1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nơi trên thế giới dùng chiến lược nào để đối phó Covid-19?

Minh Phương

(Dân trí) - Các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang áp dụng những chiến lược khác nhau để đối phó với đại dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp do biến chủng Delta.

Các nơi trên thế giới dùng chiến lược nào để đối phó Covid-19? - 1

Các phụ nữ đeo khẩu trang bước đi trên đường phố Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Reuters).

Australia

Australia đã theo đuổi chiến lược "Không Covid-19", cấm hoàn toàn du khách nước ngoài, các bang ban hành lệnh phong tỏa bất cứ khi nào xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Scott Morrison phát tín hiệu rằng, khi 70% dân số được tiêm chủng, nước này sẽ dỡ bỏ các lệnh hạn chế, phong tỏa để không ảnh hưởng đến nền kinh tế.

New Zealand

Chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern cũng theo đuổi chiến lược "không khoan nhượng với Covid-19". Theo đó, New Zealand cấm gần như toàn bộ hoạt động đi lại quốc tế, áp lệnh phong tỏa khi xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong bối cảnh tốc độ chương trình tiêm chủng còn hạn chế, rất ít dấu hiệu cho thấy New Zealand sẽ sớm nới lỏng kiểm soát biên giới.

Trung Quốc

Các nơi trên thế giới dùng chiến lược nào để đối phó Covid-19? - 2

Trung Quốc kiên định với chiến lược "Không Covid-19" (Ảnh: Bloomberg).

Giới chức Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược không ca nhiễm, không khoan nhượng với Covid-19. Phong tỏa nhanh chóng, xét nghiệm diện rộng là hai trong số những biện pháp mà Trung Quốc áp dụng triệt để nhằm đối phó với đà lây lan của Covid-19 khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và tái bùng phát mới đây tại một số địa phương.

Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 80% dân số trưởng thành vào cuối năm nay để đạt được miễn dịch cộng đồng. Đến nay, Trung Quốc đã tiêm khoảng 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 cho người dân.

Hong Kong

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục là một trong những nơi áp dụng chính sách cách ly và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới để đạt mục tiêu "Không Covid-19".

Chỉ một tuần sau khi cắt ngắn thời gian cách ly cho du khách đã tiêm chủng từ các quốc gia có nguy cơ tầm trung như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chính quyền Hong Kong quyết định áp dụng trở lại quy định cách ly bắt buộc tối thiểu 14 ngày tại khách sạn đối với du khách đã tiêm chủng từ các quốc gia này. Quy định có hiệu lực từ ngày 20/8.

Thái Lan

Các nơi trên thế giới dùng chiến lược nào để đối phó Covid-19? - 3

Thái Lan đặt mục tiêu mở cửa vào tháng 10 nhờ chương trình tiêm chủng (Ảnh: Bloomberg).

Số ca nhiễm ở Thái Lan vẫn ở mức cao do tốc độ chương trình tiêm chủng còn hạn chế. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu mở cửa trở lại với du khách quốc tế từ ngày 14/10. Hiện tại, du khách đã tiêm chủng có thể tới đảo Phuket - một mô hình mà giới chức Thái Lan tin rằng có thể khả thi để tiến tới mở cửa hoàn toàn.

Singapore

Singapore tiếp tục duy trì biện pháp kiểm soát biên giới, áp dụng các lệnh hạn chế nhằm phòng dịch. Tuy vậy, những thành công của chương trình tiêm chủng giúp Singapore xác định sống chung với Covid-19. Các lệnh hạn chế dần dần được nới lỏng và quy định đeo khẩu trang bắt buộc có thể sẽ là biện pháp hạn chế cuối cùng phải duy trì.

Mỹ

Với việc triển khai chương trình tiêm chủng nhanh chóng, Mỹ không còn phải áp dụng chính sách phong tỏa, và cũng gỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế. Hoạt động lữ hành quốc tế cũng đã được nối lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh trở lại, gây sức ép lên hệ thống y tế, giới chức y tế Mỹ khuyến cáo người dân dù đã tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Liên minh châu Âu (EU)

Các nơi trên thế giới dùng chiến lược nào để đối phó Covid-19? - 4

Nhiều nước EU xác định sống chung với Covid-19 (Ảnh: AFP).

Cuộc chiến chống Covid-19 ở EU đã chuyển sang cuộc chiến lâu dài khi khối này tìm cách sống chung với Covid-19. Ở các nước như Pháp, Đức và Italia, các nơi công cộng như nhà hàng, bệnh viện đều yêu cầu khách phải có chứng nhận đã tiêm chủng. Đến nay, EU đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 53% dân số của khối.