1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine vạch mục tiêu chiến lược, giáng đòn mạnh nhất vào Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có kế hoạch tăng cường khả năng phòng không và gây ra tổn thất lớn nhất cho Nga vào năm 2024.

Ukraine vạch mục tiêu chiến lược, giáng đòn mạnh nhất vào Nga - 1

Ukraine sẽ rơi vào tình thế khó khăn nếu không có viện trợ của phương Tây (Ảnh: EPA).

"Nhiệm vụ của chúng tôi năm nay không chỉ là củng cố lá chắn trên không và khả năng tầm xa của Ukraine ở mức nhiều nhất có thể mà còn gây ra tổn thất tối đa cho Nga", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu hôm 7/2.

Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine "sẽ đáp trả mọi tên lửa, mọi (máy bay không người lái) Shahed".

Trước đó, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny cho biết Nga đã sử dụng máy bay không người lái, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và tên lửa phòng không trong cuộc tấn công vào Ukraine hôm 7/2.

Theo ông Zaluzhny, Nga đã phóng 20 máy bay không người lái và 44 tên lửa trong cuộc tấn công vào sáng 7/2, trong đó Ukraine đã bắn hạ 15 máy bay không người lái và 29 tên lửa.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Zelensky cũng đề cập đến tài sản bị đóng băng của Nga. Ông nhấn mạnh rằng Ukraine đang làm việc với các đối tác "tích cực nhất có thể" để đảm bảo rằng quyết định về tài sản của Nga được đưa ra càng sớm càng tốt.

Tổng thống Zelensky cho biết, ông đã thảo luận với ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh, về việc tịch thu tài sản của Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng cần phải có một quyết định "thống nhất và mạnh mẽ" trong vấn đề này với sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU ngày 7/2 đến thăm Kiev và phải xuống hầm trú bom trong thời gian xảy ra đợt tấn công của Nga.

Trong cuộc gặp với ông Borrell, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tiếp tục kêu gọi thêm viện trợ quân sự.

"Nếu ông hỏi một người lính ở mặt trận xem anh ấy cần gì nhất bây giờ, câu trả lời sẽ là đạn pháo", ông Kuleba nói với ông Borrell, đồng thời kêu gọi "các bước khẩn cấp" để tăng cường chuyển giao đạn pháo.

"Quy mô của cuộc chiến và việc sử dụng pháo binh của Nga đã đạt đến mức mà ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu vẫn chưa sẵn sàng", ông Kuleba nói thêm.

Ông Kuleba cũng cho biết Ukraine nhận thấy tranh cãi nội bộ trong Quốc hội Mỹ về tương lai viện trợ của Mỹ cho Ukraine là "điều khó hiểu", vài ngày sau khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa phản đối gói viện trợ mới dành cho Kiev.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng Washington "có thể và sẽ" cung cấp viện trợ cần thiết. Ông Stoltenberg cho rằng động thái như vậy là "rất quan trọng".

Ukraine lo ngại các đồng minh phương Tây đã trở nên mệt mỏi với cuộc chiến. Ông Borrell cho rằng các nước phương Tây nên tiếp tục giúp Ukraine đối phó với Nga.

Trong báo cáo đánh giá mới đây, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, sự hỗ trợ an ninh của phương Tây đã giúp Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và giành lại một phần lãnh thổ.

Do vậy, ISW cho rằng phương Tây duy trì viện trợ là "cách duy nhất để giúp Ukraine ngăn Moscow đạt được các mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt". Ngược lại, nếu phương Tây ngừng viện trợ, Kiev sẽ mất khả năng ngăn chặn quân đội Nga.

Mỹ và các đồng minh liên tục viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022.

Tuy nhiên, chiến sự kéo dài trong khi cuộc phản công của Ukraine không đạt được đột phá cùng với những biến động trên chính trường đã khiến mức độ sẵn sàng viện trợ của phương Tây giảm dần.

Truyền thông phương Tây như Bloomberg, Financial Times gần đây cũng đăng tải luồng ý kiến cho rằng giới chức Mỹ và các đồng minh dường như bắt đầu tính đến kịch bản Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine.

Theo Pravda, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm