Campuchia bị nghi ngăn ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông
(Dân trí) - Các nhà ngoại giao Đông Nam Á tiết lộ Campuchia đang ngăn khối ASEAN đạt được sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông sau khi tòa trọng tài quốc tế bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này.
Ngoại trưởng các quốc gia thành viên ASEAN sẽ nhóm họp tại Lào vào hôm nay 24/7, trước khi họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, cùng các quan chức khác. Đây là kỳ họp đầu tiên của ASEAN kể từ khi Tòa trọng tài tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết với hãng tin Reuters ngày 23/7 rằng Campuchia là quốc gia duy nhất phản đối bất kỳ sự đề cập nào tới phán quyết trong tuyên bố chung dự kiến sẽ đưa ra sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN vào hôm nay.
Ngoài ra, Campuchia còn thúc ép để loại bỏ bất kỳ sự đề cập nào tới việc quân sự hóa Biển Đông, giảm nhẹ giọng điệu trong các tuyên bố chung được ASEAN đưa ra trước đó trong năm nay.
“Campuchia thật lạ lùng”, một nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters. “Họ đang ngăn cản bất kỳ cụm từ nào về phiên tòa và sự quân sự hóa’.
Một nhà ngoại giao khác cho biết, một ủy ban đả thảo luận kể từ ngày 20/7 để cố gắng phác thảo một tuyên bố chung của ASEAN mà các bên đều đồng tình, nhưng Campuchia lại cản trở các nỗ lực đó.
Indonesia đã nêu đề xuất rằng các ngoại trưởng có thể tổ chức một cuộc họp không chính thức vào cuối ngày 23/7 để đi đến một sự đồng thuận.
Cùng ngày, hãng tin AFP cũng dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho hay Campuchia là quốc gia duy nhất phản đối tuyên bố chung về Biển Đông.
“Rất nghiêm trọng. Campuchia phản đối hầu như tất cả mọi điều, dù chủ là đề cập tới việc tôn trọng luật pháp và các tiến trình ngoại giao vốn đã được nhắc tới trong các tuyên bố trước đó”, nhà ngoại giao trên nói.
Một bản thảo tuyên bố chung mà hãng tin AFP có được đã cho thấy phần có tiêu đề “Biển Đông” hiện bị bỏ trống.
Vào năm 2012, khi Campuchia tổ chức các hội nghị của ASEAN, Trung Quốc đã vận động hành lang nhằm tránh đề cập tới tranh chấp Biển Đông trong tuyên bố chung. Khi đó, lần đầu tiên sau hơn 40 năm, hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã không ra được tuyên bố chung.
Vấn đề tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ phủ bóng hội nghị ngoại trưởng ASEAN hôm nay, với việc vài quốc gia trong khối 10 thành viên cũng có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này.
Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ngày 12/7 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo phán quyết này, tòa khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc vẫn ngang ngược không công nhận phán quyết và tuyên bố tiếp tục xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Mỹ đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về việc xây đảo nhân tạo và các cơ sở trái phép ở Biển Đông và đã đưa các tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo để khẳng định quyền tự do hàng hải. Washington cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài.
Tổng thống Barack Obama sẽ trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới thăm Lào vào tháng 9 tới để tham dự một nhội nghị thượng đỉnh của ASEAN. Lào là Chủ tịch của ASEAN năm 2016.
An Bình