông Sarkozy với Bruni diễn ra chỉ 3 tháng sau khi ông Sarkozy ly dị người vợ thứ hai - Cecilia, và đúng lúc cử tri Pháp tỏ ra lo lắng về một nền kinh tế ảm đạm được cho là những lý do khiến tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục: 32%.
Nhưng với vai trò là đệ nhất phu nhân, Bruni đã tỏ ra rất khéo léo trong các chuyến thăm cấp nhà nước - từ hành động nhún gối cúi chào Nữ hoàng Anh Elizabeth II cho tới việc nâng niu các em bé mồ côi tại Tusinia. Các nhà bình luận Pháp đã bắt đầu nói về một “Ảnh hưởng Carla” bằng giọng điệu thán phục.
Vợ chồng Tổng thống Pháp trong chuyến thăm Tunisia hồi cuối tháng 4
Với bí quyết của một cựu người mẫu, Bruni đã xuất hiện trước công chúng với những bộ trang phục kín đáo, thanh lịch và không quên mang những đôi giày đế bệt để mọi người không có cảm giác bà quá cao so với chồng. Chính phong cách này đã khiến báo chí Anh so sánh bà với Jackie Kennedy, đệ nhất phu nhân xinh đẹp và thanh lịch của Mỹ.
Trong những tháng gần đây, những người quan sát nhận thấy Bruni đã hướng Tổng thống Pháp tới những chiếc áo sơ mi thanh lịch, những bộ comple lịch sự hơn và tránh những chiếc đồng hồ đeo tay, kính râm đắt tiền vốn bị nhiều người chế giễu.
Sau những tuần liên tục xuất hiện trên mặt báo, giờ đây họ đang sống kính đáo hơn. Những chuyến đi nghỉ cuối tuần tới Marrakesh hoặc biệt thự Riviera xa hoa của Bruni ở Cap Negre, đều được giữ giữ bí mật để tránh các tay săn ảnh.
Bruni thậm chí còn “gạ gẫm” được người chồng yêu nhạc pop của bà tới xem một vở kịch tại nhà hát Comedie Francaise tại Paris, nơi cặp đôi xuất hiện khá kín đáo. Nhà phân tích chính trị Philippe Braud nói: “Tôi nghĩ là bà ấy đang cố vấn ông Sarkozy trong vài vấn đề”.
Bruni ít khi xuất hiện tại dinh tổng thống: bà và ông Sarkozy thường nghỉ ngơi những ngày cuối tuần ở biệt thự của bà ở Paris, nơi ca sĩ 40 tuổi này đang thu âm album mới dự kiến sẽ phát hành vào mùa hè này. Sau đó, Bruni đang lên kế hoạch sẽ đảm nhiệm các vai trò tại điện Elysee và tập trung vào hoạt động nhân đạo.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đệ nhất phu nhân Bruni, người từng ủng hộ đối thủ cánh tả của ông Sarkozy trong cuộc tổng thống hồi tháng 10 năm ngoái, đã chinh phục công chúng Pháp. 9/10 người miêu tả đánh giá bà “xinh đẹp” và “hiện đại”.
Bản thân tổng thống Pháp dường như cũng thực sự nể phục sắc đẹp, văn hoá, trình độ hiểu biết tới 5 ngoại ngữ và những lời ca ngợi của công chúng với vợ ông. Và báo chí Pháp, ngoại trừ một bài viết châm biếm nhẹ nhàng “Diary of Carla” trên tạp chí trào phúng Canard Enchaine, cũng rất tử tế với bà.
Mặc dù được sự cố vấn của Bruni nhưng vẫn không có dấu hiệu cho thấy tiếng tăm của bà có thể cải thiện tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với tổng thống Pháp.
Các chuyên gia cho rằng, việc ông Sarkozy ly dị rồi tái hôn nhanh chóng, cùng với một “sự cố” trong đó Tổng thống đã có những lời lẽ nặng nề với một người đàn ông trong hội chợ nông nghiệp, khiến ông trở thành người dễ bị tấn công và có vẻ như không đáng tin cậy. Người Pháp muốn thấy những dấu hiệu sáng sủa cho nền kinh tế.
“Thậm chí những người từng nhiệt tình ủng hộ Sarkozy cũng trở nên giận dữ, thất vọng ghê gớm, họ cảm thấy ông uổng phí chiến thắng”, nhà phân tích chính trị Jean-Luc Parodi nói. Ông Parodi dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những cải cách không được mọi người ủng hộ có thể khiến tỷ lệ ủng hộ của ông vẫn giảm trong tương lai gần.
“Bruni đã rất khéo léo khi chọn một chiến lược thận trọng và khiêm tốn. Nhưng chúng tôi không cho rằng tất cả những gì đã bị phá huỷ trong vòng vài tháng qua có thể xây lại trong thời gian tới”, nhà phân tích Parodi nhận định.
VTH
Theo AFP