1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách tàu Trung Quốc “ngụy trang” để lách lệnh trừng phạt Triều Tiên

(Dân trí) - Các tàu Trung Quốc đã nỗ lực tìm cách “qua mặt” các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng chịu sức ép của cộng đồng quốc tế do chương trình vũ khí gây tranh cãi.

Các tàu Trung Quốc bị phát hiện giao dịch trái phép với Triều Tiên, trong đó có Kai Xiang và Koti (Ảnh: Chosun)
Các tàu Trung Quốc bị phát hiện giao dịch trái phép với Triều Tiên, trong đó có Kai Xiang và Koti (Ảnh: Chosun)

Theo trang tin Chosun (Hàn Quốc), các công ty vận tải tàu biển Trung Quốc đã lách lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên bằng cách đăng ký xuất xứ của các tàu này tại các quốc gia thứ ba.

Hồi năm ngoái, các tàu thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị bắt tại các cảng Yeosu và Pyengtaek ở Hàn Quốc vì vi phạm các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an. Các tàu này thường xuyên ra vào các cảng của Hàn Quốc, thậm chí đăng ký xuất xứ tại Hàn Quốc.

Tháng 12/2017, tàu chở dầu Koti bị bắt ở cảng Pyeongtaek-Dangjin vì tuồn dầu trái phép cho các tàu Triều Tiên thực chất là tàu mang cờ Panama. Trước đó tàu này đã đăng ký xuất xứ ở Malaysia cho tới nửa đầu năm 2017.

Sau khi bắt đầu mang cờ Panama từ tháng 6/2017, tàu Koti chuyển hành trình từ Indonesia và Singapore tới bán đảo Triều Tiên. Theo các báo cáo về tàu thuyền ở Thái Bình Dương, Koti thực chất thuộc quyền sở hữu của một công ty có trụ sở tại Đại Liên, Trung Quốc.

Kể từ khi đăng ký ở Panama, tàu Koti thường xuyên cập cảng Hàn Quốc. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái, tàu này đã neo đậu ở càng Yeosu 6 lần và 3 lần ở cảng Pyeongtaek-Dangjin, trong đó có 8 lần chở dầu.

Ngoài Koti, hàng loạt tàu vận tải khác của Trung Quốc cũng đã áp dụng “chiêu bài” tương tự để kết nối với Triều Tiên, trong đó có 6 tàu bị Mỹ bắt giữ vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Xuất phát điểm là tàu của công ty tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, Kai Xiang đã đăng ký xuất xứ ở Panama trước khi bị Mỹ yêu cầu cấm hoạt động từ tháng trước. Hiện tàu này hoạt động dưới danh nghĩa là tàu của Sierra Leone.

Trước đó, tình báo Mỹ cũng phát hiện tàu Yu Yuan của Trung Quốc mang than từ Triều Tiên xuất khẩu sang Nga hồi tháng 8/2016. Trước khi đăng ký xuất xứ ở Togo, Yu Yuan đã đăng ký ở Campuchia cho tới nửa đầu năm ngoái.

Liên quan tới vấn đề này, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thừa nhận rằng các tàu muốn giao dịch với Triều Tiên có thể sử dụng các cảng tại Hàn Quốc để lách lệnh trừng phạt. Phía Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của các tàu này.

Thành Đạt

Tổng hợp