Căn cứ tuyệt mật của quân đội Mỹ tại Ấn Độ Dương
(Dân trí) - Căn cứ của quân đội Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương được coi là cơ sở quân sự chiến lược quan trọng và tuyệt mật của Washington tại khu vực.
Đây là một đảo san hô hình móng ngựa rộng khoảng 4.400 héc-ta. Bao quanh nó là 60 đảo san hô khác. Địa thế của Diego Garcia được đánh giá là hoàn hảo để làm căn cứ hải quân. Căn cứ của Mỹ trên đảo phục vụ các hoạt động tác chiến ở Trung Đông và là điểm tiếp nhiên liệu của không quân Mỹ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra Biển Đông. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở hạ cánh khẩn cấp phục vụ cho các nhiệm vụ vũ trụ của NASA. (Ảnh: Google)
Diego Garcia là đảo nhiệt đới với bãi cát trắng, rừng dừa và nhiều động vật quý hiếm. (Ảnh: Reuters)
Có khoảng 3.000-5.000 quân nhân đồn trú tại căn cứ này, hầu hết là quân nhân Mỹ và số ít còn lại là từ Anh. Trong ảnh: Quân nhân Mỹ chuẩn bị trang bị bom lên máy bay ở căn cứ không quân trên đảo. (Ảnh: Getty)
Trung tâm của đảo giống như một thị trấn nhỏ tại Mỹ khi có khu vui chơi giải trí như bowling, đạp xe đạp hay cửa tiệm mua sắm. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Mỹ đã từng thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến quan trọng tại đây. Mỹ từng dùng căn cứ này là nơi khởi phát các cuộc tấn công Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001 và chiến tranh Iraq năm 2003. Trước đó, căn cứ này có tầm quan trọng chiến lược với các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông trong thời kỳ chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Trong ảnh: Máy bay ném bom B-2 của Mỹ tại căn cứ không quân trên đảo Diego Garcia. (Ảnh: Reuters)
Diego Garcia có sân bay dài 3,2 km, có khả năng chứa máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra đây cũng là điểm tiếp dầu cho hải quân và không quân Mỹ. Các cảng nước sâu trên đảo có khả năng chứa tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và các phương tiện khác. Ngoài vị trí đặc biệt xa đất liền, hòn đảo này còn rất bí ẩn. Chưa từng có nhà báo nào đặt chân lên đảo. Các quân nhân không được phép mang theo người thân tới đây đồn trú, khác với đảo Guam tại Thái Bình Dương. Cũng có nguồn tin nói rằng, đảo này là nơi Mỹ giam giữ tội phạm khủng bố 11/9.(Ảnh: Hải quân Mỹ)
Những năm 1960-1970, Mỹ ký thỏa thuận gây tranh cãi với Anh để thuê hòn đảo làm căn cứ quân sự. Anh khi đó đã trục xuất toàn bộ cư dân bản địa trên đảo để mở đường cho Washington mở căn cứ. (Ảnh: Reuters)
Hồi tháng 5, tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc phán quyết rằng việc quần đảo Chagos được trao cho Anh năm 1965 là không hợp lệ. Tuy nhiên, phán quyết này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. (Ảnh: Getty)
Đức Hoàng
Theo Business Insider