1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Canh bạc" thất bại của Israel với Hamas

Quốc Thủy

(Dân trí) - Tel Aviv từng muốn giữ Hamas "vừa đủ mạnh" để quản lý Gaza và tạo đối trọng với chính quyền Palestine ở Bờ Tây, nhưng không thể đe dọa nghiêm trọng Israel. Tuy nhiên, dường như họ đã thất bại.

Canh bạc thất bại của Israel với Hamas  - 1

Xe tăng của quân đội Israel (Ảnh: AFP).

Chỉ vài tuần trước cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ do Israel kiểm soát ngày 7/10, người đứng đầu cơ quan tình báo Israel (Mossad) David Barnea tới Qatar để gặp gỡ các quan chức nước chủ nhà.

Trong nhiều năm, chính phủ Qatar đã gửi tới Gaza hàng triệu USD mỗi tháng, số tiền sau đó được sử dụng để trả lương cho nhân viên chính phủ, cũng như hỗ trợ hệ thống y tế và năng lượng tại Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận - thậm chí là khuyến khích - khoản tiền này.

Trong cuộc gặp tại Doha (Qatar) hồi tháng 9, ông Barnea nhận được câu hỏi nằm ngoài chương trình: Israel có muốn khoản chi kể trên tiếp tục hay không?

Ông Barnea trả lời là có, dựa trên quyết định gần đây của chính phủ Israel, theo các nguồn thạo tin của New York Times.

Thỏa thuận được xem như canh bạc của Israel trong chính sách với Gaza. Tel Aviv hy vọng khoản tiền hàng tháng sẽ giúp giữ hòa bình ở Gaza và hướng sự chú ý của Hamas vào việc quản lý vùng lãnh thổ này thay vì gây chiến. Cuộc tấn công ngày 7/10 đã khiến hy vọng của Israel tan thành mây khói.

"Logic của Israel là, Hamas nên đủ mạnh để quản lý Gaza, nhưng đủ yếu để Tel Avivi có thể kiềm chế", cựu lãnh đạo bộ phận nghiên cứu trực thuộc Cơ quan Tình báo quân sự Israel, ông Yossi Kuperwasser chia sẻ.

Hamas là "tài sản có ích"

Từ nhiều năm trước, sau hàng loạt xung đột quân sự bất phân thắng bại với Hamas, ông Netanyahu và các cố vấn bắt đầu suy nghĩ lại về chiến lược của Israel trong vấn đề dải Gaza.

"Mọi người đều đã quá chán Gaza... Chúng tôi đều nói rằng: Hãy quên Gaza đi. Ai cũng biết vấn đề này đã rơi vào ngõ cụt", ông Zohar Palti, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo của Mossad nói.

Khi cuộc chiến tại Gaza năm 2014 kết thúc, ông Netanyahu theo đuổi chiến lược mới: Kiềm chế Hamas để tập trung vào các vấn đề khác như chương trình hạt nhân của Iran hay tổ chức Hezbollah tại Li Băng.

Cơ sở của sự chuyển hướng trên là đánh giá của tình báo Israel rằng Hamas không có ý định - và cũng không có khả năng - tấn công lãnh thổ Israel trên quy mô lớn.

Ngoài mục tiêu giữ Hamas đủ mạnh để quản lý Gaza, Israel dường như có mục tiêu khác: Giữ Hamas ở thế đối trọng với chính quyền Palestine (PA) tại Bờ Tây. Đây là một phần trong chính sách "chia để trị" mà Israel áp dụng với các phe phái tại Palestine.

"Ông Netanyahu không quan tâm tới giải pháp hai nhà nước. Thay vào đó, ông ấy muốn tách dải Gaza khỏi Bờ Tây, ông ấy đã nói với tôi như vậy cuối năm 2010", cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubrak nói, theo Haaretz.

Giá trị của một Hamas "vừa đủ mạnh" không phải điều quá hiếm thấy trong phát biểu của các quan chức Israel. "Chính quyền Palestine là gánh nặng", Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich nói năm 2015, khi ông mới được bầu vào Quốc hội và nhấn mạnh, "Hamas là tài sản có ích".

Tháng 4/2019, ông Jonatan Urich, cố vấn truyền thông của ông Netanyahu và cũng là phát ngôn viên của đảng Likud cầm quyền, tuyên bố một trong những thành tựu của ông Netanyahu là chia cắt Gaza khỏi Bờ Tây. "Thành tựu này phần nào liên quan tới các khoản tiền của Qatar gửi tới Hamas mỗi tháng", ông Urich nói.

