1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

EU trừng phạt Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 30 năm

Thành Đạt

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức của Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương.

EU trừng phạt Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 30 năm - 1

Công nhân xử lý bông tại Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) hôm nay 22/3, Ngoại trưởng của 27 nước thành viên EU đã nhất trí thông qua các lệnh trừng phạt nhằm vào 4 quan chức chính quyền Tân Cương cùng Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC).

Bốn quan chức và tổ chức trên bị cáo buộc có liên quan tới vấn đề vi phạm nhân quyền nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương.

Các lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm đi lại tới châu Âu và đóng băng tài sản tại châu Âu. Các công dân và tổ chức thuộc EU cũng không được giao dịch với các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt.

Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhằm vào Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí từ năm 1989. Mặc dù các lệnh trừng phạt này chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng nó đánh dấu sự cứng rắn hơn trong chính sách của EU với Trung Quốc.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của EU. Thời báo Hoàn cầu cảnh báo các tổ chức của EU đưa ra cáo buộc nhằm vào các chính sách Tân Cương của Trung Quốc sẽ bị đáp trả. Báo nhà nước Trung Quốc cho biết một số nước EU hành xử tồi tệ chắc chắn sẽ bị trừng phạt.

Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming viết trên Twitter rằng, các lệnh trừng phạt của EU là sự đối đầu và Bắc Kinh "mong muốn đối thoại, không phải đối đầu".

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 năm ngoái đã ký thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc bắt giữ và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo tại Tân Cương.

XPCC là một trong những nhà sản xuất bông lớn nhất của Trung Quốc. Mỹ nghi ngờ XPCC sử dụng lao động cưỡng bức là những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Chính quyền Trump đã áp lệnh cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm từ bông của XPCC, trong khi Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm toàn bộ giao dịch tài chính với tổ chức này. Washington cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào nếu phát hiện có hành vi cưỡng bức lao động liên quan tới quá trình sản xuất sản phẩm đó.

Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố cáo buộc lao động bị cưỡng bức là "lời nói dối chính trị" và cảnh báo sẽ có biện pháp hành động để bảo vệ lợi ích của các thực thể bị ảnh hưởng.

Viện Chính sách Chiến lược Australia năm 2020 ước tính ít nhất 80.000 người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác đã được chuyển từ Tân Cương tới các nhà máy trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh kịch liệt phản đối việc sử dụng lao động cưỡng bức và xóa sổ tình trạng này dưới bất kỳ hình thức nào.