1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Truyền thông Trung Quốc tung tin triển khai tên lửa diệt hạm sau khi Mỹ tuần tra Biển Đông

(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, quân đội nước này đã triển khai các tên lửa chống hạm tầm trung DF-26 ở khu vực cao nguyên và sa mạc và có tầm bắn có thể bao trùm Biển Đông. Thông tin được đưa ra ngay sau khi tàu hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế chiến lược này.

Truyền thông Trung Quốc tung tin triển khai tên lửa diệt hạm sau khi Mỹ tuần tra Biển Đông - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa DF-26 của Trung Quốc (Ảnh: CSIS)

Thời báo Hoàn Cầu dẫn nhận định của một chuyên gia quân sự giấu tên nói rằng: "Ngay cả khi triển khai ở sâu trong đất liền Trung Quốc, tầm bắn của DF-26 vẫn đủ bao trùm Biển Đông".

Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ hôm 7/1 đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải gần Hoàng Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông được cho là một trong các động thái nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý và hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hệ thống tên lửa DF-26 ban đầu được đưa vào biên chế của Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 4 năm ngoái. Tên lửa này đã xuất hiện trong một lễ diễu binh năm 2015 ở Bắc Kinh.

Theo báo cáo của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS - Mỹ), Trung Quốc có thể mới chỉ đang phát triển tên lửa DF-26 phiên bản chống hạm và mới đưa vào thử nghiệm năm 2017.

Mặc dù truyền thông Trung Quốc ca ngợi tên lửa này là "sát thủ diệt hạm" có thể tấn công mục tiêu ở cách xa hơn 5.00km, song chuyên gia quân sự Carl Schuster, cựu giám đốc tại Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tỏ ra hoài nghi về năng lực chống hạm của tên lửa này.

"Hãy nhớ, Liên Xô chưa bao giờ phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm, và chưa nước nào ở phương Tây làm được điều này", ông Schuster nói. Theo chuyên gia này, việc tung tin triển khai DF-26 có thể chỉ là "chiêu" qua mặt dư luận của Bắc Kinh.

Giới chuyên gia cho rằng, bất chấp những đe dọa này của Trung Quốc, Mỹ dường như sẽ không ngừng thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Chính quyền Tổng thống Trump sẽ không lùi bước trước sức ép của Trung Quốc", Malcolm Davis, một chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách chiến lược ở Canberra, nhận định.

Minh Phương

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm