Bế tắc thương vụ mua tàu ngầm Trung Quốc của Thái Lan
(Dân trí) - Thương vụ mua tàu ngầm Trung Quốc của Thái Lan đang đứng trước khó khăn không thể giao hàng đúng hẹn và đúng hàng do không thể mua động cơ của Đức.
Thỏa thuận trị giá 13,5 tỷ baht (392 triệu USD) để Thái Lan mua một chiếc tàu ngầm do Trung Quốc đóng từng được ca ngợi như một trong những trọng tâm trong kế hoạch xuất khẩu quốc phòng của Bắc Kinh khi được ký kết vào năm 2017.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ chậm chễ do nhà sản xuất không thể có được động cơ diesel do Đức sản xuất như quy định trong hợp đồng.
Chiếc đầu tiên trong số 3 chiếc tàu ngầm diesel-điện S26T với động cơ MTU do Đức sản xuất mà Thái Lan đặt hàng từ Trung Quốc dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2024.
Nhưng do khó khăn liên quan đến việc cung cấp động cơ, ngày giao hàng có thể bị hoãn lại. Đức đang hạn chế xuất khẩu công nghệ quốc phòng sang Trung Quốc, với lý do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào Bắc Kinh từ năm 1989.
Trước đây, một số mặt hàng xuất khẩu từ các quốc gia châu Âu đến Trung Quốc vẫn được phép xuất đi, nhưng có vẻ như các quy tắc đang được thực thi nghiêm ngặt hơn vào khoảng thời gian này.
Một quan chức Đức tại Đại sứ quán ở Thái Lan hồi tháng 2 cho biết, Bắc Kinh đã không phối hợp với Berlin trước khi ký hợp đồng với Bangkok vào năm 2017.
Trên thực tế, theo SCMP, vấn đề đặt ra là liệu Trung Quốc có thể giao tàu ngầm cũ tân trang lại cho Thái Lan như một hình thức bồi thường hay không khi không mua được động cơ Đức để đóng các tàu ngầm mới theo hợp đồng đã ký năm 2017. Kịch bản này trở thành vấn đề gây tranh cãi gay gắt ở Thái Lan.
Các chính trị gia đối lập ở Thái Lan đã kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm, tuyên bố nhằm đảm bảo các lợi ích của quốc gia.
Thủ tướng Thái Lan đang nỗ lực bảo vệ thỏa thuận này giữa lúc đang đối mặt sức ép từ mọi phía và cả nền kinh tế trì trệ sau đại dịch Covid-19. Đây là vấn đề bị dư luận chỉ trích, với nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần chi tiêu quốc phòng với con số khủng như vậy sau nỗi đau kinh tế do đại dịch gây ra hay không.
Nhưng các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận này khó có thể bị hủy bỏ. Lý do có thể xuất phát từ việc chính quyền Thái Lan đang ưu tiên củng cố và duy trì mối quan hệ với Trung Quốc, cũng như tăng cường năng lực quốc phòng. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng khiến hai bên xem xét kỹ lưỡng lại mối quan hệ ngoại giao và an ninh với nhiều câu hỏi đặt ra.
Vào năm 2020, 3 năm sau khi thỏa thuận đầu tiên với tập đoàn Nhà nước Trung Quốc China Shipbuilding & Offshore International được ký kết, Hải quân Thái Lan cho biết, các tàu ngầm sẽ giúp bảo vệ lợi ích hàng hải ước tính khoảng 24 nghìn tỷ baht (697 tỷ USD) của Thái Lan và tăng cường chiến lược đòn bẩy.
Các tàu ngầm được bán giá ưu đãi, với chính sách "mua 3 chiếc tính tiền 2", kèm theo chương trình bảo hành kéo dài; hệ thống thông tin liên lạc và chiến đấu như ngư lôi và tên lửa dẫn đường được cài đặt sẵn; và các chương trình đào tạo cho nhân sự Thái Lan.
Mức giá 36 tỷ baht (1,05 tỷ USD) cho 3 chiếc, dự kiến sẽ được trả dần cho đến năm 2027, nhưng Hải quân Thái Lan năm ngoái đã rút lại yêu cầu Quốc hội về ngân sách chi trả cho hai chiếc tàu ngầm còn lại, trị giá tổng cộng 22,5 tỷ baht, viện dẫn do khó khăn vì đại dịch và nền kinh tế bị tác động mạnh.
Thái Lan cũng từng xem xét các đề nghị của Đức, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển và Pháp trong kế hoạch mua 2 tàu ngầm, nhưng nhận thấy lời đề nghị bán 3 chiếc của Trung Quốc với giá của 2 chiếc hấp dẫn hơn, theo một chuyên gia của Học viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore.