1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ từ chối đầu tư ở Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà sản xuất Mỹ được cho là không muốn đầu tư tiền vào Ukraine bất chấp áp lực từ Lầu Năm Góc, hãng tin quân sự Defense One dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết.

Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ từ chối đầu tư ở Ukraine - 1

Nhà máy đạn dược của quân đội Scranton ở Pennsylvania (Ảnh: Getty).

Chính phủ Ukraine đã liên tục mời gọi các công ty nước ngoài tăng cường sản xuất vũ khí trong nước như một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp viện trợ quân sự dài hạn của những nhà tài trợ phương Tây.

Cho đến nay, Rheinmetall của Đức đã đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng nhất trong chiến lược hoạt động trên đất Ukraine, cam kết sẽ sản xuất không chỉ đạn dược mà còn cả xe bọc thép và xe tăng tại quốc gia này.

Tuy nhiên, những công ty lớn khác, đặc biệt là những công ty ở Mỹ, vẫn rất thận trọng khi đưa ra những cam kết như vậy.

Northrop Grumman là một ngoại lệ, khi hồi tháng trước đã công bố vừa hoàn tất thỏa thuận sản xuất đạn cỡ trung tại Ukraine. Công ty này sẽ cung cấp thiết bị và chiến lược đào tạo cho phía Kiev, nhưng từ chối đưa nhân viên của mình đến thực địa.

Phát biểu bên lề triển lãm hàng không Farnborough ở Anh, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc đầu tư vào một cơ sở sản xuất ở Ukraine có thể bị Nga tấn công gây hư hại và có thể không có nhu cầu bền vững trong tương lai.

Ngành công nghiệp Mỹ "thực sự háo hức" để kiếm lợi nhuận, nhưng cần chính phủ bảo vệ các khoản đầu tư trước rủi ro, theo nguồn tin.

Ngoài những rủi ro liên quan đến chiến tranh, các công ty phương Tây cũng lo ngại về tham nhũng, nguồn tin thừa nhận. Nhà ngoại giao Mỹ nói rằng Ukraine đang đạt được tiến bộ về mặt này, nhưng vẫn còn lâu mới đạt được mục tiêu cần thiết để xoa dịu những lo ngại.

Nga đã mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Washington  kích động chống lại Moscow, được tiến hành vì lợi ích địa chính trị của Mỹ.

Các quan chức Nga cho biết nền kinh tế Mỹ đã được hưởng lợi từ cuộc xung đột này bằng cách thúc đẩy nhu cầu về vũ khí và làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Tây Âu. Nhiều công ty châu Âu đã mất quyền tiếp cận nguồn năng lượng và nguyên liệu thô giá rẻ của Nga do sự cố thương mại với quốc gia này, trong đó, một số công ty đã chuyển nhà máy sang Mỹ.

Theo RT