1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các sắc lệnh hành pháp "đậm chất" Donald Trump sau một tháng cầm quyền

Trung Phạm

(Dân trí) - Tính tới ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hơn 60 sắc lệnh hành pháp, nhiều nhất so với 100 ngày đầu tiên của bất kỳ tổng thống nào trong hơn 40 năm qua.

Các sắc lệnh hành pháp đậm chất Donald Trump sau một tháng cầm quyền - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hơn 60 sắc lệnh hành pháp sau một tháng lên nắm quyền ở nhiệm kỳ 2 (Ảnh: Newsweek).

Sắc lệnh hành pháp: Thẩm quyền và tranh cãi chính trị

Về cơ bản, sắc lệnh hành pháp là chỉ thị được Tổng thống Mỹ ký và công bố để điều hành hoạt động của chính phủ liên bang mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.

Điều II trong Hiến pháp Mỹ quy định rõ thẩm quyền về việc ban hành những sắc lệnh dạng này: "Quyền hành pháp sẽ được trao cho tổng thống của nước Mỹ".

Mặc dù không phê chuẩn nhưng cơ quan lập pháp cũng không dễ bác bỏ các sắc lệnh hành pháp vì đây là công cụ quan trọng giúp Tổng thống Mỹ nhanh chóng triển khai chương trình nghị sự đã đề ra. Theo Trung tâm Diễn giải Hiến pháp, Quốc hội Mỹ có thể thông qua luật để vô hiệu hóa sắc lệnh hành pháp nhưng tổng thống vẫn có quyền phủ quyết văn bản pháp lý đó.

Trong số các công cụ thực thi quyền lực của Tổng thống Mỹ, sắc lệnh hành pháp giữ vai trò quan trọng nhất vì nó mang tính ràng buộc pháp lý và có thể có hiệu lực ngay lập tức sau khi ký.

Phạm vi điều chỉnh của các sắc lệnh hành pháp khá rộng, đó có thể là những chính sách bị đảo ngược hoàn toàn, chẳng hạn như việc ông Trump từng phê chuẩn việc xây dựng hai đường ống dẫn dầu gây tranh cãi vào năm 2017 hoặc là những hoạt động kinh doanh thông thường, như chỉ thị của Tổng thống Barack Obama về việc đóng cửa nửa ngày đối với các bộ phận của chính phủ vào đêm Giáng sinh năm 2015.

Các sắc lệnh hành pháp đậm chất Donald Trump sau một tháng cầm quyền - 2

Số lượng sắc lệnh hành pháp được các Tổng thống Mỹ gần đây ký ban hành (Ảnh: BBC).

Đôi khi, các sắc lệnh được ban hành trong thời chiến hoặc để ngăn chặn khủng hoảng ở trong nước. Tháng 2/1942, Tổng thống Franklin Roosevelt đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép thành lập các trung tâm giam giữ khoảng 120.000 người Mỹ gốc Nhật.

Năm 1952, Tổng thống Harry Truman đã ban hành một sắc lệnh đặt ngành công nghiệp thép dưới sự kiểm soát của chính phủ nhằm tránh xảy ra một cuộc đình công.

Trong ngày đầu tiên nhậm chức 20/1/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp để khởi động quá trình tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 bị người tiền nhiệm Donald Trump rút lui trước đó.

Các sắc lệnh hành pháp thường gây tranh cãi vì có độ nhạy cảm cao về mặt chính trị, lại không cần tới sự chấp thuận của Quốc hội và cho phép Tổng thống Mỹ tự hành động.

Đảng Cộng hòa từng kiện thành công Tổng thống Obama về một phần trong những thay đổi liên quan tới chính sách chăm sóc sức khỏe năm 2010 của ông. Khi đó, họ cho rằng ông Obama đã vượt quá thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp Mỹ khi đơn phương trì hoãn thời hạn chi trả bảo hiểm.

Tổng thống Trump cũng từng gây tranh cãi do ban hành lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia mà Hồi giáo chiếm đa số. Ông Biden đã chấm dứt sắc lệnh này khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ cũng có thể ban hành một sắc lệnh hành pháp khi các nghị sĩ của Quốc hội hành động quá chậm hoặc tổng thống cảm thấy cần phải làm rõ các chi tiết của một luật mới.

Mức độ thường xuyên trong việc ban hành sắc lệnh hành pháp thay đổi không giống nhau qua các đời Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Franklin Roosevelt đã ban hành nhiều nhất, tới 3.721 sắc lệnh trong 12 năm tại nhiệm. Bên cạnh đó, Tổng thống Woodrow Wilson và Calvin Coolidge lần lượt cũng đã ký 1.803 và 1.203 sắc lệnh.

Gần đây nhất, Tổng thống Joe Biden đã ban hành 160 sắc lệnh hành pháp. Trước đó, Tổng thống Barack Obama và George W. Bush, cả hai đều phục vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp, đã ban hành lần lượt là 277 và 291 sắc lệnh. 

Các sắc lệnh mang "đậm chất" Donald Trump

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã ký 220 sắc lệnh hành pháp.

Tuy nhiên, khi lên nắm quyền nhiệm kỳ 2, tính tới ngày 19/2, Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đã ký tới hơn 60 sắc lệnh hành pháp, nhiều nhất trong 100 ngày đầu tiên của bất kỳ một tổng thống nào trong hơn 40 năm qua.

Những sắc lệnh hành pháp này đã định hình lại cơ bản hoạt động của chính phủ, vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân trong nước.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Harrison Fields cho biết: "Tổng thống Trump đã hành động quyết liệt để thực hiện những cam kết mà ông được người dân Mỹ ủy nhiệm. Trong mọi quyết định, Tổng thống Trump đều đặt các lợi ích của người dân Mỹ lên hàng đầu và ông cũng chỉ mới bắt đầu".

Dưới đây là những sắc lệnh hành pháp nổi bật bao trùm lên nhiều vấn đề đối ngoại, đối nội, kinh tế, thương mại, công nghệ và an ninh của nước Mỹ mà Tổng thống Trump đã ký kể từ khi trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ 2.

Các sắc lệnh hành pháp đậm chất Donald Trump sau một tháng cầm quyền - 3

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký nhiều sắc lệnh hành pháp trong 10 ngày đầu tiên hơn bất kỳ tổng thống nào gần đây ký trong 100 ngày đầu tiên (Ảnh: NBC).

Áp thuế với hàng nhập khẩu từ Mexico, Trung Quốc và Canada

Ngày 1/2, Tổng thống Trump đã ký ban hành 3 sắc lệnh hành pháp áp đặt thuế quan đối với Mexico, Trung Quốc và Canada, có hiệu lực từ ngày 4/2.

Theo đó, ông Trump áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico và mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nguồn năng lượng từ Canada sẽ có mức thuế thấp hơn là 10%.

Nội dung sắc lệnh đối với Mexico nêu rõ, những kẻ buôn bán ma túy và chính phủ nước này "có một mối liên minh không thể chấp nhận được", gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ.

Trong khi đó, sắc lệnh áp đặt thuế quan với Bắc Kinh cáo buộc chính phủ Trung Quốc cho phép "các tổ chức tội phạm rửa tiền thu được từ việc sản xuất, vận chuyển và bán thuốc gây nghiện tổng hợp bất hợp pháp". 

Còn sắc lệnh với Canada cũng chỉ rõ những băng đảng Mexico đang hoạt động tại nước này khiến lượng fentanyl nhập khẩu có thể giết chết "9,5 triệu người Mỹ".

Phản ứng trước động thái của Mỹ, cả ba quốc gia đều tuyên bố sẽ có hành động trả đũa. Ngày 3/2, ông Trump đồng ý hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada trong vòng một tháng sau khi hai nước cam kết tăng cường kiểm soát biên giới. 

Về phần mình, Bắc Kinh đã tuyên bố áp thuế quan trả đũa đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google vào ngày 4/2 sau khi thuế quan của ông Trump nhằm vào Trung Quốc có hiệu lực.

Áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu

Ngày 11/2, ông Trump chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, qua đó khôi phục lại các mức thuế toàn cầu và cũng không có ngoại lệ đối với các đồng minh như Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc, những đối tác từng được chính quyền tiền nhiệm của ông Joe Biden nới lỏng. Mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/3.

Phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông Trump tuyên bố: "Hôm nay, tôi đã đơn giản hóa khoản thuế của chúng ta đối với thép và nhôm. Mức thuế là 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ".

Rút khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu:

Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cho phép Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu được gần 200 quốc gia cam kết hợp tác để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C. 

Năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận Paris nhưng đến khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã tái gia nhập vào năm 2021.

Việc rút khỏi thỏa thuận Paris là một phần trong những nỗ lực rộng lớn hơn của ông Trump nhằm đảo ngược các biện pháp bảo hộ và chính sách về khí hậu. 

Ông Trump gọi những nỗ lực của người tiền nhiệm Joe Biden trong việc phát triển năng lượng sạch là "trò lừa đảo xanh mới".

Rút Mỹ ra khỏi một số chương trình của Liên hợp quốc (LHQ):

Ông Trump đã chỉ đạo cho Mỹ rút ra khỏi và chấm dứt tài trợ cho Hội đồng Nhân quyền LHQ, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ, đồng thời cũng bắt đầu xem xét lại sự tham gia của Mỹ vào Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cùng nhiều tổ chức quốc tế khác.

Rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):

Khi ký sắc lệnh này, ông Trump phát biểu: "WHO đã lừa chúng ta, mọi người đều lừa nước Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra nữa. Ông Trump cáo buộc WHO đã xử lý sai đại dịch Covid-19 cũng như các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác".

Theo sắc lệnh, Mỹ sẽ rời khỏi WHO sau 12 tháng và ngừng mọi đóng góp tài chính cho công việc của tổ chức này. Mỹ đến nay vẫn là nước tài trợ lớn nhất cho cơ quan y tế này của LHQ.

Các biện pháp trừng phạt ICC

Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cho phép trừng phạt kinh tế đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với cáo buộc cơ quan này "nhắm mục tiêu không đúng cách" vào Mỹ và các nước đồng minh, chẳng hạn như Israel.

Ông Trump chỉ trích và cho rằng ICC "lạm dụng quyền lực" khi ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant dựa trên cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

"Hành vi ác ý này đe dọa xâm phạm chủ quyền của Mỹ và làm suy yếu công tác an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại quan trọng của chính phủ Mỹ cũng như các đồng minh của chúng tôi, trong đó có Israel", ông Trump phát biểu.

Sắc lệnh này trao cho ông Trump quyền hạn rộng rãi để áp đặt lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với nhân viên ICC cùng các thành viên gia đình nếu Washington xác định họ có liên quan đến các nỗ lực điều tra hoặc truy tố công dân Mỹ và một số đồng minh nhất định.

Các sắc lệnh hành pháp đậm chất Donald Trump sau một tháng cầm quyền - 4

Chỉ tính đến ngày 9/2, ngoài các tuyên bố và văn bản ghi nhớ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký 58 sắc lệnh hành pháp (Ảnh: Axios).

Thành lập Ban Hiệu suất chính phủ

Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp thành lập Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo. 

Theo đó, ông Trump yêu cầu các cơ quan liên bang phải làm việc với DOGE để thực hiện các đợt cắt giảm lực lượng lao động trên quy mô lớn.

Mục đích của sắc lệnh này là khôi phục trách nhiệm giải trình trước công chúng Mỹ và bắt đầu một chiến dịch chuyển đổi quan trọng đối với bộ máy hành chính liên bang.

Phát biểu về vai trò của DOGE, tỷ phú Musk cho biết sẽ cố gắng cắt giảm 2.000 tỷ USD từ chi tiêu liên bang và đã tuyển dụng một số kỹ sư trẻ để hỗ trợ nỗ lực này.

Xóa bỏ rào cản đối với sự phát triển của AI

Tổng thống Trump đã ra quyết định thu hồi nhiều quy tắc và sắc lệnh của chính quyền ông Joe Biden về trí tuệ nhân tạo (AI) mà ông cho là rào cản đối với sự phát triển của AI. 

Các quy tắc này thường được các công ty lớn chấp nhận nhưng bị một số công ty công nghệ nhỏ hơn chỉ trích vì cản trở sự đổi mới sáng tạo. 

Đổi tên Vịnh Mexico

Tổng thống Trump đã ra lệnh đổi tên hai địa danh: Vịnh Mexico và Núi Denali ở Alaska. Theo đó, Vịnh Mexico được đổi thành "Vịnh Mỹ" còn Núi Denali thành "Núi McKinley". Quyết định này không ảnh hưởng đến tên gọi được sử dụng trên phạm vi quốc tế.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp biên giới quốc gia

Sắc lệnh được ông Trump ký tại Nhà Trắng tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới phía Nam nước Mỹ cùng với một số chính sách liên quan đến hoạt động nhập cư khác.

"Mọi hành vi nhập cảnh bất hợp pháp sẽ ngay lập tức phải dừng lại và chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình đưa hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp trở về nơi họ đến", ông Trump đã nói như vậy trong bài phát biểu nhậm chức của mình.

Sắc lệnh hành pháp này sẽ mở đường cho việc đưa quân đội Mỹ đến biên giới phía Nam và thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là sẽ triển khai các chính sách nhập cư cứng rắn. 

Tái định hình quân đội Mỹ

Ông Trump đã ký 3 sắc lệnh hành pháp vào ngày 27/1 để định hình lại quân đội, gồm xóa bỏ các nỗ lực về đa dạng, công bằng và hòa nhập, loại bỏ "chủ nghĩa cực đoan về giới" và khôi phục vị trí cho những binh lính đã bị loại vì từ chối tiêm vắc-xin Covid-19.

"Để giúp có được lực lượng chiến đấu mạnh nhất thế giới, chúng ta sẽ xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng chuyển giới khỏi quân đội. Nó sẽ biến mất", ông Trump tuyên bố. 

Sắc lệnh này của Trump vẫn chưa cấm những người lính chuyển giới tham gia quân đội nhưng yêu cầu Lầu Năm Góc xây dựng chính sách dành cho những người chuyển giới trong quân đội.

Thiết lập hệ thống phòng thủ "Vòm sắt" kiểu Mỹ

Ngày 27/1, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp bắt đầu quá trình xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa "thế hệ tiếp theo" mà chính quyền ông gọi là "Vòm sắt của Mỹ".

"Mỹ sẽ bảo vệ chung cho cả công dân và đất nước bằng cách triển khai và duy trì lá chắn phòng thủ tên lửa thế hệ tiếp theo", sắc lệnh nêu rõ.

Việc thiết lập một mạng lưới phòng thủ tầm ngắn tương tự như hệ thống Iron Dome của Israel sẽ phải mất nhiều năm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth được yêu cầu phải đưa ra kế hoạch trong vòng 60 ngày.

Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0