1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, Trung Quốc lập 12 đại học công nghệ hàng đầu

Thanh Thành

(Dân trí) - Trung Quốc đang nhắm mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2035, trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh khốc liệt về thương mại và công nghệ với Mỹ.

Cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, Trung Quốc lập 12 đại học công nghệ hàng đầu - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa, ở Bắc Kinh hồi tháng 4 (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Trung Quốc mới đây đã đưa 12 trường đại học hàng đầu đất nước vào chiến lược xây dựng "các trường công nghệ tương lai", động thái mới nhất cho thấy rõ tham vọng trở thành cường quốc khoa học và công nghệ hàng đầu của Bắc Kinh.

Trong đó, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa (cũng ở Bắc Kinh) danh tiếng được nhắm mục tiêu ưu tiên. Đây là hai trong số các cơ sở giáo dục đại học đầu tiên được Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ định thành lập các trường mới tập trung vào việc xây dựng lợi thế công nghệ tiên phong của nước này, theo tuyên bố mới nhất của Bộ này.

Chiến lược "đại học công nghệ tiên phong" này nằm trong kế hoạch quy mô lớn mà Trung Quốc công bố vào năm 2020. Nhiệm vụ quan trọng của các trường công nghệ mới này là nghiên cứu và phát triển "các công nghệ tiên tiến, mang tính cách mạng và đột phá trong 10-15 năm tới", cũng như ươm mầm các nhà lãnh đạo đổi mới trong tương lai và chuyển đổi số.

Theo tuyên bố, mục tiêu của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc được biết đến với cụm từ "Made in China" (Sản xuất tại Trung Quốc) thành "Created in China" (Chế tạo tại Trung Quốc).

Li Yi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết trong chiến lược này, Trung Quốc muốn đưa những trường đại học danh tiếng trong nước vào vị trí cạnh tranh toàn cầu như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford ở Mỹ.

"Trước đây, chúng tôi có thể đi khắp thế giới để tìm hiểu về những tiên phong khoa học mới, nhưng các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang ngày càng hạn chế kênh thông tin và học tập ở nước ngoài (dành cho sinh viên Trung Quốc)", nhà nghiên cứu này nói.

Trong bối cảnh đó, theo nhà nghiên cứu Li, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các trường đại học chủ động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quốc tế.

Trường Cao đẳng Công nghệ tương lai tại Đại học Bắc Kinh ra đời vào tháng 9/2020, với trọng tâm chủ yếu là tập trung vào các công nghệ đời sống và sức khỏe cũng như phát triển hai lĩnh vực liên ngành hàng đầu: kỹ thuật y sinh và y học phân tử, theo bài đăng tuyển dụng trên trang web của trường.

Đại học Công nghệ miền Nam Trung Quốc cũng nằm trong số những trường đầu tiên trong chiến lược công nghệ này của Bắc Kinh. Trường sẽ bắt đầu tuyển sinh vào tháng 9 này với 2 chuyên ngành: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ dữ liệu lớn. Trường sẽ hợp tác với các trường đại học trên toàn cầu, trong đó có Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh và Viện Công nghệ Massachusetts, trong các dự án chung về công nghệ tiên phong.

Trong khi đó, Đại học Beihang (trước đây gọi là Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh) được giao nhiệm vụ xây dựng một trường đại học mới về "công nghệ hàng không vũ trụ trong tương lai".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Li cho rằng "Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường dài phía trước mới có thể đuổi kịp Mỹ". Dù đang đi đúng hướng, chúng ta cần những thay đổi lớn hơn nữa trong hệ thống giáo dục, vốn vẫn còn cổ hủ và chưa có tầm nhìn tương lai, mới có thể bắt kịp với các trường đại học hàng đầu như MIT".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm