Căng thẳng quan hệ Rome - Washington
(Dân trí) - Ngày 8/2, Thẩm phán Sante Spinaci quyết định gửi hồ sơ lên toà án Roma, xét xử lính thủy đánh bộ Mỹ Mario Lozano về tội danh giết người, dẫn đến cái chết của một nhân viên tình báo Italia tháng 3/2005 tại Iraq.
Phiên tòa vắng mặt Mario Lozano dự kiến diễn ra từ ngày 17/4/2007 tại tòa đại hình Roma, có thể khiến quan hệ Roma - Washington trở nên căng thẳng.
Cựu trùm tình báo quân đội Italia (SISMI) Nicola Calipari, 51 tuổi đã bị một đội tuần tra Mỹ bắn chết ngày 4/3/2005 khi đang trên đường ra sân bay cùng nữ phóng viên Giuliana Sgrena, người vừa được giải thoát sau 1 tháng bị bắt làm con tin trước đó.
Lính Mỹ cho rằng, xe chở điệp viên Nicola Calipari và nhà báo Guiliana Sgrena đã phóng quá tốc độ khi qua trạm kiểm soát tạm thời gần sân bay Baghdad. Họ khẳng định đã ra "hiệu bằng tay, chiếu ánh sáng trắng và bắn cảnh báo" để yêu cầu xe dừng lại. Họ cũng bác bỏ những dẫn chứng "mập mờ" của nhà báo Sgrena rằng, quân đội nhắm vào chiếc xe vì Washington phản đối chính sách đàm phán với những kẻ bắt cóc của Roma. Tuy nhiên, nhà báo Sgrena bác bỏ lý luận trên, cho rằng chiếc xe không phóng quá tốc độ và không hề có cảnh báo trước khi quân đội Mỹ nã đạn.
Phóng viên Giuliana Sgrena nói: "Quyết định gửi hồ sơ lên toà án Roma là bước tiến quan trọng, bởi chúng tôi muốn có một phiên tòa, muốn xem vụ việc được giải quyết ra sao và muốn biết sự thật". Còn vợ của Nicola Calipari, bà Rosa, nghị sĩ đảng trung tả bình luận: "Tôi rất hài lòng về bước đi đầu tiên tiến tới làm rõ sự thật này".
Cái chết của Nicola Calipari đã làm cả Italia xúc động. Chính phủ nước này quyết định để nghi lễ quốc tang cho "anh hùng dân tộc" Nicola Calipari. Nhưng vụ việc cũng khiến quan hệ Roma - Washington trở nên căng thẳng do không thể đi đến sự thống nhất về trách nhiệm các bên trong vụ việc này. Phía Mỹ khẳng định, các binh sĩ của họ hành xử đúng quy cách, xe của Italia đã chạy với tốc độ quá cao và không giảm tốc độ khi được yêu cầu. Nhà Trắng cũng không hài lòng với việc Roma đã không thông báo cho Washington về chiến dịch giải cứu con tin. Về phần mình, Italia khẳng định cái chết của Nicola Calipari là do lỗi của các binh sĩ Mỹ thiếu kinh nghiệm.
Quyết định của thẩm phán tòa án Roma có nguy cơ làm trỗi dậy các căng thẳng giữa Mỹ và Italia vào thời điểm quan hệ song phương trở nên u ám vì nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề sứ mệnh quân sự quốc tế tại Apghanistan. Ngày 6/2, Italia tỏ ra rất khó chịu về bức thư ngỏ, ký tên 6 đại sứ tại Roma, trong đó có đại sứ Mỹ, kêu gọi nước này tiếp tục duy trì các đội quân của mình tại Apghanistan.
Sau đó bức thư này được công bố rộng rãi vào thời điểm Thủ tướng Romano Prodi bắt đầu các cuộc thảo luận tế nhị xoay quanh vấn đề cung cấp tài chính cho quân đội Italia tại Apghanistan. Vấn đề này vấp phải sự phản đối của đảng Xanh và đảng Cộng sản Italia theo chủ nghĩa hòa bình. Washington lên tiếng bảo vệ đại sứ của mình, viện cớ rằng "cần có các thảo luận giữa các đồng minh", và bức thư đó "hoàn toàn phù hợp với đường lối chính trị của nước Mỹ". Cộng thêm vào đó là kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự của Mỹ ở Vicenza, bắc Italia gây tranh cãi.
Mới đây, tòa án Italia tiếp tục theo đuổi vụ án chống lại 26 nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) bị buộc tội bắt cóc giáo sĩ Hồi giáo Abu Omar năm 2003 và yêu cầu dẫn độ 26 liên can này về Italia.
Ngọc Nhàn
Tổng hợp