1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các nước tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc thời hậu Covid-19

(Dân trí) - Những tác động từ đại dịch Covid-19 buộc các nước đang phát triển phải tìm hướng đi mới cho nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các nước tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc thời hậu Covid-19 - 1

Một người bán sầu riêng ở Bangkok, Thái Lan. Hoa quả của Thái Lan, trong đó có sầu riêng, được khách hàng Trung Quốc ưa thích nhưng dịch Covid-19 đã làm gián đoạn xuất khẩu. (Ảnh: AFP)

Gần 60 năm qua, chiến lược phát triển lấy xuất khẩu làm trọng tâm đã thúc đẩy đáng kể tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bốn “con hổ” châu Á gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore đã nhanh chóng đẩy mạnh công nghiệp hóa bằng việc xuất khẩu hàng hóa mà họ có thế mạnh. Việt Nam, Malaysia, Indonesia và một số nền kinh tế khác cũng thực hiện chiến lược tương tự.

Mô hình phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm đã mang lại những hiệu quả khác nhau tùy vào từng nền kinh tế. Nhiều nền kinh tế mới nổi như Turkmenistan, Angola, Thái Lan, Iran tiếp tục phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay khi đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc không thể thu mua hàng hóa từ các nước đang phát triển nhiều như trước kia, các nước này buộc phải thay đổi chiến lược để hạn chế tác động. Họ chuyển sang một chiến lược phát triển ổn định và bền vững hơn, ít nhất là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến các nền kinh tế xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã kìm chân những "con hổ" châu Á, khiến họ phải phá giá nội tệ, khiến hàng hóa của họ trở nên rẻ hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cũng khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm đáng kể, tác động lớn đến các nền kinh tế như Trung Quốc khi xuất khẩu suy giảm mạnh sau một thời gian bùng nổ.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 càng khiến ngành xuất khẩu của Trung Quốc lao đao hơn nữa. Kim ngạch xuất khẩu riêng tháng 2 của Trung Quốc giảm 50 tỷ USD. Điều này là do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường như Mỹ, châu Âu giảm mạnh. Giới chuyên gia nhận định, kim ngạch xuất khẩu quý II của Trung Quốc có thể giảm tiếp 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc chuẩn bị sẵn tinh thần cho kịch bản các đơn hàng nước ngoài bị hủy.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm 6,8% trong quý I, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên trong gần 30 năm.

Tình hình này không chỉ khiến người Trung Quốc phải thắt chặt hầu bao mà còn khiến các nước vốn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc lao đao.

Trung Quốc mua hơn 80% lượng hàng xuất khẩu của Turkmenistan, hơn 75% của Mông Cổ, hơn 60% của Angola và khoảng 40% của Myanmar, hơn 30% của Iran. Tuy nhiên, giờ đây, kim ngạch xuất khẩu của các nước này sang Trung Quốc đồng loạt giảm. Giá trị giao thương qua biên giới của Myanmar với Trung Quốc giảm 16 triệu USD mỗi ngày do đại dịch Covid-19. Bộ trưởng thương mại Myanmar Khin Maung Lwin cho biết, nước này đang tìm cách tăng cường hoạt động giao thương với Singapore và Lào để bù đắp.

Đây có thể coi là một tín hiệu cho thấy một xu hướng mới của các nước đang phát triển. Suy giảm kinh tế kéo dài có thể khiến các nước vốn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, do đó làm suy yếu tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc đổ tiền vào các dự án ở châu Á và châu Phi theo Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” với hy vọng tạo tầm ảnh hưởng kinh tế để đối trọng với Mỹ. Tuy nhiên, những tổn thất kinh tế do Covid-19 gây ra có thể coi là một đòn giáng mạnh vào tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

Minh Phương
Theo SCMP