1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cách Triều Tiên đào tạo vận động viên đẳng cấp thế giới dù bị cấm vận

(Dân trí) - Mặc dù liên tục phải hứng chịu các lệnh trừng phạt đơn phương và đa phương từ cộng đồng quốc tế, song Triều Tiên vẫn luôn tập trung nguồn lực để phát triển thể thao và đào tạo những vận động viên đẳng cấp thế giới.

Đoàn vận động viên Triều Tiên dự Thế vận hội năm 2010 (Ảnh: Getty)
Đoàn vận động viên Triều Tiên dự Thế vận hội năm 2010 (Ảnh: Getty)

Theo CNBC, những năm tháng bị trừng phạt kinh tế vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi không thể cản bước Triều Tiên đạt được những thành tích đáng nể tại các sân chơi thể thao quốc tế.

Tại Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), Triều Tiên đã giành được hai huy chương vàng và xếp trên đoàn thể thao Ấn Độ. Trước đó tại Thế vận hội 2012 ở London (Anh), Bình Nhưỡng cũng giành tới 4 huy chương vàng.

Cử tạ, vật, đấm bốc, judo và thể dục dụng cụ là các môn thể thao thế mạnh của Triều Tiên tại các giải thi đấu. Tại Á vận hội năm 2014, Triều Tiên đạt được thành tích nổi bật khi có tới 11 huy chương vàng, trong đó có 4 huy chương thuộc về môn cử tạ. Khúc côn cầu trên băng cũng là môn thể thao thế mạnh của Triều Tiên và theo bảng xếp hạng của Hiệp hội khúc côn cầu trên băng quốc tế, đội khúc côn cầu nam của Triều Tiên xếp thứ 39 toàn cầu.

Tình yêu thể thao

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cổ vũ các cầu thủ Triều Tiên năm 2013 (Ảnh: AFP)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cổ vũ các cầu thủ Triều Tiên năm 2013 (Ảnh: AFP)

Những thành tích thể thao mà Triều Tiên đạt được phần lớn nhờ vào sự đầu tư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài tình yêu dành cho các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ và trượt tuyết, ông Kim Jong-un cũng đầu tư nhiều nguồn lực vào việc tuyển chọn nhân tài và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho lĩnh vực thể thao.

Các khoản chi ngân sách dành cho thể thao của Triều Tiên đều tăng lên hàng năm. Trong khi đó, các hình ảnh do vệ tinh chụp lại hay do truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải đều cho thấy, Bình Nhưỡng đã đầu tư xây dựng các cơ sở thể thao mới cũng như nâng cấp các cơ sở tập luyện cũ và các khu trượt băng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là hâm mộ đội bóng Inter Milan và từng nhiều lần mời ngôi sao bóng rổ nhà nghề Dennis Rodman tới Bình Nhưỡng. Năm 2013, ông Kim Jong-un đã cho mở một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sang trọng gần thành phố cảng Wonsan với hy vọng biến khu vực này thành điểm thu hút khách du lịch.

Theo học giả Benjamin Katzeff Silberstein tại Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại có trụ sở tại Philadelphia, Mỹ, việc chú trọng vào thể thao là một phần trong chiến lược của ông Kim Jong-un nhằm xây dựng và tập trung nhiều hơn vào những yếu tố góp phần mang lại cuộc sống vui vẻ cho người dân như văn hóa và thể thao. Điều này ngược lại hoàn toàn với các chính quyền trước đây của Triều Tiên khi người dân chủ yếu được khuyên sống “thắt lưng buộc bụng”.

Các chuyên gia cho biết những tài năng xuất chúng trong lĩnh vực thể thao của Triều Tiên luôn được bồi dưỡng và chu cấp hậu hĩnh, thậm chí ngay cả trong thời kỳ xảy ra nạn đói tại nước này vào cuối thập niên 90.

Theo Simon Cockerell, quản lý công ty Koryo Tours có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc chuyên tổ chức các chuyến du lịch tới Triều Tiên, ông nhận thấy sự gia tăng rõ rệt trong các hoạt động hỗ trợ cho thể thao của chính quyền Bình Nhưỡng.

Ông Cockerell cho biết một trong những tour du lịch phổ biến nhất của Koryo là giải chạy marathon quốc tế Bình Nhưỡng (Pyongyang Marathon). Khoảng 1.000 người nước ngoài đã tham gia giải này năm 2017 và là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Đối với người dân Triều Tiên, các môn thể thao phổ biến là bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền, trong đó bóng chuyền được đặc biệt yêu thích vì môn thể thao này cần ít không gian hơn và cả nam nữ đều có thể chơi được cùng nhau.

Lệnh trừng phạt

Sân vận động 1/5 với sức chứa 150.000 người là nơi tổ chức các sự kiện thể thao lớn của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Sân vận động 1/5 với sức chứa 150.000 người là nơi tổ chức các sự kiện thể thao lớn của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Những nỗ lực đầu tư cho thể thao của ông Kim Jong-un ngày càng gặp khó khăn hơn khi các lệnh trừng phạt ngày càng được siết chặt, trong đó có lệnh cấm mua bán các mặt hàng xa xỉ nhưu gậy khúc côn cầu hay các dụng cụ trượt tuyết. Các nước phương Tây hy vọng việc gia tăng các lệnh trừng phạt có thể gây sức ép, buộc ông Kim Jong-un phải ngồi vào bàn đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Theo AFP, khi đoàn vận động viên Triều Tiên tới Auckland, New Zealand hồi năm ngoái để tham dự giải đấu khúc côn cầu quốc tế, họ đã mang theo những cây gậy gỗ, do vậy ban tổ chức phải cho họ mượn các các trang thiết bị để thi đấu.

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Ủy ban Chỉ đạo Thể thao Quốc gia Triều Tiên hồi tháng 10/2017 đã chỉ trích Mỹ vì nối dài lệnh trừng phạt sang lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, Bình Nhưỡng hoàn toàn đủ khả năng để vượt qua thử thách vì nước này thường không phải rút hầu bao trả tiền khi tham gia các cuộc thi đấu quốc tế. Hơn nữa, việc huấn luyện vận động viên tại Triều Tiên được cho là không đắt đỏ như tại các nước đang phát triển khác.

Tại Thế vận hội mùa Đông 2018, với tư cách là nước chủ nhà và là quốc gia láng giềng, Hàn Quốc đã thống nhất chi 2,86 tỷ won (khoảng 2,64 triệu USD) từ ngân sách chính phủ để thanh toán cho chuyến đi của phái đoàn Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang.

Khoản tiền trên bao gồm toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại và sinh hoạt cho hơn 400 người gồm các nghệ sĩ trong đoàn nghệ thuật, các thành viên của đội cổ vũ và đội biểu diễn taekwondo của Triều Tiên tới Hàn Quốc. Trong khi đó, chi phí dành cho 22 vận động viên Triều Tiên tham gia thi đấu tại Thế vận hội năm nay sẽ do Ủy ban Olympic Quốc tế chi trả.

Thành Đạt

Tổng hợp