1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Căng thẳng Mỹ - Trung "tăng nhiệt" do cuộc chiến công nghệ

Thanh Thành

(Dân trí) - Căng thẳng giữa Washington - Bắc Kinh đang "tăng nhiệt" sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm cửa nhà sản xuất chíp Micron lớn nhất của Mỹ, còn các nghị sĩ tại Đồi Capitol kêu gọi giáng đòn đáp trả mạnh mẽ.

Căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt do cuộc chiến công nghệ - 1

Micron Technology là nhà sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ (Ảnh: Bloomberg).

Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi về một loạt vấn đề, từ đảo Đài Loan đến công nghệ, kéo các đồng minh vào cuộc cạnh tranh nóng này và có tác động đến các công ty nội địa cũng như quan hệ thương mại song phương.

Sau quyết định của Bắc Kinh về việc cấm nhà sản xuất chip Micron Technology có trụ sở tại bang Idaho, Mỹ bán sản phẩm cho các công ty nội địa của Trung Quốc vì lí do an ninh mạng, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh càng leo thang căng thẳng.

Quyết định cấm Micron được đưa ra sau hơn 1 tháng kể từ ngày Trung Quốc công khai điều tra các sản phẩm nhập khẩu từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất nước Mỹ này.

Theo nhiều chuyên gia, động thái này cũng khiến các nhà sản xuất chip khác của Mỹ đang xuất khẩu hàng hóa cho Trung Quốc, thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, bùng lên nhiều lo ngại.

Đáp lại, Nhà Trắng và các nghị sĩ giữ những vị trí then chốt trong quốc hội Mỹ lần lượt đưa ra phát ngôn cứng rắn đối với Bắc Kinh. Trong động thái đáp trả mới nhất, một nghị sĩ Mỹ yêu cầu hạn chế thương mại đối với một nhà sản xuất chip bộ nhớ Trung Quốc.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà cụ thể hơn là cuộc chiến về chip, đang có những leo thang mới và dường như khó có thể kết thúc sớm. Nhưng đó không phải là điểm nóng duy nhất.

Công nghệ

Lĩnh vực công nghệ vốn là điểm nóng nhất trong căng thẳng Mỹ - Trung và sản xuất chất bán dẫn hay chip cũng trở thành mặt trận cạnh tranh mới.

Washington từ lâu đã nhắm mục tiêu vào các công ty của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ, từ kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đến khả năng cấm ứng dụng video ngắn TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance của Trung Quốc, khỏi thị trường Mỹ.

Trong khi đó, nhà sản xuất chip nhớ Micron đã trở thành công ty công nghệ đầu tiên của Mỹ trở thành mục tiêu của Trung Quốc.

Sau quyết định đối với Micron, cuộc cạnh tranh này đánh dấu bước leo thang lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới về khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng. 

Tư vấn và thẩm định

Các biện pháp cứng rắn của Trung Quốc đối với lĩnh vực tư vấn và thẩm định dẫn đến cuộc đột kích vào văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz, Mỹ và bắt giữ 5 nhân viên người Trung Quốc.

Trung Quốc cho biết Mintz bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Cảnh sát sau đó cũng đã có mặt tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn quản lý Bain&Co của Mỹ.

Washington gọi những vụ việc như vậy là "hoàn toàn không phù hợp" với khẳng định của Trung Quốc về việc đang mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ một khuôn khổ pháp lý minh bạch. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, chính phủ chỉ là đang tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu Capvision có trụ sở tại Thượng Hải, công ty điều hành nhóm "mạng lưới chuyên gia" lớn nhất Trung Quốc, cáo buộc công ty này hỗ trợ các tổ chức nước ngoài đánh cắp bí mật trong các lĩnh vực như quân sự và công nghệ. 

Capvision cho biết họ sẽ tuân thủ các quy tắc bảo mật và đi đầu trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan.

Đài Loan

Vấn đề Đài Loan vẫn là trọng tâm căng thẳng Mỹ - Trung trong năm 2023 khi Bắc Kinh coi đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ với Washington.

Chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi tháng 8/2022 làm gia tăng căng thẳng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua và dấy lên những đồn đoán về nguy cơ xung đột ở hòn đảo này.

Đài Loan là một trong các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Vì vậy, bất kỳ cuộc chiến nào nếu diễn ra ở Đài Loan có thể làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu và cuốn Mỹ và đồng minh vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Gián điệp, ảnh hưởng nước ngoài

Trung Quốc đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ Mỹ và các chính phủ phương Tây khác về nỗ lực gây ảnh hưởng ra ngoài biên giới, bao gồm cả việc sử dụng các "đồn cảnh sát" bí mật ở các nước.

Bắc Kinh bác bỏ sự tồn tại của các cơ sở như vậy nhưng cho biết có những trung tâm do tình nguyện viên điều hành ở nước ngoài giúp công dân gia hạn tài liệu và các dịch vụ khác.

Washington và Bắc Kinh cũng đã tranh cãi gay gắt sau vụ Mỹ bắn hạ vật thể mà họ nghi ngờ là khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên không phận Mỹ hồi tháng 2. Trung Quốc đã nói rằng đó là một khí cầu dân sự.

Khi căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc kết án tù chung thân một công dân Mỹ 78 tuổi, sau khi cáo buộc người này là gián điệp. Bắc Kinh không đưa ra chi tiết cụ thể về hành vi phạm tội của người này.

Xung đột Nga - Ukraine

Cuộc xung đột tại Ukraine là điểm nóng mới nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.

Washington mới đây bày tỏ lo ngại về mối liên kết lớn hơn giữa Trung Quốc và Nga và đã cáo buộc Bắc Kinh có thể xem xét cung cấp vũ khí cho Moscow.

Đáp lại, Trung Quốc bác bỏ bất kỳ động thái can dự trực tiếp nào vào xung đột Ukraine và nói rằng họ muốn thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến này.

Tuần này, Trung Quốc và Nga phản ứng dữ dội trước hội nghị thượng đỉnh G7 trong đó cả hai đã chỉ ra một loạt vấn đề. Moscow gọi hội nghị thượng đỉnh là "lò ấp trứng" cho tâm lý chống Nga và Trung Quốc.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm