Căn cứ quân sự Futenma và những câu hỏi với Nhật Bản
(Dân trí) - Nhật Bản và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về kế hoạch di chuyển căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa. Chướng ngại vật lớn nhất trong quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đã được dỡ bỏ, nhưng thách thức khác lại nổi lên trong nội bộ Nhật Bản.
Thỏa thuận mới hay cũ?
… và sau khi lính Mỹ chiếm được Okinawa
“Lộ trình Tái bố trí quân đội” Mỹ-Nhật năm 2006 được đề ra nhằm làm giảm gánh nặng đối với đảo Okinawa, nơi đồn trú của hơn một nửa số binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản. Hiện nay, trên Okinawa có khoảng 43.400 nhân viên thuộc quy chế lực lượng Mỹ và 3/4 số căn cứ quân sự Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ nước Nhật. Con số này chưa bao gồm lực lượng lính thủy đánh bộ thỉnh thoảng được điều từ các căn cứ Mỹ đến Okinawa để phục vụ công tác huấn luyện.
Đối với hoạt động huấn luyện, hai bên đồng ý sẽ cùng nghiên cứu khả năng sử dụng đảo Tokunoshima tại tỉnh Kagoshima và Guam nhằm chuyển dần toàn bộ hoạt động này ra khỏi tỉnh Okinawa để hạn chế tác động về ô nhiễm tiếng ồn đối với cư dân địa phương.
Mỹ cũng đồng ý sẽ trao lại Nhật Bản một phần vùng biển phía đông của Okinawa, đang được quân đội Mỹ sử dụng làm nơi tập trận. Ngoài ra, hai bên đồng ý sẽ nghiên cứu khả năng tăng cường chia sẻ việc sử dụng chung các căn cứ quân sự giữa quân đội Mỹ với lực lượng phòng vệ Nhật Bản, trong đó bao gồm cả việc sử dụng chung căn cứ Futenma ở Henoko.
Hai bên cũng nhất trí đến cuối tháng 8 sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu về vấn đề tìm địa điểm cụ thể cũng như các phương pháp xây dựng một căn cứ mới thay thế.
Hai chính phủ sẽ cân nhắc khả năng quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ (SDF) của Nhật Bản cùng sử dụng căn cứ mới. Động thái này cũng nhằm làm dịu sự phản đối của người dân địa phương đối với việc sử dụng đất của Nhật Bản cho các lực lượng nước ngoài.
Người dân Okinawa muốn Mỹ rút hẳn, tại sao?
Căn cứ Không quân Futenma ở trung tâm thành phố Ginowan
Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld đã thăm Okinawa và căn cứ không quân Futenma. Ông buột miệng nói rằng thật ngạc nhiên là không có tai nạn nào xảy ra. Một năm sau, một máy bay Mỹ đã đâm xuống sân trường đại học nằm ngay cạnh căn cứ này, và làn sóng phản đối Futenma lên đến cao trào.
Người dân Okinawa không tin Tokyo và Washington. Nhiều ý kiến ở Okinawa nói rằng căn cứ này là thỏa thuận tốt nhất giữa Nhật Bản và Mỹ, nhưng là điều tồi tệ nhất với Okinawa. Nhật Bản bớt phải chi cho quốc phòng – một trong những nguyên nhân giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – và có một nửa quân đội Mỹ đóng ở Okinawa, một hòn đảo xa những hòn đảo khác lớn hơn và những vùng lãnh thổ đông dân hơn của Nhật Bản. Phần Mỹ thì có những căn cứ gần những điểm nóng tiềm tàng ở Tây Thái Bình Dương, và còn được Nhật Bản chi trả một phần lớn chi phí duy trì các căn cứ quân sự.
Theo thỏa thuận năm 2006, căn cứ Futenma sẽ được chuyển đến một khu vắng người hơn trên đảo Okinawa. Tuy nhiên, cư dân vịnh Henoko - nơi được chọn - vẫn cực lực phản đối việc dời căn cứ này đến địa phương của họ. Một phần thứ hai trong kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản là đưa 1.000 lính Thủy quân Lục chiến và phi đội trực thăng đến đảo Tokushima, nằm cách Okinawa 200 km về phía Đông Bắc. Tại đây cũng vậy, chính quyền và cư dân địa phương tuyên bố sẽ chống lại quyết định của chính phủ trong lúc Lầu Năm Góc cũng không đồng ý.
Mỹ muốn duy trì vì lý do gì ngoài mối quan hệ đồng minh?
