1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cân nhắc trao đổi liên lạc viên, Mỹ - Triều có thể thiết lập quan hệ ngoại giao

(Dân trí) - Mỹ và Triều Tiên đang nghiêm túc xem xét việc trao đổi liên lạc viên, một bước đi quan trọng tiến tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Cân nhắc trao đổi liên lạc viên, Mỹ - Triều có thể thiết lập quan hệ ngoại giao  - 1

Tổng thống Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Singapore năm 2018. (Ảnh: Reuters)

 

CNN ngày 18/2 dẫn hai nguồn thạo tin cho biết Mỹ và Triều Tiên đang nghiêm túc xem xét việc trao đổi liên lạc viên. Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Việt Nam vào cuối tháng.

Theo các nguồn tin trên, nếu kế hoạch trao đổi liên lạc viên diễn ra suôn sẻ, động thái này có thể mở đường để Mỹ và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Các nguồn tin nói rằng tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ Mỹ - Triều khiến Bình Nhưỡng kỳ vọng một số động thái rõ ràng hơn từ phía Washington.

Hai nguồn tin ngoại giao cấp cao cho biết trao đổi liên lạc viên là bước đầu tiên mà Mỹ và Triều Tiên có thể thực hiện. Về phía Mỹ, các nguồn tin tiết lộ sẽ có một số liên lạc viên được điều động để thành lập văn phòng tại Triều Tiên. Nếu kế hoạch tiến triển, văn phòng này sẽ do một quan chức đối ngoại cấp cao của Mỹ, người có khả năng nói tốt tiếng Triều Tiên, lãnh đạo.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã ký một tuyên bố chung, trong đó cam kết “thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng”.

Vào năm 1994, Mỹ và Triều Tiên từng đạt được một thỏa thuận trao đổi liên lạc viên, trong đó mỗi bên bắt đầu cử 7 người. Khi đó, Mỹ thậm chí còn ký hợp đồng thuê địa điểm trong văn phòng ngoại giao của Đức ở Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng cũng tìm các địa điểm khả thi để mở văn phòng tại Washington DC.

Tuy nhiên tới cuối năm 1995, Triều Tiên đã hủy toàn bộ kế hoạch do hai nước xảy ra căng thẳng sau khi một máy bay trực thăng Mỹ bị bắn rơi khi đi qua khu vực phi quân sự và tiến vào không phận Triều Tiên vào cuối năm 1994.

Mỹ và Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và kênh liên lạc chính vẫn là thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Trong khi đó, công dân Mỹ tại Triều Tiên vẫn phải trông cậy vào đại sứ quán Thụy Điển để đáp ứng các yêu cầu về lãnh sự.

Mỹ ngăn Liên Hợp Quốc hỗ trợ Triều Tiên?

Reuters hôm nay dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết Mỹ đã ngăn cản những nỗ lực của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên Hợp Quốc trong việc cải thiện hệ thống hàng không dân dụng tại Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách mở lại một phần không phận cho các chuyến bay quốc tế.

ICAO, tổ chức với 192 thành viên, đã hợp tác với Triều Tiên để mở thêm đường bay mới đi qua không phận Triều Tiên và Hàn Quốc. ICAO sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên bằng cách hướng dẫn các buổi tập huấn cho nhân viên hàng không dân sự và quân sự.

Triều Tiên cũng đề nghị ICAO cấp quyền truy cập các biểu đồ hàng không do Mỹ lập ra. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ICAO đều bị Washington ngăn cản. Động thái này được cho là nằm trong kế hoạch gây sức ép của Washington với Bình Nhưỡng trước khi hai nước bước vào bàn đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh lần 2.

Các hãng hàng không hiện phải thực hiện các chuyến bay gián tiếp để tránh không phận Triều Tiên do lo ngại nguy cơ từ các vụ phóng tên lửa không báo trước. Một số hành khách trên các chuyến bay thương mại trước đây từng nhìn thấy tên lửa do Triều Tiên phóng đi trong các vụ thử nghiệm.

Nếu không phận Triều Tiên được đảm bảo an toàn, các hãng hàng không quốc tế có thể tiết kiệm nhiên liệu và thời gian khi khai thác các chuyến bay giữa châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể vực dậy ngành công nghiệp hàng không của nước này.

Thành Đạt

Tổng hợp