1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cạn kiệt đạn pháo, Ukraine đối mặt tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đối mặt với tình huống nguy cấp khi nguồn viện trợ từ phương Tây ngày càng sụt giảm.

Cạn kiệt đạn pháo, Ukraine đối mặt tình thế ngàn cân treo sợi tóc - 1

Lực lượng Ukraine khai hỏa vào vị trí của Nga (Ảnh: AFP).

Theo báo cáo của Financial Times, hãng tin có trụ sở tại Anh, hôm 9/2, các đơn vị tiền tuyến của Ukraine buộc phải sử dụng đạn pháo luân phiên vì nguồn cung của Mỹ đã ngừng và Liên minh châu Âu (EU) không thể thực hiện cam kết về viện trợ.

Các quan chức Mỹ và EU giấu tên cho biết Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt "nghiêm trọng" đạn pháo cỡ nòng của phương Tây.

"Đó là một tình huống tuyệt vọng ở tiền tuyến đối với người Ukraine, tồi tệ hơn nhiều so với những gì họ đang thể hiện", một nhà ngoại giao cấp cao của NATO nói.

Financial Times cho biết họ đã thấy một bức thư của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov gửi người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, trong đó than phiền rằng tình trạng thiếu hụt đạn pháo ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

"Thực tế vẫn luôn đúng, bên có nhiều đạn dược nhất thường là bên chiến thắng. Yêu cầu tối thiểu vô cùng quan trọng hàng ngày đối với Ukraine là 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày, nhưng quân đội Ukraine chỉ có thể bắn khoảng 1/3 số đó", quan chức Ukraine xác nhận.

Một quan chức Lầu Năm Góc mô tả tình hình hiện nay là "một kịch bản rất nghiệt ngã", đồng thời lưu ý rằng nếu không được Quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ bổ sung, Washington không thể gửi thêm đạn dược từ kho dự trữ hoặc cung cấp các loại đạn mới cho Kiev.

Kho dự trữ đạn 155mm của Lầu Năm Góc đã cạn kiệt vào mùa hè năm ngoái, khiến Tổng thống Joe Biden phải gửi cho Ukraine một số đạn chùm. Động thái này khiến một số đồng minh NATO không hài lòng vì một số nước cấm sử dụng loại vũ khí này.

Trong khi đó, EU đã không đạt được cam kết cung cấp một triệu viên đạn cho Ukraine trước tháng 3 năm nay và cho đến nay chỉ cung cấp chưa đến một nửa con số này.

"Sẽ không dễ để châu Âu thay thế được Mỹ", một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói.

Trong báo cáo đánh giá vào cuối năm ngoái, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, sự hỗ trợ an ninh của phương Tây đã giúp Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và giành lại một phần lãnh thổ.

Do vậy, ISW cho rằng: "Phương Tây duy trì viện trợ là cách duy nhất để giúp Ukraine ngăn Moscow đạt được các mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt". Ngược lại, nếu phương Tây ngừng viện trợ, Kiev sẽ mất khả năng ngăn chặn quân đội Nga.

Theo hãng tin RT (Nga), Ukraine đã phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh về đạn dược, vũ khí, thiết bị, thậm chí cả tiền lương của nhân viên chính phủ. Theo ước tính của Nga, phương Tây đã rót hơn 200 tỷ USD vào Kiev kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, chiến sự kéo dài trong khi cuộc phản công của Ukraine không đạt được đột phá cùng với những biến động trên chính trường đã khiến mức độ sẵn sàng viện trợ của phương Tây giảm dần.

Truyền thông phương Tây như Bloomberg, Financial Times gần đây cũng đăng tải luồng ý kiến cho rằng giới chức Mỹ và các đồng minh dường như bắt đầu tính đến kịch bản Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine.

Theo RT