1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Căng thẳng gia tăng sau vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa

(Dân trí) - Theo giới phân tích, việc Bình Nhưỡng thử hàng loạt tên lửa tầm ngắn vào sáng ngày hôm qua là biểu hiện của sự giận dữ “dồn nén” đối với Washington và chính phủ bảo thủ mới ở Seoul.

Vụ thử xảy ra đúng một ngày sau khi Bình Nhưỡng trục xuất các quan chức Hàn Quốc trong khu công nghiệp chung giữa hai nước ở biên giới CHDCND Triều Tiên. Cũng theo các nhà phân tích, lý do Bình Nhưỡng trục xuất các quan chức Hàn Quốc là bởi Seoul đã nói rằng nước láng giềng cần phải cải thiện nhân quyền và ngừng “lết chân” trong các cuộc đàm phán về hạt nhân nếu muốn nhận được các viện trợ về kinh tế.

 

Theo phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đã bắn ba quả tên lửa tầm ngắn trong buổi diễn tập quân sự thường lệ vào sáng qua. Còn theo báo chí địa phương, ba quả tên lửa trên là tên lửa chống tàu, được bắn thử trong vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của nước này.

 

“Chúng tôi tin rằng CHDCND Triều Tiên không muốn một mối quan hệ xấu đi với Hàn Quốc”, người phát ngôn Lee Dong-kwan cho biết.

 

Còn tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Gordon Johndroe cho rằng vụ thử “không mang tính xây dựng” và nên được ngừng lại.

 

“CHDCND Triều Tiên nên tập trung vào quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chuyển bản tuyên bố đầy đủ, đúng sự thực về tất cả chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như các hoạt động làm giàu hạt nhân của mình để hoàn thành bản thỏa thuận trước đó”, ông nói.

 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Sean McCormack cho rằng tuy vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng không phá vỡ cam kết nào, nhưng nó không mang lại ích lợi gì. Theo ông, Bình Nhưỡng đã có những “bước tiếng đáng nể” trong việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon. Và ông khuyến khích họ tiếp tục có những bước tiến hơn nữa.

 

Tân tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mới đây cho biết ông muốn ngừng viện trợ “miễn phí” đối với CHDCND Triều Tiên như dưới thời các tổng thống cánh tả suốt 10 năm qua. Họ đã viện trợ hàng tỷ đô la Mỹ cho Bình Nhưỡng trong khi đòi hỏi lại rất ít.

 

Chính phủ của ông Lee cũng nhấn mạnh họ sẵn sàng đầu tư mạnh cho Bình Nhưỡng nếu nước này đáp ứng những điều kiện như dỡ bở các chương trình vũ khí hạt nhân và trả lại hơn 1.000 người Hàn Quốc được cho là bị bắt cóc và giữa lại CHDCND Triều Tiên sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-53.

 

Theo chuyên gia Masao Okonogi tại đại học Keio, Nhật, Bình Nhưỡng về cơ bản muốn gửi hai thông điệp trong vụ thử tên lửa ngày hôm qua. Thông điệp thứ nhất, là nhằm vào Mỹ, cho thấy bất bình của nước này đối với việc Washington gây áp lực đòi họ phải minh bạch đối với vấn đề làm giàu uranium và mối quan hệ của họ với Syria.

 

Thông điệp thứ hai là “lời đáp trả” đối với sự thay đổi trong chính sách của chính phủ mới của Tổng thống Hàn Quốc Lee.

 

“Họ muốn cảnh báo Seoul không quay lưng với những điều đã được thỏa thuận giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc”, Okonogi nói.

 

Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên cũng muốn “răn đe” lực lượng Hải quân của Hàn Quốc. Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên trước đó cho rằng các cuộc tuần tra của Hàn Quốc trên vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên là “khiêu khích quân sự  liều lĩnh của những kẻ hiếu chiến Hàn Quốc”.

 

Theo các chuyên gia CHDCND Triều Tiên có hơn 1.000 tên lửa, trong số đó có ít nhất 800 tên lửa đạn đạo, có thể vươn tới tất cả các mục tiêu ở Hàn Quốc, cũng như phần lớn Nhật Bản. Các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng thường xảy ra vào những thời điểm gia tăng căng thẳng chính trị.

 

Cũng tại thời điểm xảy ra vụ thử, báo chí CHDCND Triều Tiên đưa ra những lời “phản pháo” nhằm vào Mỹ. “Nếu Mỹ cứ tiếp tục trì hoãn thực thi thỏa thuận hạt nhân bằng việc khăng khăng nói những điều không có, thì nó sẽ có tác động nghiêm trọng đối với quá trình vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân đã được thực hiện cho đến nay”, KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao cho biết.

 

Bình Nhưỡng đã bắt đầu tháo dỡ cơ sở hạt nhân có từ thời Liên Xô cũ từ năm ngoái. Động thái này nằm trong thỏa thuận đã đạt được tại bàn đàm phán 6 bên, để đổi lại lấy viện trợ về kinh tế cũng như các lợi ích ngoại giao khác. Theo các quan chức Hàn Quốc quá trình dỡ bỏ đã đạt được mức Bình Nhưỡng phải mất ít nhất 1 năm để có thể đưa nhà máy hạt nhân Yongbyon trở lại hoạt động.

 

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết, hầu hết các bước dỡ bỏ lò phản ứng đã hoàn thành nhưng một vài yếu tố bị hoãn lại vì lý do kỹ thuật.

 

Phan Anh

Theo AP

Dòng sự kiện: Căng thẳng liên Triều