Căng thẳng quan hệ Pakistan – Mỹ
Chính phủ Pakistan đã giận dữ lên án cuộc không kích của Mỹ nhằm vào một ngôi làng ở tây bắc nước này, làm ít nhất 18 người thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Pakistan cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ để phản đối vụ việc trên.
Trước đó, từ nguồn tin tình báo cho rằng trùm khủng bố al-Zawahiri - nhân vật số hai của tổ chức khủng bố al-Qaeda - đang có mặt tại làng Damadola, Mỹ đã cho bắn tên lửa vào đây nhằm tiêu diệt phó tướng của bin Laden. Thế nhưng, giới chức Pakistan cho biết al-Zawahiri không có mặt tại làng vào thời điểm máy bay Mỹ oanh tạc hôm 13/1. Pakistan khẳng định Cục quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã dựa vào nguồn thông tin tình báo sai.
Giận dữ trước cái chết của nhiều thường dân vô tội, hàng chục ngàn người dân Pakistan đã đổ ra đường biểu tình chống đối Mỹ. Đám đông đã phóng lửa đốt cháy văn phòng của một tổ chức cứu trợ của Mỹ tại Damadola.
Người dân Pakistan ngày càng tỏ ra khó chịu trước các vụ tấn công gần đây của Mỹ dọc biên giới nước này nhằm truy quét các phần tử Hồi giáo. Bộ trưởng Thông tin Pakistan S.Rashid tuyên bố vụ việc này cần phải bị lên án mạnh mẽ. Ông cũng khẳng định chính phủ sẽ không để những sự việc đáng tiếc như vậy tái diễn nữa. Lâu nay, nhiều người dân ở quốc gia với dân số 150 triệu người này luôn phản đối việc Tổng thống P.Musharraf liên minh với Mỹ trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố quốc tế. Theo họ, đây là một chiến dịch chống người Hồi giáo.
Riêng tại Washington, giới chức tình báo Mỹ cho biết còn quá sớm để xác định liệu vụ tấn công trên đã tiêu diệt được trùm khủng bố al-Zawahiri hay chưa. Giới chức Mỹ đã lên tiếng bảo vệ vụ oanh tạc này, cho rằng đây là tiến trình hành động đúng đắn vốn dựa trên thông tin tình báo kịp thời về chỗ trú ẩn của al-Zawahiri - người bị CIA truy lùng trong suốt 2 tuần qua. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đã đánh tiếng sẽ giúp tiến hành cuộc xét nghiệm DNA để xác định danh tính các nạn nhân, nếu được Pakistan cho phép.
Vị thế của Pakistan trên chính trường quốc tế đã thay đổi hẳn sau sự kiện 11/9. Islamabad đã rút lại sự ủng hộ với chế độ Taliban tại Afghanistan, quay sang trở thành đồng minh thân cận của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tổng thống Musharraf sốt sắng điều động quân đội Pakistan tham gia cuộc chiến bắt giữ các phần tử khủng bố al-Qaeda.
Tuy nhiên, trước việc bị Mỹ "quấy rầy" quá nhiều, ông đã không cho phép binh lính Mỹ đóng tại Afghanistan có quyền vượt biên giới vào Pakistan, thậm chí cả trong các hoạt động truy bắt các phần tử khủng bố.
Căng thẳng giữa Washington và Islamabad đã tăng cao trong những tuần gần đây khi lính Mỹ đẩy mạnh các hoạt động chống khủng bố. Các cuộc biểu tình chống Mỹ và gây sức ép lên chính quyền Pakistan cũng theo đó mà tăng cao.
Theo Danh Toại
Thanh niên/ Guardian, Washington Post