Tướng Shlomo Brom, cựu Phó cố vấn An ninh Quốc gia Israel, nhận định nếu Hamas đủ mạnh, Tel Aviv sẽ tránh phải đàm phán về vấn đề thành lập nhà nước Palestine.

"Cách hữu hiệu để ngăn chặn giải pháp hai nhà nước là chia rẽ dải Gaza và khu Bờ Tây", ông Brom nói, chỉ ra rằng, Israel có thể lấy lý do thiếu đối tác đàm phán để tránh kịch bản trên.

Canh bạc thất bại của Israel với Hamas  - 2

Rocket tấn công vào Israel bị các tổ hợp phòng không Iron Dome đánh chặn hôm 8/10 (Ảnh: AFP).

Nguồn tiền từ Qatar

Trong một cuộc họp nội các Israel năm 2018, nhóm phụ tá của ông Netanyahu đề ra ý tưởng: Trong khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, Israel sẽ đồng ý để Qatar chi hàng triệu USD tiền mặt cho Gaza mỗi tháng. Cơ quan An ninh Israel sẽ có nhiệm vụ theo dõi đường đi của dòng tiền, đảm bảo nhánh quân sự của Hamas không thể hưởng lợi trực tiếp.

Mỗi tháng, nhân viên an ninh Israel sẽ đón nhà ngoại giao Qatar Mohammed al-Emadi tại biên giới giữa Israel và Jordan. Ông Emadi sau đó được đưa đến Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom. Kèm theo ông là hàng triệu USD tiền mặt được đựng trong các vali.

Khoản tiền này chỉ được chuyển đến những người nhận được Israel chấp thuận với mục tiêu nhân đạo như trả lương cho công chức hay mua nhiên liệu cho nhà máy điện. Tuy vậy, các chính phủ phương Tây đánh giá Hamas vẫn hưởng lợi trên thỏa thuận do có thể dành tiền cho các mục đích khác.

"Tiền là vật phẩm có thể thay thế... Bất cứ khoản tiền nào Hamas không phải chi từ ngân sách có thể được sử dụng để làm việc khác", cựu chuyên gia phân tích cấp cao của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về Trung Đông, ông Chip Usher nói.

Thỏa thuận với Qatar chỉ là một mắt xích trong một chuỗi quyết định được giới lãnh đạo chính trị, quân sự và tình báo Israel đưa ra dựa trên đánh giá sai lầm rằng Hamas không có ý định và cũng không có năng lực tổ chức tấn công ở quy mô lớn.

Bên cạnh chấp nhận để Hamas nhận tiền của Qatar, Israel còn thực thi nhiều chính sách khác giúp củng cố chính quyền Gaza. Trong những năm qua, số lượng giấy phép lao động cấp cho người dân Gaza tại Israel đã tăng mạnh, từ khoảng 2.000-3.000 người năm 2021 lên gần 20.000 người vào năm nay, theo Times of Israel.

Bất chấp Israel thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy có thể Hamas sẽ tấn công - từ bản kế hoạch cho tới thông tin về các cuộc diễn tập sát biên giới giữa Gaza và Israel - thỏa thuận với Qatar vẫn tiếp diễn.

Tuy thỏa thuận về nguyên tắc phải giữ bí mật, thông tin này đã bị truyền thông Israel phanh phui và thảo luận trong nhiều năm qua. Một số ý kiến trong nội bộ Israel chỉ trích đây chỉ là chiến lược "dùng tiền mua bình yên". Sau vụ tấn công ngày 7/10, chính sách này đang bị đánh giá lại.

"Ý tưởng của ông Netanyahu trong một thập kỷ rưỡi vừa qua là: Nếu chúng ta dùng tiền mua bình yên và giả bộ như vấn đề không tồn tại, chúng ta có thể chờ đến khi vấn đề tự phai mờ", Cố vấn An ninh Quốc gia Israel từ 2021 đến đầu năm nay, ông Eyal Hulata tuyên bố.

"Hamas đã trở nên mạnh hơn và sử dụng vỏ bọc hòa bình - điều Israel hằng mong muốn - để huấn luyện binh sĩ. Hàng trăm người Israel đã phải trả giá bằng mạng sống", cây viết Tal Schneider của Times of Israel nhận định.

Theo New York Times, Haaretz, Times of Israel
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm