1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Từ khủng hoảng di cư đến khủng bố đẫm máu ở Paris

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng khủng bố Hồi giáo tự xưng IS đã lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư để trà trộn vào dòng người bất tận để tiến vào châu Âu và sau đó tổ chức cuộc thảm sát tại Paris hôm 13/11, khiến 129 người chết.

 

Binh lính Pháp tuần tra dưới chân tháp Eiffel hôm 15/11 (Ảnh: New York Times)
Binh lính Pháp tuần tra dưới chân tháp Eiffel hôm 15/11 (Ảnh: New York Times)

Các lực lượng điều tra phương Tây cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên hệ giữa lực lượng IS tại Syria và các tên tấn công khủng bố tại châu Âu, trong đó có 3 tên sinh sống tại Bỉ, những nghi phạm quan trọng liên quan đến vụ khủng bố tại Paris, theo tờ New York Times.

Các nhà điều tra tiến hành thu thập chứng cứ trên nhiều mặt trận cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ít nhất một trong số 8 kẻ tấn công đã từng đến Syria, nơi căn cứ của lực lượng IS trước đó.

Số còn lại đã liên lạc với các thành viên nhóm trước khi tiến hành khủng bố tại Paris. Theo các nhà điều tra, không loại trừ khả năng một công dân Syria có thể đã được phái đi để tham gia vào nhóm tấn công khủng bố sau khi trà trộn vào hàng ngàn người nhập cư để vào châu Âu.

Giới chức Pháp cũng cho biết các lực lượng an ninh của Mỹ đã từng cảnh báo trước đó vào tháng 9 rằng các phần tử thánh chiến jihad từ Pháp đến Syria lên kế hoạch tấn công khủng bố

Chính nhờ thông tin tình báo trên đã khiến Paris đi đến quyết định không kích Raqqa tại Syria, được coi là sào huyệt của lực lượng Hồi giáo tự xưng IS, ngày 8/10 như một bước đi phòng ngừa, nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với cuộc không kích đáp trả của Pháp đêm 14/11 vừa qua.

Thế nhưng các nhà điều tra của Pháp và Mỹ đều thừa nhận tính phức tạp và sự phối kết hợp giữa các mạng lưới khủng bố. Các cuộc tấn công vừa qua cho thấy các mạng lưới khủng bố đã hoạt động tại châu Âu. Điều đáng chú ý là một vài kẻ tấn công đã sống lén lút tại Bỉ để chuẩn bị cho cuộc thảm sát tại Pháp.

Giới chức tình báo châu Âu cho rằng một tên trong số chúng đã từng đến Syria là Ismaël Omar Mostefaï, một công dân Pháp sống tại Chartre, cách 96km về phía Tây Nam thủ đô Paris. Mostefaï là một trong số 6 kẻ đánh bom cảm tử tại rạp hát Bataclan, khiến 89 người thiệt mạng và được cơ quan điều tra phát hiện qua vân tay và phù hợp với tài liệu thu thập được.

Mostefaï là trong một gia đình có 5 anh em, bố là người Algeria và mẹ là người Bồ Đào Nha. Tên này từng làm cho một hiệu bánh, theo lời khai của một người hàng xóm sống tại Chartre. “Mostefaï hay chơi đùa với lũ trẻ nhà tôi, chưa bao giờ nói chuyện về tôn giáo. Không rõ vì sao anh ta thay đổi. Lúc đó là vào năm 2010, thời điểm anh ta bắt đầu trở nên cực đoan”, người hàng xóm kể lại.

Theo các quan chức tình báo châu Âu, Mostefaï  đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2012 và có thể sau đó tuồn sang Syria. Không rõ hắn ta đi đâu, ở trong bao lâu và gặp gỡ với ai tại Syria. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng hắn ta đã tới Syria.

Về các manh mối khác, các nhà điều tra tập trung vào nước Bỉ. Các nhà chức trách đã bắt giữ một vài người tại Molenbeek, một khu nghèo tại thủ đô Brussels, nơi cư ngụ của những người di cư gốc Ả rập và cũng từng liên quan đến các vụ tấn công khủng bố trước đó.

Trong số tên bị bắt giữ có Amedy Coulibaly, tên này trước đó đã tấn công khủng bố vào tháng 1 năm nay tại một siêu thị ở Paris và được cho là đã mua vũ khí tại thị trấn Molenbeek. Tên thứ hai cũng là một người Pháp, tên là Mehdi Nemmouche, vốn đã từng tấn công vào một viện bảo tàng người Do thái tại Brussels vào năm ngoái khiến 4 người chết, cũng mua vũ khí tại đó. Và gần đây nhất, Ayoub El Khazzani, một người Ma rốc từng tấn công hành khách trên một tàu cao tốc trở về Paris từ Amsterdam, cũng tá túc tại Molenbeek.

Các lực lượng điều tra còn truy thêm 3 anh em cũng sống tại Molenbeek (Bỉ) là nghi phạm quan trọng trong vụ tấn công khủng bố Paris. Các công tố viên Bỉ xác nhận tên Ibrahim Abdeslam là kẻ đánh bom cảm tử tại quán Cafe Comptoir Voltaire, còn người em là Mohamed bị bắt một ngày sau đó. Tên thứ 3 là Salah Abdeslam, 26 tuổi, cũng rất nguy hiểm và thuộc đối tượng truy nã của chính quyền Pháp. Abdeslam đã để lại dấu vân tay sau vụ tấn công.

Ngoài ra, các nhà điều tra còn tập trung thêm vào mạng lưới ở Pháp và ở Hy Lạp với khả năng một kẻ khủng bố đã vào châu Âu hòa cùng đoàn người di cư. Không rõ liệu một trong số kẻ đánh bom có phải là công dân Syria hay không.

Hôm 15/11, giới chức Hy Lạp cũng lên tiếng xác nhận một kẻ có hộ chiếu mang tên Ahmad al-Mohammad, 25 tuổi, trước đó đã đến đảo Leros vào ngày 3/10 sau đó di chuyển ngang qua Croatia và Serbia. Có thể những tên khủng bố đã trà trộn vào đoàn người di cư để tiến vào châu Âu.

Gần đây cả Mỹ, Pháp và một vài quốc gia châu Âu đã nhận được thông tình báo cho thấy IS sẽ tấn công một địa điểm nào đó tại Pháp nhưng không một quốc gia nào biết đích xác khi nào nó xảy ra, theo các quan chức tình báo Mỹ.

Trước đó vào năm 2014 thời điểm khi lực lượng IS mở rộng địa bàn hoạt động tại Syria và Iraq thì lực lượng tình báo đã phát hiện nhiều âm mưu tấn công khủng bố nhưng không vụ nào xảy ra lúc đó.

Vũ Duy

Theo New York Times

 

Từ khủng hoảng di cư đến khủng bố đẫm máu ở Paris - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm