Cái chết của Tổng Thư ký Liên hợp quốc thứ hai bao giờ được giải mật?
Chỉ trong vòng 4 tháng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã 2 lần đề nghị Mỹ và Anh công bố những tài liệu mật về cái chết bí ẩn của TTK LHQ thứ hai, ông Dag Hammarskjold và đây là việc làm hiếm thấy từ trước đến nay.
Trong tuyên bố hôm 18-11, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, có khả năng những tài liệu mật liên quan đến chuyến bay SE-BDY trong đêm 17, rạng sáng 18-9-1961 vẫn tồn tại. Chính vì thế, TTK LHQ một lần nữa đề nghị tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc công bố, giải mật những tài liệu họ đang nắm giữ có liên quan đến vụ rơi máy bay.
Quyết tâm của Liên hợp quốc
Mặc dù không nói rõ quốc gia thành viên nào, nhưng giới chức LHQ xác nhận với hãng AFP rằng, Anh và Mỹ đã bác đề nghị cung cấp thông tin. Trước đó (tháng 7-2015), ông Ban Ki-moon từng đề nghị Mỹ và Anh công bố tài liệu mật liên quan tới nguyên nhân cái chết của ông Dag Hammarskjold, nhưng đều bị Washington và London từ chối. Khoảng 4 tháng trước (tháng 7-2015), một ủy ban của Liên hợp quốc cho biết, đã phát hiện thông tin mới cho thấy, chiếc máy bay Douglas DC-6 (chuyến bay SE-BDY) chở ông Dag Hammarskjold có khả năng bị tấn công và câu trả lời nằm trong hồ sơ mật do Mỹ và Anh quản lý.
Hơn 54 năm trước, chiếc máy bay chở TTK LHQ thứ hai đã rơi ở phía Bắc Rhodesia (thuộc địa của Anh), hiện là Cộng hòa Zambia. Và từ đó đến nay, LHQ đã nhiều lần đề nghị Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Nam Phi và Mỹ cung cấp thông tin để phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn dẫn tới cái chết của ông Dag Hammarskjold, nhưng bất thành.
Dag Hammarskjold. (Ảnh: Literature)
Gần 1 năm trước (tháng 12-2014), Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết, đề nghị làm sáng tỏ vụ rơi máy bay khiến TTK LHQ thứ hai thiệt mạng. Khi đó, nhiều người nói rằng, có động cơ chính trị đứng sau cái chết của ông Dag Hammarskjold, là người trẻ tuổi nhất từng ngồi ghế TTK LHQ, là một trong số ba người trên thế giới (tính tới nay) được trao tặng giải Nobel sau khi đã qua đời. Trước đó, nhiều người từng yêu cầu ông Ban Ki-moon thành lập một ban điều tra độc lập sau khi có bằng chứng mới liên quan tới vụ rơi máy bay của ông Dag Hammarskjold.
Hơn 2 năm trước, một nhóm các nhà điều tra quốc tế độc lập từng công bố (20-9-2013) báo cáo liên quan đến cái chết đáng ngờ của ông Dag Hammarskjold. Đứng đầu nhóm điều tra kể trên là Giáo sư nổi tiếng người Đức Manuel Frohlich, Trưởng bộ môn Khoa học chính trị của Trường Đại học Tổng hợp Friedrich Schiller. Báo cáo này cũng đặt câu hỏi: Tại sao biên bản khám nghiệm tử thi chính thức của Bệnh viện thành phố Ndola lại biến mất một cách khó hiểu, thay vào là bản sao "mô phỏng theo trí nhớ".
Ông Dag Hammarskjold tuyên thệ nhận chức Tổng thư ký LHQ.
Và một trong những tiết lộ đáng chú ý nhất được các nhà điều tra đưa ra thảo luận trong năm 2013 là lời khai của ông Charles Southall, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Tình báo thương mại Omnifact LLC. Southall, cựu nhân viên thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Bởi vài giờ trước khi chiếc máy bay Douglas DC-6 chở ông Dag Hammarskjold gặp nạn, ông Charles Southall nhận được thông báo mật và khi tới căn cứ nghe lén của Mỹ, liền nghe thấy tiếng nói trong loa phóng thanh báo cáo về cuộc tấn công nhằm vào một máy bay vận tải.
