1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Căng thẳng Biển Đông “đốt nóng” Đối thoại Shangri-La

(Dân trí) - Các bộ trưởng quốc phòng từ 26 quốc gia hôm nay quy tụ Singapore để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ 29-31/5. Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông dự kiến sẽ là chủ đề được quan tâm nhất tại diễn đàn.

Thông điệp cứng rắn của Mỹ khi công bố video Trung Quốc xây đảo nhân tạo
Ảnh chụp từ video của hải quân Mỹ cho thấy rất nhiều tàu của Trung Quốc tập trung tại bãi Vành Khăn thuộc Trường Sa (Ảnh: Los Angeles Times)
 
Thủ tướng Singapore sẽ có bài phát biểu dẫn đề vào tối nay giờ địa phương, mở màn diễn đàn thường niên kéo dài 3 ngày do Viện nghiên cứu an ninh quốc tế (IISS) chủ trì. Đây là lần thứ 14 Đối thoại Shangri-La được tổ chức.

Hội nghị năm nay thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các quốc gia châu Âu, với các bộ trưởng quốc phòng Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã xác nhận tham dự. Tổng cộng, các lãnh đạo quốc phòng từ 26 quốc gia sẽ tham dự diễn đàn.

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông vì các hành động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ồ ạt của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm kiếm một vai trò quân sự lớn hơn trong khu vực để phản ánh sức mạnh kinh tế và chính trị của mình, gây ra những lo ngại trong khu vực.

Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang muốn mở rộng sự ảnh hưởng quân sự, trong khi Mỹ tiếp tục tăng cường chính sách cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương.
 
Tại Biển Đông, Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng trên các bãi đá ngầm và cảnh báo tàu thuyền, máy bay tránh xa khu vực, khiến Mỹ phải tăng cường tuần tra.

Trên đường tới Singapore để tham dự Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn, khi ông kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay việc cải tạo đất ở Biển Đông, đáp trả Trung Quốc chỉ ít ngày sau khi nước này công bố sách trắng quốc phòng, trong đó vạch ra các kế hoạch nhằm tăng cường các khả năng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Carter đã đưa ra một trong những bình luận mạnh mẽ nhất từ trước tới nay trong cuộc chiến ngôn từ giữa Bắc Kinh và Washington về các hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

"Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình cho tất cả các tranh chấp và việc ngừng ngay tức thì và vĩnh viễn các hoạt động cải tạo đất của bất kỳ bên liên quan nào. Chúng tôi cũng phản đối mọi nỗ lực quân sự hóa các thực thể tranh chấp", ông Carter phát biểu tại Hawaii ngày 27/5.
  
Năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Chuck Hagel đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung, sau khi ông Hagel sử dụng bài phát biểu của mình để miêu tả các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là gây mất ổn định.
 
Mặc dù hội nghị có các phiên họp chính thức nhưng phái đoàn giữa các nước dự kiến cũng có các cuộc thảo luận kín. Tuy nhiên, hiện Bộ trưởng quốc phòng Mỹ chưa có kế hoạch gặp song phương các quan chức Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), dẫn đầu phái đoàn gồm 29 quan chức và quan sát viên đến dự Đối thoại Shangri-La năm nay.

Hãng tin Xinhua của Trung Quốc ngày 27/5 đã dẫn lời một người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng Đô đốc Tôn sẽ nói rõ về các chính sách quốc phòng và ngoại giao của Trung Quốc.

Các cuộc gặp giữ ông Tôn và lãnh đạo quốc phòng các nước sẽ diễn ra bên lề hội nghị, Xinhua cho hay, mặc dù không nói rõ là với các nước nào.

An Bình