Các nước xử phạt người khai man và trốn cách ly Covid-19 thế nào?
(Dân trí) - Một số nước trên thế giới áp dụng hình thức phạt tiền hoặc phạt tù với người cố tình khai báo không đúng sự thật hoặc vi phạm quy định về cách ly liên quan tới dịch Covid-19.
Theo hãng tin Reuters, Ả rập Xê út ngày 9/3 tuyên bố sẽ áp dụng hình phạt 500.000 riyal (133.000 USD) với đối tượng không khai báo y tế và lịch trình di chuyển ở các điểm nhập cảnh trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 gây ra bởi virus corona mới (SARS-CoV-2).
Động thái của Ả rập Xê út được thực hiện sau khi phát hiện ra một số trường hợp nhiễm virus corona nhưng không khai báo thông tin rằng họ từng đi tới Iran khi trở về nước thông qua quốc gia khác ở Vùng Vịnh.
Trong khi đó, chính phủ và cơ quan y tế Singapore hồi tuần trước phát đi cảnh báo rằng bệnh nhân nhiễm virus corona sẽ bị phạt hàng nghìn USD, thậm chí ngồi tù, nếu họ khai báo không trung thực về lịch sử di chuyển.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Singapore cáo buộc một cặp đôi người Trung Quốc vi phạm luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á. Cặp đôi Trung Quốc bị cho là đã cung cấp thông tin sai sự thật về hành trình của họ dẫn đến gây hiểu nhầm cho các thanh tra y tế. Hiện chưa rõ hình phạt mà cặp đôi trên sẽ phải nhận.
Theo Nikkei, quốc hội Hàn Quốc cuối tháng trước thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có điều khoản phạt tối đa 1 năm tù hoặc 10 triệu won (8.200 USD) với những người cố tình vi phạm quy định về cách ly.
Các quan chức y tế khuyến cáo những người đã tiếp xúc ở khoảng cách dưới 2 mét với bệnh nhân Covid-19 đã có triệu chứng nên ở nhà trong 2 tuần. Chính quyền sẽ có hỗ trợ tài chính với những người tuân thủ quy định, ví dụ như một gia đình 4 người sẽ nhận được 1.000 USD, theo Nikkei.
Tại Nga, chính quyền thành phố Moscow tuần trước cảnh báo những người vi phạm quy định tự cách ly tại nhà sau 2 tuần trở về từ vùng dịch Covid-19, có thể sẽ phải ngồi tù tới 5 năm.
Theo USA Today, luật pháp Mỹ cũng có quy định về việc bỏ tù những người vi phạm quy định về tự cách ly trong thời điểm bệnh dịch bùng phát. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết luật pháp về việc vi phạm cách ly là khác biệt ở từng bang. Tại hầu hết các bang, vi phạm lệnh cách ly của chính quyền được xem là phạm tội hình sự.
Ví dụ, tại bang Michigan, việc vi phạm luật sức khỏe công cộng của bang có thể khiến một cá nhân bị phạt 200 USD hoặc tối đa 6 tháng tù giam hoặc chịu cả 2 hình phạt, theo USA Today.
Theo ABC, hầu hết các trường hợp bị cách ly tại Australia hiện tại là theo tinh thần tự nguyện và đồng thuận vì người dân nước này hiểu được rằng việc tuân thủ theo các khuyến nghị y tế là điều quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, khi cách ly trở thành yêu cầu chính thức từ chính quyền, một người không tuân thủ có thể bị phạt hàng nghìn USD và thậm chí ngồi tù. Luật pháp ở từng bang có quy định khác nhau về việc xử phạt. Ví dụ, tại Tasmania, mức phạt tối đa là 8.400 USD cho mỗi trường hợp vi phạm. Ở New South Wales, một người có thể bị phạt 11.000 USD hoặc 6 tháng ngồi tù.
Tại South Australia, hình phạt tối đa cho hành vi trốn cách ly là 25.000 USD trong khi Western Australia quy định khoản tiền phạt là 50.000 USD hoặc ngồi tù tối đa 12 tháng.
Theo AFP, 48 người ở Sicily, Italy đang phải đối mặt với hình phạt tối đa 234 USD và 3 tháng tù giam mỗi người vì vi phạm quy định phong tỏa toàn quốc của quốc gia châu Âu. Bất chấp lệnh của chính phủ, những người này đã tổ chức và tham gia một tang lễ vào hôm 10/3 và tổ chức đưa ma trên đường phố Porto Empedocle.
Đức Hoàng
Tổng hợp