1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các nước tăng cường sức mạnh cảnh sát biển đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

(Dân trí) - Nhiều quốc gia quanh khu vực Biển Đông gần đây đã đầu tư phát triển sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với những động thái ngày càng cứng rắn của Trung Quốc tại vùng biển này.

Các nước tăng cường sức mạnh cảnh sát biển đối phó Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu BRP Malabrigo của Lực lượng Cảnh sát biển Philippines. (Ảnh: Wikipedia)

Hải quân các nước Đông Nam Á đang tăng cường sức mạnh quân sự trên nhiều mặt để đối phó với các vụ việc căng thẳng trên Biển Đông và bảo quyền chủ quyền lãnh hải trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các động thái bành trướng tại vùng biển này.

Nhiều nước trong khu vực đã mua sắm các tàu mới với quy mô lớn hơn. Trước đây, lực lượng hải quân của các nước phần lớn chỉ sử dụng các tàu tuần tra và tàu tấn công nhanh để triển khai cho các chiến dịch ven biển. Còn bây giờ, các lực lượng hải quân đều trang bị các tàu chiến có tầm hoạt động xa hơn, kích cỡ lớn hơn, thông thường là các tàu hộ vệ hoặc tuần dương.

Nhiều lực lượng hải quân trong khu vực cũng trang bị các tàu mới cho các hoạt động tác chiến xa bờ. Singapore đã tự thiết kế và đóng mới 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, đồng thời đóng thêm một tàu cũng thuộc lớp này cho hải quân Thái Lan. Indonesia và Philippines cũng đều mua các tàu đổ bộ lớp Makassar do Hàn Quốc thiết kế, trong khi Thái Lan đang vận hành tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á.

Ngoài các tàu nổi, nhiều nước trong khu vực cũng trang bị các tàu ngầm cho lực lượng hải quân. Nếu như cách đây 15-20 năm, một số nước chưa từng sở hữu bất kỳ tàu ngầm nào thì nay, họ đã vận hành hoặc đặt mua số lượng tàu ngầm đáng kể.

Mặc dù xu hướng tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân các nước tại và xung quanh khu vực Biển Đông gây chú ý trong những năm gần đây, song lực lượng cảnh sát biển cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng không kém và được các nước đẩy mạnh phát triển. Lực lượng "tàu trắng" này ngày càng được các nước triển khai nhiều trong hoạt động thực thi quyền hàng hải, đặc biệt tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Các cuộc tuần tra của các lực lượng cảnh sát biển được tiến hành thường xuyên hơn và trong một số trường hợp trở nên cứng rắn hơn.

Các lực lượng cảnh sát biển ngày càng thể hiện rõ vai trò như lực lượng "ủy nhiệm" của lực lượng hải quân các nước trong việc thực thi tuyên bố chủ quyền trên biển, đặc biệt tại Biển Đông. Lực lượng cảnh sát biển cũng được sử dụng để phục vụ cho các tính toán an ninh của các nước trong khu vực.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc từng va chạm với các tàu đánh cá của Việt Nam và Philippines, thậm chí tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của Philippines tiến hành hoạt động tiếp tế trên Biển Đông.

Hạm đội "tàu trắng"

Các nước tăng cường sức mạnh cảnh sát biển đối phó Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 2.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngăn cản hoạt động của một tàu Philippines trên Biển Đông năm 2014. (Ảnh: AFP)

Theo Asia Times, Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng cảnh sát biển hùng hậu nhất trên Biển Đông. Mãi cho tới gần đây, Trung Quốc vẫn vận hành 5 lực lượng hàng hải dân sự chính là Giám sát Hàng hải Trung Quốc (CMS), Tuần tra Biên giới, Tư lệnh Chấp pháp Ngư nghiệp, Hải quan và Cục An toàn Hàng hải (MSA). Nhiều lực lượng hoạt động chồng chéo nhau và cạnh tranh nhau cả về sứ mệnh triển khai cũng như nguồn kinh phí.

Tới năm 2013, 4 trong số 5 lực lượng trên được hợp nhất thành Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG). CCG hiện vận hành hơn 100 tàu tuần tra, trong đó có các tàu tuần tra Type-218 dài 41m, mỗi tàu được trang bị hai súng máy 14,5mm. Năm 2007, hải quân Trung Quốc đã chuyển 2 tàu hộ vệ Type 053H 1.700 tấn cho CCG và đây cũng là những tàu lớn nhất của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc vào thời điểm đó.

Năm 2016, Trung Quốc đóng tiếp hai tàu "quái thú" 12.000 tấn cho CCG, sau đó triển khai một tàu tại biển Hoa Đông và một tàu ở Biển Đông. Đây cũng là những tàu cảnh sát biển lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.

Một số nước trong khu vực, trong đó có Malaysia và Philippines, cũng trang bị thêm các tàu mới và uy lực hơn cho lực lượng cảnh sát biển. Philippines gần đây đã tiếp nhận 10 tàu tuần tra dài 44m từ Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, lực lượng cảnh sát biển thường được triển khai để bảo đảm quyền của các nước trong vùng đặc quyền kinh tế, đặc biệt là quyền đánh bắt cá. Trong bối cảnh các tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông có xu hướng gia tăng căng thẳng trong những năm vừa qua, lực lượng cảnh sát biển ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với các quốc gia ven biển.

Sau khi thành lập lực lượng cảnh sát biển thống nhất, Trung Quốc được cho là sẽ có xu hướng sử dụng các tàu thuộc lực lượng này để đẩy mạnh yêu sách trên Biển Đông. Ngoài ra, các chương trình xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông có thể cho phép Bắc Kinh triển khai thêm các tàu của lực lượng cảnh sát biển tới vùng biển này.

Một trong những lợi thế của việc triển khai lực lượng cảnh sát biển trong các hoạt động bảo vệ chủ quyền là lực lượng này được trang bị vũ khí hạng nhẹ, thông thường chỉ có pháo cỡ nhỏ hoặc súng máy. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột thảm họa trên Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu các vụ xung đột xảy ra nhiều hơn hoặc mức độ nguy hiểm gia tăng, chúng có thể leo thang thành các vụ việc căng thẳng có sự tham gia của cả lực lượng hải quân. Những động thái có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột như sử dụng tàu cảnh sát biển để đánh chìm tàu thương mại, gây ra thương vong lớn, hay triển khai tàu cảnh sát biển để vận chuyển lực lượng từ các căn cứ trên Biển Đông, hoặc ngăn chặn khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp, từ đó vấp phải hành động phản kháng có vũ trang.

Thành Đạt

Theo Asia Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm