1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Căng thẳng bùng nổ, châu Âu hủy họp về thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Căng thẳng leo thang bất thường giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) những ngày qua khiến số phận thỏa thuận đầu tư giữa hai bên được đàm phán suốt 7 năm qua trở nên bấp bênh.

Căng thẳng bùng nổ, châu Âu hủy họp về thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc - 1

Căng thẳng EU - Trung Quốc leo thang sau khi hai bên áp lệnh trừng phạt lẫn nhau (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, nghị viện châu Âu ngày 23/3 đã hủy cuộc họp thảo luận về thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc để phản đối các lệnh trừng phạt của Trung Quốc mới đây.

Động thái trên diễn ra sau khi EU đầu tuần này đã áp lệnh trừng phạt 4 quan chức và 1 tổ chức của Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến lạm dụng nhân quyền ở Tây Tạng, tây bắc Trung Quốc. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên EU áp lên Trung Quốc sau hơn 30 năm qua kể từ lệnh cấm vận vũ khí năm 1989. "Nối gót" EU, Mỹ và một số đồng minh trong đó có Anh và Canada cũng công bố lệnh trừng phạt Bắc Kinh.

Trung Quốc lập tức đáp trả bằng việc đưa 10 cá nhân, trong đó có 5 thành viên Nghị viện châu Âu, và 4 tổ chức của EU vào "danh sách đen". Căng thẳng tiếp tục leo thang khi hai bên "ăn miếng, trả miếng" với động thái triệu tập đại sứ của bên còn lại để phản đối lệnh trừng phạt.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cảnh báo, các lệnh trừng phạt của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ gây ra hậu quả". Một số thành viên Nghị viện châu Âu cho biết, họ có thể không phê chuẩn thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc .

"Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nghị viện châu Âu là điều kiện tiên quyết để đàm phán với chính phủ Trung Quốc về thỏa thuận đầu tư", Kathleen van Brempt, một thành viên nghị viện, bày tỏ quan điểm.

Một số thành viên có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc thậm chí kêu gọi khối này áp thêm các lệnh trừng phạt để phản đối hành động gây quan ngại của Trung Quốc đại lục ở Hong Kong.

Trung Quốc và EU đạt được thỏa thuận về đầu tư hồi tháng 12 năm ngoái sau 7 năm đàm phán. Đây là thỏa thuận cho phép các nhà đầu tư EU "tiếp cận với mức độ chưa từng có" với thị trường Trung Quốc.

Theo kế hoạch ban đầu, Nghị viện châu Âu dự kiến bỏ phiếu với thỏa thuận vào đầu năm 2022.  Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng ủng hộ nỗ lực của Đức kêu gọi phê duyệt thỏa thuận vào cuối năm ngoái, tuy nhiên, thỏa thuận vẫn vấp phải không ít trở ngại. Thậm chí trước khi EU, Trung Quốc "ăn miếng, trả miếng" gần đây, một số nghị sĩ châu Âu đã bày tỏ quan ngại về thỏa thuận.

"Số phận thỏa thuận hiện giờ rất bấp bênh", Reinhard Buetikofer, chủ tịch phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Nghị viện châu Âu, bình luận.

Về phía Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "EU không thể một mặt muốn nói chuyện hợp tác và có được các lợi thế, mặt khác làm tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc bằng lệnh trừng phạt".

Hosuk Lee-Makiyama, giám đốc tổ chức nghiên cứu về thương mại ECIPE có trụ sở tại Brussels, nhận định Bắc Kinh muốn phát thông điệp đến EU rằng họ phải lựa chọn giữa thỏa thuận đầu tư, dỡ bỏ lệnh trừng phạt hoặc sẽ mất các cơ hội tăng trưởng nhờ Trung Quốc.