Phía Mỹ thất vọng trước thái độ trì hoãn của Nhật Bản trong việc bố trí lại căn cứ không quân Futenma, nhưng vẫn kiên nhẫn với cách tiếp cận ôn hòa. Điều này cho thấy Chính quyền Obama không muốn phá vỡ mối quan hệ với Nhật Bản - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á. Trong nhiều năm thương lượng, nhiều vị trí thay thế Futenma đã được đề xuất, gồm cả Iwo-to (tên gọi chính thức là Iwo Jima), Guam, Hawaii, căn cứ phòng vệ Nhật Bản trên đất liền – Căn cứ Không quân Kadena, và 2 hòn đảo hẻo lánh hơn ở Okinawa. Tất cả đều bị bác bỏ.
Mỹ cho rằng các hoạt động bay của Lực lượng Lính thủy đánh bộ cần duy trì trên Okinawa vì vị trí này gần với các đơn vị trí đổ bộ ở Sasebo, vì công tác huấn luyện ở Okinawa và vì gần với Trung Quốc và Triều Tiên. Chuyển căn cứ này đến những hòn đảo cô lập hơn sẽ quá tốn kém, còn ở Căn cứ Không quân Kadena của Nhật Bản thì không có chỗ cho các chiến dịch quân sự của cả lực lượng lính thủy đánh bộ và không quân. Kế hoạch xây dựng Căn cứ Không quân của Lực lượng Lính thủy đánh bộ ở vị trí ngoài khơi cách bán đảo Henoko hơn 3km, vị trí của Schwab Camp, cũng bị loại bỏ sau những phản đối căng thẳng từ phía các tổ chức môi trường.
Theo Washington, “Lộ trình Tái bố trí quân đội” mà Mỹ và Nhật Bản đạt được năm 2006 là tốt nhất với cả hai nước. Okinawa vẫn là vị trí tốt nhất – tính cả mặt chi phí và vị trí địa lý chiến lược ở Tây Thái Bình Dương. Mỹ có trên dưới 90 căn cứ quân sự rải rác quanh các hải đảo của đồng minh Thái Bình Dương quan trọng này. Từ Yokota và căn cứ không quân Kadena, Mỹ có thể gửi quân đội và máy bay chiến đấu đến khắp châu Á, trong khi căn cứ hàng hải Yokosuka gần Tokyo là căn cứ hải quân Mỹ lớn nhất ở nước ngoài.
Thủ tướng Hatoyama – kẹt giữa hai dòng nước?
Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản phải trả hơn 5,2 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho lực lượng Mỹ đóng tại nước này – bao gồm các khoản chi cho công tác bảo dưỡng và nâng cấp căn cứ quân sự, hỗ trợ lương nhân công và các khoản cần thiết khác. Trong số tiền này, 1,6 tỷ USD là chi cho hoạt động hỗ trợ quân sự ở Okinawa. Ngoài ra, còn có các khoản hỗ trợ gián tiếp khác – như miễn trừ thuế, phí cầu cảng cho các hoạt động quân sự.
Thực ra, chính phủ mới của Thủ tướng Yukio Hatoyama muốn một cuộc đối thoại ngang hàng với đồng minh Mỹ. Hatoyama đã khởi đầu cách tiếp cận mới mang tính tượng trưng bằng cách chấm dứt sứ mạng tiếp liệu xăng dầu trên Ấn Độ Dương, sau đó là ý định giảm bớt ngân sách hỗ trợ duy trì các căn cứ. Những động thái này hoàn toàn ngược lại với ý muốn của Washington.
Nhưng đến vấn đề Futenma, bài toán này rõ ràng đã là một phép thử với cương vị lãnh đạo của ông. Đầu tháng 5 vừa qua, chỉ mới 7 tháng sau ngày lên cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã phải "nuốt" lời hứa với cử tri khi vận động tranh cử là sẽ cho dời căn cứ Futenma của Mỹ ra khỏi Okinawa. Cuối tháng 5, Nhật Bản và Mỹ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mới về phương án di chuyển căn cứ không quân Futenma ở đảo Okinawa. Ngày 30/5, liên minh cầm quyền tan vỡ khi đảng Dân chủ Xã hội – một liên minh quan trọng trong đảng cầm quyền vốn kịch liệt phản đối cả sự hiện diện của lực lượng Mỹ và sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản – tuyên bố rút khỏi liên minh của ông. Thất bại trong việc thương lượng với Mỹ về bố trí lại căn cứ Futenma, vị Thủ tướng Nhật Bản chắc chắn phải đối mặt với sự phản đối nghiêm trọng trong cuộc bầu cử năm tới.
Theo nhật báo Yomiuri, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của tờ báo này cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã giảm từ 33% trong tháng 4 xuống còn 24% trong tháng 5, trong khi tỷ lệ không ủng hộ đã tăng từ 56% lên 67%. Những con số này cho thấy DPJ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử Thượng viện, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.
Nguyễn Viết