1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cận cảnh Su-34 Nga cất cánh, dội bom lượn tấn công mục tiêu

Thành Đạt

(Dân trí) - Các máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hành cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine bằng bom lượn có độ chính xác cao.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/4 đã chia sẻ đoạn video ghi lại hình ảnh máy bay tấn công Su-34 hai động cơ với hai phi công trong buồng lái cất cánh từ một sân bay ở một địa điểm không xác định.

Hình ảnh từ video cho thấy một máy bay thả ít nhất 4 quả bom.

Cận cảnh Su-34 Nga cất cánh, thả bom lượn tấn công mục tiêu

Các quan chức cho biết, cuộc tấn công nhằm vào các vị trí kiên cố và binh lính Ukraine ở phía nam vùng Donetsk, sử dụng bom có sức nổ mạnh được trang bị mô-đun điều chỉnh. Một số kênh Telegram của Nga cho rằng mỗi quả bom nặng 500kg.

Vào tháng 1, New York Times đã mô tả bom lượn là vũ khí được Nga lựa chọn để phá hủy các boongke của Ukraine.

Các quan chức Kiev thừa nhận bom lượn gây ra "mối đe dọa rất nghiêm trọng" vì khó đánh chặn. Một số binh sĩ Ukraine từng thừa nhận với Forbes rằng bom lượn là dòng vũ khí "đáng sợ nhất" của Nga.

Kênh Telegram DeepState của Ukraine, chuyên đưa tin về cuộc xung đột, đã mô tả những quả bom này là một "vũ khí thần kỳ" mà Kiev "thực tế không có biện pháp đối phó".

Ưu điểm của bom thông minh có thể lượn từ khoảng cách xa, tấn công chính xác vào mục tiêu. Điều này giúp các máy bay Nga có thể ném bom từ xa mà không cần đi vào khu vực không phận tranh chấp, tránh nguy cơ bị phòng không Ukraine bắn rơi.

Theo các chuyên gia quân sự Nga và phương Tây, bom lượn có thể di chuyển hàng chục km trước khi đánh trúng chính xác mục tiêu đã định.

Nga được cho là đã tăng đáng kể tốc độ sử dụng bom lượn vào các vị trí của Ukraine, đặc biệt là xung quanh thành trì Avdiivka ở miền Đông, dẫn đến thương vong nặng nề.

Để đối phó với Không quân Nga, Ukraine trong nhiều tháng đã kêu gọi phương Tây cung cấp các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế và dự kiến sẽ bắt đầu được chuyển giao cho Kiev vào cuối năm nay.

Washington từ chối cung cấp trực tiếp cho Ukraine, song cho phép đồng minh chuyển loại máy bay này cho Kiev trong bối cảnh một số quân đội châu Âu đang có kế hoạch nâng cấp lên máy bay F-35.

Tuy nhiên, Politico dẫn các nguồn tin trong quân đội Ukraine cho biết, việc chuyển giao F-16 sẽ không đạt hiệu quả vì máy bay này được đưa đến Ukraine quá muộn và Moscow đã thử nghiệm các biện pháp đối phó với máy bay chiến đấu của Mỹ.

Trả lời phỏng vấn báo Bild của Đức ngày 5/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "Một hệ thống không thể thay đổi tình hình trên chiến trường. F-16 không phải viên đạn bạc có thể thay đổi cục diện chiến sự".

Mặt khác, người đứng đầu NATO cho biết, F-16 tuy không phải là giải pháp mang tính quyết định cho phòng thủ của Ukraine, nhưng "rất quan trọng" đối với quân đội nước này.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm