1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cách tên lửa Iran chọc thủng lá chắn tốt nhất thế giới của Israel

Minh Phương

(Dân trí) - Vượt qua hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel, một số tên lửa Iran đã gây hư hại cho các hạ tầng của đối phương trong cuộc tấn công hôm 1/10.

Cách tên lửa Iran chọc thủng lá chắn tốt nhất thế giới của Israel - 1

Israel đánh chặn hàng trăm tên lửa Iran hôm 1/10 (Ảnh: Reuters).

Quân đội Israel tuyên bố, hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn hầu hết tên lửa của Iran trong vụ tấn công đêm 1/10.

Tuy nhiên, Israel cũng thừa nhận, một số tên lửa trong số 200 tên lửa của Tehran đã đánh trúng các mục tiêu ở miền Trung và miền Nam nước này, trong đó có căn cứ không quân Nevatim. Tại thành phố Gadera, một trường học bị hư hại nặng nề.

Israel được cho là sở hữu một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới. Đây là một hệ thống phòng không nhiều lớp, trong đó có hệ thống Vòm sắt được chế tạo bởi công ty Rafael với mức giá lên tới 200 triệu USD.

Tuy vậy, hệ thống này vẫn bị tên lửa của Iran chọc thủng.

Iran bắn hàng trăm tên lửa nhằm vào Israel

Lực lượng của Tehran cho biết họ đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah để tấn công Israel. Những tên lửa này vốn được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.400km và chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa như Vòm sắt.

Chuyên gia quân sự Michael Shoebridge, giám đốc và người sáng lập Cơ quan Phân tích Chiến lược Australia, giải thích lý do tại sao một số tên lửa có thể đã xuyên thủng lá chắn Vòm sắt của Israel.

"Đối với các tên lửa đạn đạo bay ra khỏi bầu khí quyển, di chuyển dọc rồi quay trở lại bầu khí quyển tới mục tiêu. Nếu Iran phóng khoảng 180 tên lửa, chủ yếu là hỗn hợp các tên lửa đạn đạo, thì hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel đã hoạt động rất hiệu quả", ông Shoebridge nói.

Ông giải thích thêm, các tên lửa này được phóng đi "như một viên đạn từ nòng súng". Khi đạt tốc độ cao nhất, chúng trở thành đạn đạo, bay lên độ cao lớn trước khi lao xuống sâu và nhanh.

 "Chúng đi theo một đường cong parabol. Một quỹ đạo đi lên nhanh và đi xuống cũng nhanh như nhau", chuyên gia Shoebridge cho biết.

Ông Behnam Ben Taleblu, một nhà phân tích Iran từ Tổ chức Quốc phòng và Dân chủ, mô tả cuộc tấn công của Iran là "phá kỷ lục và mang tính lịch sử".

"Tehran đang cố gắng tìm cách tăng cường khả năng răn đe đã bị lu mờ của mình và họ làm điều đó theo cách này, bao gồm vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo lớn nhất nhằm vào một quốc gia khác trong lịch sử", ông nhận định.

Iran trình làng tên lửa Fattah hồi tháng 6 năm ngoái và tuyên bố tên lửa siêu vượt âm này có thể đạt tốc độ Mach 13-15.

Tên lửa dẫn đường chính xác Fattah có tầm bắn 1.400 km và được cho là có khả năng cơ động cũng như khả năng tàng hình để vượt qua hệ thống radar.

Fattah có các biến thể khác nhau. Tầm bắn càng xa, chúng càng có thể bay cao hơn và di chuyển trên vòng cung tốc độ cao tới mục tiêu.

Theo ABC.net, Express