1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Căng thẳng khí cầu ngáng đường Mỹ - Trung vực dậy quan hệ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Những tranh cãi xoay quanh sự việc Mỹ cáo buộc "khí cầu gián điệp" bay qua lãnh thổ nước này là của Trung Quốc có thể trở thành chướng ngại vật ngăn cản 2 quốc gia phá băng quan hệ.

Căng thẳng khí cầu ngáng đường Mỹ - Trung vực dậy quan hệ - 1

Quả khí cầu của Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi là thiết bị gián điệp của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 4/2. Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này, cho rằng Washington đã phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế.

Reuters nhận định, vụ lùm xùm khí cầu gián điệp trong những ngày qua không chỉ làm gián đoạn kế hoạch thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mà còn đe dọa làm đảo lộn những nỗ lực của cả hai nước nhằm ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt.

Theo giới quan sát, phản ứng của Mỹ với cáo buộc Trung Quốc sử dụng khí cầu do thám có thể sẽ gây ra những hậu quả kéo dài đối với những nỗ lực nhằm ổn định mối quan hệ song phương giữa 2 cường quốc - vốn đã ở gần mức thấp lịch sử. Một số nhà lập pháp tại thủ đô Washington đang yêu cầu Tổng thống Joe Biden buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về điều mà các quan chức cáo buộc là sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền của Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, chính quyền Mỹ dường như sẽ khó có thể tổ chức lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc trong tương lai gần trừ khi Bắc Kinh có những động thái thiện chí một cách nghiêm túc.

Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định cách lý giải của Trung Quốc rằng đó chỉ là một "khí cầu dân sự đi lạc", không giúp ích được gì.

"Vụ việc này đã làm bầu không khí trở nên tiêu cực và không có gì đảm bảo hai bên có thể khôi phục thành công động lực Bali", ông Russel nói, đề cập đến cuộc gặp vào tháng 11 giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali Indonesia, nơi họ thống nhất các nỗ lực tăng cường liên lạc và đối thoại.

Mỹ bắn hạ "khí cầu gián điệp" của Trung Quốc

Mối quan hệ giữa 2 cường quốc đã trở nên căng thẳng trong vài năm qua và xấu đi rõ rệt vào tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Sau đó, Mỹ nhiều lần nhấn mạnh rằng họ hy vọng sẽ xây dựng được nền tảng cho quan hệ giữa 2 nước và đảm bảo sự cạnh tranh không biến thành xung đột.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa - bên đang kiểm soát Hạ viện - đang tìm cách điều tra các mối đe dọa tiềm ẩn từ đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ và đã nhanh chóng gây sức ép lên ông Biden về quả khí cầu, đặt ra câu hỏi rằng bằng cách nào mà nó đã bay được vào không phận Mỹ.

Trước khi chuyến thăm của ông Blinken bị hoãn lại, giới chuyên gia cũng không quá kỳ vọng vào những kết quả lớn sau chuyến đi. Tuy nhiên, 2 bên cũng có những lĩnh vực mà nếu được cải thiện sau chuyến thăm thì cũng có thể tạo ra động lực cho những cuộc thảo luận khác trong tương lai.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn mối quan hệ ổn định với Mỹ để họ có thể tập trung vào việc phát triển nền kinh tế, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong vài năm qua.

Nếu ông Blinken tới Trung Quốc thì đây sẽ chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh kể từ năm 2018. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ giúp 2 nước tìm ra cách xử lý các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong tương lai. Trong bối cảnh có những đồn đoán rằng tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy dự kiến có thể thăm Đài Loan trong năm nay, cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể không còn xa.

"Nhìn chung, tôi nghĩ chính quyền Biden muốn dời lại lịch trình, vì có nhiều vấn đề đang được bàn thảo. Nhưng sự cố khí cầu có thể đồng nghĩa với việc quá trình 2 bên xuống thang căng thẳng bị hoãn vô thời hạn", nhà phân tích Derek Grossman nói với Reuters.

Trong khi đó, ông Ryan Hass, một chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Brookings, cho rằng vụ lùm xùm khí cầu này có thể ít nhất đưa tới cơ hội để Mỹ và Trung Quốc đưa ra các quy tắc liên quan tới hoạt động trong không gian, nơi quân đội hai nước sẽ có thể có khả năng tiếp xúc ngày càng cao.

Ông Hass nói: "Chúng ta không nên lãng phí cơ hội này để giảm thiểu đáng kể rủi ro và cũng ngăn chặn các vụ xâm phạm không phận Mỹ trong tương lai bằng khinh khí cầu của Trung Quốc".

Theo Reuters