4 năm trước (2011), trong cuốn "Ai giết Hammarskjold?", học giả người Anh Susan Williams từng đặt giả thiết máy bay chở ông Dag Hammarskjold đã bị bắn hạ và thủ phạm là lính đánh thuê. Và cũng từng có giả thiết cho rằng, máy bay của TTK LHQ thứ hai đã bị bắn rơi bởi một âm mưu của CIA.
Những giả thiết khác nhau
Sau khi ông Dag Hammarskjold qua đời, nhà ngoại giao người Nepal Rishikesh Shaha đã được chọn để điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của TTK LHQ thứ hai. Ngay sau khi nhận lệnh, ông Rishikesh Shaha cùng 180 người đã được cử tới hiện trường và họ rà soát cẩn thận một khu vực rộng tới 6km2 dọc theo đoạn đường bay cuối cùng của chiếc máy bay xấu số. Thậm chí còn kịp gặp và lấy lời khai của Harold Julian, vệ sĩ của ông Dag Hammarskjold (một trong ba vệ sĩ của TTK LHQ), từng là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, nhân chứng duy nhất còn sống sót trong thảm họa máy bay.
Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold (phải) gặp Tổng thống Mỹ mới được bầu John F. Kennedy tại một hội nghị ở New York năm 1960.
Và trước khi chết vì vết thương quá nặng, Harold Julian còn cho biết, trên máy bay đã có một loạt tiếng nổ. Nhưng kết luận đưa ra của ông Rishikesh Shaha đã khiến nhiều người không chấp nhận, bởi cho rằng máy bay gặp nạn vì đã bay quá thấp khi tới gần sân bay Ndola, trong điều kiện thời tiết hoàn toàn bình thường, và không có dấu hiệu của một vụ đánh bom. Chính phủ Thụy Điển và Bắc Rhodesia khi đó cũng coi vụ tai nạn là do lỗi của phi công.
Ngày 29-7-2005, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh ông Dag Hammarskjold, Thiếu tướng quân đội Na Uy Bjorn Egge đã có cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Aftenposten và đưa ra tuyên bố gây sốc. Bởi ông Bjorn Egge là nhân viên LHQ đầu tiên nhìn thấy thi thể của ông Dag Hammarskjold, và trên trán TTK LHQ thứ hai có một lỗ thủng đã bị xử lý kỹ thuật trong những bức ảnh chụp thi thể sau đó. Và theo Thiếu tướng Bjorn Egge, ông Dag Hammarskjold có vẻ như đã bị ném ra khỏi máy bay, những ngọn cỏ và lá cây mà ông nắm chặt trong tay cho thấy, rất có thể TTK LHQ thứ hai đã sống sót sau vụ tai nạn và cố gắng bò ra xa đống đổ nát…, nhưng ai đó quyết giết bằng được ông Dag Hammarskjold.
Nhiều dân làng nơi chiếc máy bay gặp nạn cho biết, một chiếc máy bay thứ hai và nhỏ hơn có thể đã bắn hạ chiếc máy bay của ông Dag Hammarskjold, nhưng chi tiết này không được xem xét thấu đáo khi đó. Trước đó (năm 1992), hai nhân viên thân cận nhất của ông Dag Hammarskjold đã công bố bí mật trên tờ The Guardian của Anh, trong đó chú ý tới các lỗ thủng trên thân máy bay, chứng tỏ chiếc DC-6 đã bị bắn rơi. Và xác chiếc máy bay nặng 27 tấn này chỉ còn khoảng 1/10 sau khi được cho vào lò để nấu lấy kim loại. Bên cạnh đó, tất cả những lời khai của các nhân chứng đều không được ghi nhận trong bản báo cáo đáng ngờ của Ủy ban điều tra do chính quyền Bắc Rhodesia chỉ định khi đó.
Trước đó (19-8-1998), Tổng giám mục Desmond Tutu, Chủ tịch Ủy ban đức tin và hòa giải Nam Phi (TRC) cũng tuyên bố, với những lá thư mới được công bố chứng tỏ, cơ quan tình báo của 3 nước Anh, Mỹ và Nam Phi có liên quan tới vụ tai nạn máy bay, khiến ông Dag Hammarskjold tử nạn. Bởi có một quả bom được đặt ở phần bánh máy bay phát nổ khi bánh chạm đất. Còn tại một cuộc phỏng vấn ngày 24-3-2007 trên kênh truyền hình Na Uy NRK, một người giấu danh tính và tự xưng là lính đánh thuê tuyên bố, đã từng ở cùng phòng với một lính đánh thuê không rõ tên tuổi, người Nam Phi, tự nhận đã bắn ông Dag Hammarskjold và sát thủ đã chết hồi cuối thập niên 1990.
