1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cảnh tượng thời chiến bên trong bệnh viện điều trị nạn nhân khủng bố Paris

(Dân trí) - Trong một cảnh tượng giống thời chiến, các bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện ở Paris phải làm việc trong một căn phòng chật hẹp và chạy đua với thời gian để cứu sống các nạn nhân trong loạt tấn công khủng bố đêm 13/11.

 


Bên trong một căn phòng tại bệnh viện St Louis, nơi các bác sĩ nỗ lực điều trị cho những người bị thương trong loạt khủng bố Paris (Ảnh: St Louis)

Bên trong một căn phòng tại bệnh viện St Louis, nơi các bác sĩ nỗ lực điều trị cho những người bị thương trong loạt khủng bố Paris (Ảnh: St Louis)

Đứng trước các nạn nhân người dính đầy máu, các bác sĩ đã làm việc không biết mệt mỏi để giành giật sự sống cho những người không may trúng đạn của những kẻ khủng bố trong “đêm địa ngục” 13/11 tại Paris.

Một bức ảnh được chụp tại bệnh viện St Louis tại Paris, cho thấy các chuyên gia phẫu thuật, các bác sĩ và y tá đang khẩn trương cứu chữa cho những người bị thương nằm trên giường bệnh trong một căn phòng nhỏ. Khung cảnh đó làm liên tưởng tới cảnh tượng thời chiến.

Bức ảnh cũng hé lộ phần nào những vết thương khủng khiếp mà các nạn nhân phải hứng chịu trong một loạt các vụ tấn công nhằm vào sân vận động Stade de France, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và rạp hát Bataclan.

Philippe Juvin, người đứng đầu các dịch vụ khẩn cấp tại Bệnh viện Georges Pompidou ở Paris và từng công tác tại các vùng chiến sự như Afghanistan, đã miêu tả cảnh các nạn nhân bị bắn được đưa tới phòng phẫu thuật hoặc cấp cứu với những vết thương mà ông nói là chỉ thường thấy ở các vùng chiến sự. Ông nói các nạn nhân được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng bị sốc, sau khi bị trúng làn đạn của các tay súng.

“Mọi người bị bắn ở chân, tay, cổ, ngực. Ngoài ra, họ cũng bị những tổn thương về tâm lý. Nhưng thật khó lý giải là nhiều bệnh nhân không kêu la khi họ được chuyển tới đây, dù bị thương nặng. Nó không giống như một bộ phim khi tất cả mọi người đều khóc. Trường hợp này không như vậy. Các bệnh nhân tới trên xe cứu thương và không ai nói gì cả”, Juvin nói với tờ Mail online.

 


Người dân đặt hoa và nến bên ngoài rạp hát Bataclan, nơi 89 người bị bắn chết trong vụ thảm sát kinh hoàng. (Ảnh: AFP)

Người dân đặt hoa và nến bên ngoài rạp hát Bataclan, nơi 89 người bị bắn chết trong vụ thảm sát kinh hoàng. (Ảnh: AFP)

Một y tá, Catherine, miêu tả các diễn biến tại bệnh viện St Louis vào đêm 13/11 là “kỳ dị”. Nhưng Catherine cho biết cô rất cảm động vì sự đoàn kết của đội ngũ nhân viên trong bệnh viện.

“Tôi muốn nhớ tới làn sóng đoàn kết mà tôi đã chứng kiến: tất cả đội ngũ nhân viên, các bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật, y tá, những người đã liên tục gọi điện để sẵn sàng trợ giúp và tới bệnh viện lúc nửa đêm dù chúng tôi không đề nghị”, Catherine nói. “Đêm đó, tôi cảm thấy tự hào về công việc của mình, về bệnh viện, về các đồng nghiệp”.

Trong khi đó, một bác sĩ phẫu thuật giấu tên tại bệnh viện Lariboisiere cho biết anh đã nhìn thấy các nạn nhân với những vết thương gây ra do đạn xuyên thủng. Trong số những người bị thương có người vị vỡ hàm, nứt hộp sọ, mắt bị lồi ra, chân tay bị gãy.

Loạt tấn công khủng bố tại Paris vào tối ngày 13/11 diễn ra tại 6 địa điểm, cướp đi sinh mạng của 129 người và khiến 352 người khác bị thương, trong đó hơn 90 người bị thương nặng.

Hiện vẫn có hàng chục nạn nhân đang chiến đấu để giành giật sự sống. Và dù có sống sót, các nạn nhân sẽ gặp phải những tổn thương lâu dài, có thể trong nhiều năm, và nhiều người trong số họ sẽ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm