1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cái chết của bà Bhutto "ném" Pakistan vào hỗn loạn

(Dân trí) - Vụ ám sát chính trị gia đối lập Benazir Bhutto ngày hôm qua đe dọa sẽ nhấn chìm Pakistan sâu vào trong hỗn loạn, nảy sinh nguy cơ hoãn bầu cử quốc hội, và nguy cơ bùng nổ các cuộc biểu tình có thể làm suy yếu Tổng thống Musharraf, đồng minh của Mỹ.

Được biết, bà Bhutto bị bắn hai phát khi bà nhoài người ra ngoài cửa xe. Ngay trước đó là một vụ nổ lớn khiến hơn 40 người ủng hộ tụ tập trong một cuộc mít tinh thiệt mạng. Theo các nhà phân tích, cái chết của bà Bhutto có thể sẽ là một bước lùi lớn cho chính sách của Mỹ ở một đất nước mà chính quyền ông Bush đang đặt hi vọng lớn trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

 

Bà Bhutto, 54 tuổi, từng hai lần làm thủ tướng, đã trở về Pakistan hồi tháng 10 vừa qua sau khi phải sống lưu vong 8 năm ở nước ngoài. Bà được hầu hết giới chính trị gia phương Tây ủng hộ. Họ muốn bà lên làm thủ tướng bởi họ hi vọng quan điểm chống quân nổi dậy cùng uy tín của bà sẽ giúp củng cố sự ổn định ở Pakistan.

 

Ngay sau khi bà Bhutto bị ám sát ở thị trấn Rawalpindi, ngay bên ngoài thủ đô Islamabad những người ủng hộ đã đổ lỗi cho ông Musharraf về cái chết của bà. Họ hô vang khẩu hiểu chống lại ông.

 

Theo các nhà phân tích, nếu các cuộc biểu tình và những cuộc bạo loạn nổ ra khắp đất nước, rồi quân đội được kêu gọi vào cuộc để ngăn chặn chúng, ông Musharraf sẽ tự đặt mình trong thế bí. Bởi kể từ khi ông Musharraf ban bố tình trạng khẩn cấp trong 6 tuần, uy tín của ông đã giảm sút. Quyết định từ chức Tổng tư lệnh quân đội của ông tháng trước lại khiến ông phải san sẻ bớt quyền lực cho vị tổng tư lệnh kế nhiệm.

 

Mặc dù quân đội vẫn tiếp tục công khai ủng hộ ông, nhưng các nhà phân tích đánh giá họ sẽ không triển khai quân trên các đường phố để dập tắt các cuộc bình tình rộng khắp, nếu chúng xảy ra. Lịch sử Pakistan đã phải chứng kiến hai lần lãnh đạo quân đội buộc phải từ chức sau những cuộc biểu tình của quần chúng.

 

Đến đêm ngày hôm qua, các cuộc biểu tình và bạo loạn đã nổ ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Tại Rawalpindi, lệnh giới nghiêm đã được ban bố, cảnh sát phong tỏa khắp thành phố. Còn ở Karachi, nơi bà Bhutto lớn lên, những người biểu tình mang cờ của Đảng nhân dân Pakistan (PPP) đổ xuống đường. Họ đốt lốp xe cùng xe hơi. Ngoài ra, một quả bom cũng phát nổ ngay ở gần nhà của gia đình bà Bhutto. Nhà của một thành viên cấp cao trong đảng của ông Musharraf cũng bị thiêu rụi.

 

 “Xung đột và bất ổn”, Kamran Shafi, cựu thư ký báo chí của bà Bhutto nói về tương lai phía trước Pakistan. “Chúng ta quay đầu về hướng nào, hướng đó cũng có tường ngăn cách. Chúng ta làm gì đây? Chúng ta phải làm gì đây để thoát khỏi Musharraf đêm nay? Đã đến lúc ông ấy phải nói lời tạm biệt”.

 

Còn tại Islamabad, Tổng thống Musharraf đã triệu tập một cuộc họp khẩn gồm các quan chức cấp cao. Dường như là để bàn xem có nên hoãn cuộc bầu cử quốc hội dự tính vào ngày 8/1 tới hay không. Một số nhà phân tích dự đoán Musharraf có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp thêm một lần nữa hoặc thậm chí là tính trạng thiết quân luật.

 

Trên khắp đất nước, mọi người đều choáng váng trước tin bà Bhutto bị ám sát. Thậm chí những chính trị gia đối lập cũng ca ngợi lòng quả cảm và sức mạnh của bà. Ở Karachi, bạn bè của bà đã không cầm được nước mắt.

 

“Bà ấy đã chết rồi”, nhà hoạt động nhân quyền Asma Jehangir vừa nói vừa khóc khi nhận được tin qua điện thoại. “Tôi vừa viết cho bà ấy một bức thư”.

 

Hiện vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng hầu hết người Pakistan ngay lập tức nghĩ đến hai “thủ phạm”. Thứ nhất là chính phủ, đặc biệt là những cơ quan tình báo quyền lực của Pakistan. Thứ hai là các chiến binh Hồi giáo, những người bị bà Bhutto kịch liệt phản đối.

 

Bà Bhutto xuất thân từ một gia đình với nhiều thảm kịch. Cha của bà, người đã sáng lập ra đảng PPP và từng là tổng thống, thủ tướng Pakistan, đã bị treo cổ hai năm sau một cuộc đảo chính quân sự, cũng tại Rawalpindi, nơi bà bị ám sát. Hai người anh em của bà thì bị giết một cách bí ẩn. Còn bà, bà phải sống nhiều năm trong tù cũng như bị quản thúc tại gia. Sau hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, bà phải chạy trốn khỏi Pakistan sau những cáo buộc tham nhũng và sống 8 năm lưu vong ở nước ngoài.

 

Khi bà được trở về Pakistan 10 tuần trước, chủ yếu là nhờ thỏa thuận chia sẻ quyền lực với ông Musharraf được Mỹ ủng hộ, hai kẻ đánh bom liều chết đã giết ít nhất 140 người trong một cuộc chào đón bà. Và bà cũng thường xuyên nhận những lời đe dọa.

 

Tuy nhiên, bà Bhutto vẫn tỏ ra không thể bị đánh bại. Bà vẫn vận động tranh cử ở những vùng “thánh địa” của phiến quân, chỉ với những vệ sỹ trẻ mặc thường phục. Các phụ tá của bà lo lắng về tình trạng đảm bảo an ninh, nhưng bà vẫn nhất quyết phải nói chuyện trực tiếp với những người ủng hộ, những người mà bà gọi là “người dân của tôi”.

 

Sau khi Musharraf ban bố tình trạng khẩn cấp, bà đã tự giữ khoảng cách với ông, tuyên bố ông nên từ chức, và khẳng định sẽ không chia sẻ quyền lực với Musharraf. Tuy nhiên, bà không bao giờ đưa những người ủng hộ mình xuống đường biểu tình. Còn giờ đây, theo các nhà phân tích, có lẽ sẽ không ai ngăn được họ xuống đường nữa.

 

Phan Anh

Theo Chicago Tribune