Hữu xạ tự nhiên hương
TTK LHQ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và đến nay đã có 8 người từng đảm trách cương vị này, nhưng hiện vẫn chưa có ai đến từ Bắc Mỹ hay châu Đại Dương. Và đang có khá nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc bổ nhiệm một phụ nữ vào cương vị này bởi kể từ khi thành lập đến nay, ghế TTK LHQ đều do nam giới đảm nhận. Tên gọi đầy đủ của TTK LHQ thứ hai là Dag Hjalmar Agne Carl Hammarskjold (1905-1961), ông là con út của Thủ tướng Thụy Điển Hjalmar Hammarskjold (1914-1917), với bà Agnes Almquist; từng tốt nghiệp Đại học Uppsala (với bằng Thạc sĩ kinh tế chính trị và cử nhân luật), sau đó lấy bằng Tiến sĩ của Đại học Stockholm; và được bầu vào Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trước khi trở thành người thay thế TTK LHQ thứ nhất Trygve Lie.
Theo giới truyền thông, một trong những ấn tượng của ông Dag Hammarskjold khi tại nhiệm là thiết lập một bộ máy trợ lý của Liên hợp quốc với 4.000 nhân viên hành chính, cùng tuyên bố: TTK LHQ có quyền hành động trong những tình huống khẩn cấp, không cần sự đồng ý trước của Hội đồng bảo an hay Đại hội đồng. Giới truyền thông cho biết, sau khi nhận được tin về cuộc đụng độ giữa lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ với một nhóm vũ trang ở Congo, ông Dag Hammarskjold lập tức tới quốc gia này (cùng với 15 người khác) nhằm khuyên giải 2 bên ngừng bắn.
Khi đó, ông Dag Hammarskjold tới Congo theo đề nghị của Tướng Moise Tshombe, người đứng đầu một đội quân ở Katanga chống lại lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ. Nhưng chuyến đi đêm 17, rạng sáng 18-9-1961 của ông Dag Hammarskjold đã khiến TTK LHQ thứ hai không bao giờ trở lại. Ngày 22-7-1997, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết số 1121, theo đó trao tặng Huân chương Hammarskjold để ghi nhận và tưởng nhớ những ai đã hy sinh trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình hoặc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức này.
Trước khi ông Trygve Lie (người Na Uy) được bổ nhiệm làm TTK LHQ đầu tiên (từ 2-2-1946 đến 10-11-1952), ông Gladwyn Jebb (người Anh) được cử là Tổng Thư ký lâm thời (từ 24-10-1945 đến 1-2-1946). Ông Dag Hammarskjold (người Thụy Điển) là TTK LHQ thứ hai (từ 10-4-1953 đến 18-9-1961) và là người duy nhất trong số 8 đời TTK LHQ chết khi tại nhiệm.
Trước khi trở thành TTK LHQ thứ ba (từ 30-11-1961 đến 31-12-1971), ông U Thant (người Myanmar) là quyền TTK LHQ gần 1 tháng (từ 3-11 đến 30-11-1961). TTK LHQ thứ tư là người Áo (từ 1-1-1972 đến 31-12-1981) và ông Kurt Waldheim đã bị Trung Quốc phủ quyết nhiệm kỳ thứ ba. Trong khi đó, ông Javier Perez de Cuellar, người Peru, lại từ chối nhiệm kỳ thứ ba, sau khi hoàn thành vai trò TTK LHQ thứ năm (từ 1-1-1982 đến 31-12-1991).
Nhưng TTK LHQ thứ sáu là ông Boutros Boutros-Ghali (người Ai Cập) chỉ tại vị có 1 nhiệm kỳ (từ 1-1-1992 đến 31-12-1996, do bị Mỹ phủ quyết nhiệm kỳ thứ 2). TTK LHQ thứ bảy là người Ghana, ông Kofi Annan (từ 1-1-1997 đến 31-12-2006). Và đương kim TTK LHQ là người Hàn Quốc, ông Ban Ki-moon (nhậm chức từ 1-1-2007 đến nay).
Theo Nhiệm Bình - Mạnh Phong
Cảnh sát toàn cầu