1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cảnh báo nguy cơ rò rỉ hạt nhân tại nhà máy Zaporizhia sau vụ vỡ đập

Thanh Thành

(Dân trí) - Một tổ chức an toàn hạt nhân của Pháp đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ hệ thống làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia có nguy cơ bị sập, gây rò rỉ do đập Kakhovka bị vỡ và hồ chứa bị cạn nước.

Cảnh báo nguy cơ rò rỉ hạt nhân tại nhà máy Zaporizhia sau vụ vỡ đập - 1

Ảnh chụp từ trên không của nhà máy điện hạt nhân Zaporzhia (Ảnh: AFP).

Nhà máy Zaporizhia, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga, chủ yếu dựa vào nước từ hồ thủy điện Kakhovka để làm mát 6 lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, mực nước ở đây đã giảm 2,8m kể từ sau vụ nổ đập Nova Kakhovka vào ngày 6/6.

Trong báo cáo mới nhất, Viện Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân (IRSN) có trụ sở tại Paris cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, vụ vỡ đập có thể gây nguy hiểm lâu dài cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.

Vì nếu không có đủ nguồn nước, nhà máy Zaporizhia sẽ không thể làm mát hệ thống, vận hành các máy phát điện và từ đó có nguy cơ làm rò rỉ hạt nhân. Và nếu không có bể chứa hỗ trợ ở phía bên kia, áp suất bên trong của nước trong bể làm mát có thể làm vỡ đê xung quanh nó.

Theo báo cáo này, việc mất bể chứa không có nguy cơ gây thảm họa vì các nguồn nước khác có thể được đưa vào, chẳng hạn như xe tải bơm, để ngăn chặn sự tan chảy của nhiên liệu hạt nhân của nhà máy, nhưng việc mất bể làm mát sẽ làm gia tăng đáng kể mối lo ngại về an toàn tại nhà máy.

Kể từ khi đập Kakhovka bị vỡ hôm 6/6, hồ chứa của nó đã chảy vào sông Dnipro và Biển Đen xa hơn, và sẽ sớm giảm xuống dưới mức nước được sử dụng để bơm nước vào một loạt các hồ phun được sử dụng để làm mát lò phản ứng ở nhà máy Zaporizhia.

Phó Tổng giám đốc phụ trách an toàn hạt nhân của IRSN, ông Karine Herviou cũng cho biết, vì tất cả 6 lò phản ứng tại nhà máy Zaporizhia đã ngừng hoạt động vài tháng trước do giao tranh trong khu vực, nên nhu cầu làm mát của nhà máy bị hạn chế và có thể được đáp ứng bởi các nhà máy khác.

"Nếu đê bị phá hủy do áp lực nước, có nhiều cách khác để bổ sung nước cho các hồ phun, chẳng hạn như xe bơm chở nước từ Dnipro hoặc lưu vực nước khác nằm gần đó", ông cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Ihor Syrota, người đứng đầu tập đoàn thủy điện Ukrhydroenergo của Ukraine hôm 8/6 cho rằng, "chúng tôi đang tiến đến vùng chết 12,7m này, sau đó sẽ không có bất kỳ nguồn nước nào cung cấp cho các hồ phun làm mát tại nhà máy Zaporizhia".

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi hôm 7/6 cũng cảnh báo, khi mực nước dưới 12,7m, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia sẽ không thể bơm nước từ hồ chứa để làm mát lò phản ứng.

Về thảm họa vỡ đập thủy điện này, cả Ukraine, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các nhà lãnh đạo thế giới khác đang quy trách nhiệm cho Nga, trong khi Moscow hoàn toàn bác bỏ và đổ lỗi cho Kiev. Moscow nói rằng, Ukraine muốn cắt nguồn nước của bán đảo Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014.

Cảnh báo nguy cơ rò rỉ hạt nhân tại nhà máy Zaporizhia sau vụ vỡ đập - 2

Ảnh vệ tinh ngày 7/6 cho thấy mức độ hư hại của đập Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson (Ukraine) sau khi bị vỡ (Ảnh: Reuters).

Nói về vấn đề này, ông Grossi cảnh báo rằng, "điều quan trọng bây giờ không phải là đổ lỗi mà là đảm bảo việc làm mát ao tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia còn nguyên vẹn". 

Ông nói thêm rằng nước từ hồ chứa Kakhovka vẫn đang được bơm đến nhà máy điện để làm mát các lò phản ứng và các khu vực khác. Ông Grossi cho biết nhà máy cũng có thể dựa vào một hồ làm mát lớn phía trên hồ chứa với lượng nước đủ dùng trong vài tháng.

Tổng Giám đốc IAEA có kế hoạch đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia vào tuần tới và đưa thêm các quan sát viên để tăng cường sự hiện diện của IAEA tại đây.

Chủ tịch của công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Ukraine (Energoatom),  ông Petro Kotin hôm 8/6 cũng cho biết, nguồn cung cấp nước hiện tại ở Zaporizhia là đủ "để giữ cho nhà máy điện hạt nhân ở chế độ vận hành an toàn", nhưng cảnh báo về mối đe dọa phá hoại khác.

Theo Guardian