Các sinh viên luật thách thức sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Các sinh viên khoa luật thuộc Đại học Yale (Mỹ) đã quyết định khởi kiện sắc lệnh hành pháp cấm công dân của 7 quốc gia đông dân Hồi giáo vào Mỹ do Tổng thống Donald Trump ban hành hôm 27/1 và bước đầu giành thắng lợi tạm thời.
Vào sáng sớm ngày 28/1, tại phòng họp của Trung tâm Tư vấn Quyền của Người lao động và nhập cư (WIRAC) của trường luật trực thuộc Đại học Yale, hơn 20 sinh viên và những người hướng dẫn đã ngồi chật kín trong phòng để chuẩn bị làm việc qua hai ngày cuối tuần. Trước mặt họ là những chiếc máy tính xách tay và điện thoại luôn trong trạng thái sẵn sàng để phục vụ cho công việc.
Trước đó một ngày, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi, trong đó tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 quốc gia có đông dân cư theo đạo Hồi gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày, với lý do đảm bảo sự an toàn cho nước Mỹ trước làn sóng khủng bố lan rộng. Ngoài ra, đối với người tị nạn đến từ Syria, lệnh cấm trên được áp dụng vô thời hạn.
Ngay sau khi sắc lệnh di trú được ban hành, hàng trăm người là công dân của 7 quốc gia Hồi giáo trong danh sách của Tổng thống Trump bị lực lượng an ninh giữ lại tại các sân bay trên khắp nước Mỹ khi vừa hạ cánh và phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất ngay cả khi có trong tay đầy đủ giấy tờ di trú. Trong số những người này có hai công dân Iraq là Hameed Khalid Darweesh và Haider Sameer Abdulkhaleq Alshawi.
Trước đó, hai người đàn ông này đều đã được chấp thuận để nhập cảnh vào Mỹ và họ lên máy bay với đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Cả hai đều từng trợ giúp cho quân đội cũng như chính phủ Mỹ và đều trải qua các quy trình thẩm định, rà soát hồ sơ kỹ lưỡng trước khi lên máy bay. Tuy nhiên, rốt cục họ vẫn bị tạm giữ tại sân bay John F. Kennedy ở New York theo sắc lệnh của Tổng thống Trump chỉ vì họ đến từ Iraq.
Theo đó, nhóm sinh viên của Đại học Yale, với sự giúp sức của các giáo sư hướng dẫn và các luật sư của Trung tâm Luật Di trú Quốc gia (NILC) và Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), đã quyết định hành động để chống lại sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump. Nhóm sinh viên đã khởi kiện sắc lệnh này với hy vọng có thể giúp những công dân nước ngoài bị tạm giữ có thể được nhập cảnh vào Mỹ, mà cụ thể trong trường hợp này là 2 công dân Iraq bị tạm giữ tại sân bay John F. Kennedy.
Để tòa án liên bang có thể tiếp nhận và điều trần vụ việc, nhóm sinh viên đã ngay lập tức bắt tay soạn thảo đơn kiện. Các sinh viên Đại học Yale đã làm việc suốt ngày 28/1 để soạn thảo đơn kiện dài 25 trang và hoàn tất trước 4 giờ chiều cùng ngày. Sau đó, họ đã nộp lên tòa án liên bang tại Brooklyn, New York và tòa đã quyết định mở phiên xét xử khẩn cấp vào lúc 7h30 tối.
Phiên xét xử khẩn cấp của tòa
Các luật sư của ACLU tại New York đã tới trụ sở tòa án liên bang tại Brooklyn, nơi đang có rất đông phóng viên và những người ủng hộ hành động của nhóm sinh viên tới dự. Tại Đại học Yale, các sinh viên cũng hồi hộp chờ đợi tin tức từ phòng xét xử, trong khi hàng trăm luật sư Mỹ đang đổ về các sân bay trên khắp cả nước để hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những người bị giam giữ cũng như hàng nghìn người đang tham gia vào các cuộc biểu tình bùng phát trên quy mô lớn tại chính các sân bay đó.
My Khanh Ngo, sinh viên năm thứ 3 của Đại học Yale, nói rằng trước khi toà ra quyết định, các sinh viên không biết phải kỳ vọng vào điều gì. Họ tiếp tục nghiên cứu và soạn thảo đơn kháng cáo để đề phòng trường hợp bị thua kiện.
Vào khoảng 9 giờ tối cùng ngày, tòa án liên bang đã yêu cầu chính phủ không được trục xuất bất kỳ “cá nhân nào đến từ Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen - những người được phép nhập cảnh vào Mỹ theo đúng quy định của luật”. Kết luận của tòa được xem là thắng lợi lớn không chỉ với các sinh viên của Đại học Yale, mà còn với những người hỗ trợ họ và cả thân chủ của họ - những công dân nước ngoài đang bị giam giữ tại các sân bay của Mỹ.
“Chúng tôi reo hò trong khoảng 5 phút, trước khi nhận ra rằng mọi chuyện mới chỉ bắt đầu”, My Khanh Ngo chia sẻ.
Sau khi tòa công bố quyết định, ngay tại trường Luật tại Đại học Yale, nhóm sinh viên đã thành lập “phòng chiến sự” để hỗ trợ cho những người đang có mặt tại các sân bay thông qua hàng loạt tin nhắn, cuộc gọi và thư điện tử. Bên cạnh đó, nhóm sinh viên cũng công bố mẫu đơn kiện mà họ đã soạn thảo trước đó để hỗ trợ các luật sư tình nguyện trên khắp nước Mỹ. Các luật sư sẽ sử dụng chính các mẫu đơn này để nộp đơn kiện cho hàng chục thân chủ của họ - những người đang gặp khó khăn trong quá trình nhập cảnh tại các sân bay.
Tuy nhiên, vụ kiện vẫn chưa đến hồi kết vì tòa vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Do vậy, nhóm sinh viên Đại học Yale hiện tiếp tục chuẩn bị hồ sơ cho phiên tòa xét xử mới, dự kiến diễn ra vào ngày 13/2 tới.
Thành Đạt
Theo Yale, Tạp chí Luật Khoa