Các nước Đông Nam Á tăng cường mua sắm tàu ngầm
(Dân trí) - Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh việc đặt đơn hàng tàu ngầm, xem đây là việc cần thiết cho an ninh quốc gia, trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới đang thay đổi.
Trong khu vực, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Myanmar đã có tàu ngầm, trong khi Thái Lan và Philippines đang trong quá trình mua.
Đầu tháng này, Singapore đã bắt tay vào giai đoạn phát triển tiếp theo với các tàu ngầm lớp Invincible mới được sản xuất tại Đức.
Tại buổi ra mắt tàu ngầm này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng, với vị thế là một quốc gia biển, lực lượng hải quân của Singapore có sứ mệnh quan trọng là đảm bảo sự sống còn và duy trì các tuyến liên lạc trên biển.
Theo giảng viên Aristyo Darmawan tại Đại học Indonesia, việc các nước Đông Nam Á mua tàu ngầm ngày càng tăng là do sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ có khoảng 66 tàu ngầm, trong đó có hơn 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân.
Trung Quốc được cho là sở hữu 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2021.
"Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến Biển Đông ngày càng bị quân sự hóa phi pháp như thế nào", chuyên gia Darmawan nói.
Chuyên gia này cho rằng, việc các nước Đông Nam Á cố gắng mua tàu ngầm là "hợp lý và cần thiết" vì khu vực này nằm trên các tuyến hàng hải chiến lược với lưu lượng giao thông đông đúc.
Cũng theo ông, việc các quốc gia theo kịp đà phát triển quốc phòng trong khu vực cũng có ý nghĩa, bao gồm sự hiện diện của các phương tiện dưới nước không người lái (UUV) thường được tìm thấy trong lãnh hải và chủ yếu là của Trung Quốc và Mỹ.
Còn được gọi là máy bay không người lái dưới nước, UUV có thể hoạt động mà không cần người ngồi bên trong và có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ bao gồm thăm dò khoa học và thu thập thông tin tình báo.
Đối với trường hợp của Indonesia, chuyên gia Darmawan cho biết việc mua tàu ngầm luôn là mối quan tâm đặc biệt sau vụ chìm tàu ngầm KRI Nanggala-402 ngoài khơi bờ biển Bali vào tháng 4/2021, một vụ việc đặt ra câu hỏi về năng lực quân sự của đất nước và tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Vào tháng 2, Indonesia đã ký một thỏa thuận với Pháp để hợp tác đóng 2 tàu ngầm Scorpene. Các phương tiện dưới nước được cho là rất giỏi trong kỹ năng thoát khỏi tầm quan sát, cực kỳ nhanh và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống tàu mặt nước và tấn công tầm xa.
Kể từ năm 2021, Hải quân Philippines đã tìm mua chiếc tàu ngầm đầu tiên. Pháp được cho là đã đề nghị đóng 2 trong số các tàu ngầm hiệu suất cao của nước này.
Năm 2017, Thái Lan đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để mua 3 tàu ngầm lớp Yuan, nhưng nhà phát triển tàu ngầm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc không thể có được động cơ diesel cần thiết từ Đức do lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) đối với Bắc Kinh.
Trong khi có nhiều thông tin cho rằng, Hải quân Thái Lan đang thảo luận với các nhà sản xuất Trung Quốc về việc thay thế động cơ, cũng có ý kiến cho rằng hợp đồng cuối cùng có thể đã bị hủy bỏ.
Vì vậy, Hải quân Thái Lan gần đây đã trì hoãn đề xuất chi ngân sách cho 2 tàu ngầm tiếp theo với lý do "tình hình kinh tế Thái Lan".
Trong khi một số nhà phân tích cho rằng động thái mua sắm tàu ngầm của các nước là "hợp lý và cần thiết", cũng có một số ý kiến đặt câu hỏi về tính hữu dụng của các tàu này do chi phí đắt đỏ và những bất lợi khi di chuyển qua các vùng biển trong khu vực.