1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các đồng minh của Mỹ đồng loạt cứng rắn với Trung Quốc

(Dân trí) - Nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ đã cùng nhau thực hiện các biện pháp cứng rắn để đối phó với Trung Quốc khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang.

Các đồng minh của Mỹ đồng loạt cứng rắn với Trung Quốc - 1

Người Hong Kong trong một tuần hành phản đối luật an ninh quốc gia (Ảnh: AFP)

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cả thế giới cũng như thay đổi cách nhìn của các nước về Trung Quốc. Một số nhà lãnh đạo trước đây từng ấn tượng với Trung Quốc thì nay “quay lưng” với Bắc Kinh, cho rằng quốc gia này phải chịu trách nhiệm vì để đại dịch lan ra toàn cầu khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng.

Nhiều nước, nhất là các đồng minh của Mỹ, từng nhẹ nhàng chỉ trích Trung Quốc bây giờ cũng trở nên lớn tiếng hơn và hành động quyết liệt hơn. Họ rõ ràng đang hợp sức với nhau trong việc đối phó với Bắc Kinh và tìm cách xây dựng sức mạnh thông qua lực lượng đông đảo.

Sự phối hợp này thể hiện rõ nhất trong phản ứng của các nước trước việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong. Các nước phương Tây gần như đưa ra tuyên bố và hành động giống nhau trong vấn đề này. Ngũ Nhãn, liên minh tình báo giữa Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, là một ví dụ.

Phản ứng chung của nhóm "Ngũ Nhãn"

Các đồng minh của Mỹ đồng loạt cứng rắn với Trung Quốc - 2

Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp tại Pháp tháng 8/2019 (Ảnh: AFP)

Bốn trong số 5 thành viên của Ngũ Nhãn đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố chung, lên án Trung Quốc vì thông qua luật an ninh quốc gia, đồng thời bảo vệ Hong Kong như một “thành trì của sự tự do”. Đây là sự thống nhất công khai hiếm hoi của các thành viên Ngũ Nhãn, chỉ riêng New Zealand không tham gia vào tuyên bố chung.

Theo Reuters, Anh xác nhận kế hoạch cấp hộ chiếu cho khoảng 3 triệu dân Hong Kong. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng cho biết ông đã nêu vấn đề “chia sẻ gánh nặng” với nhóm Ngũ Nhãn trong trường hợp xảy ra cuộc di cư hàng loạt từ Hong Kong.

Australia quyết định gia hạn thị thực cho người Hong Kong tại nước này, đồng thời mở đường cho người Hong Kong trở thành công dân Australia. Canada cũng xem xét các phương án để “thúc đẩy” di cư khỏi Hong Kong.

Australia và Canada đã dừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Trong khi đó, Mỹ, Anh và New Zealand đều đang xem xét lại hiệp ước của các nước này.

Josep Borrelll, nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), ngày 13/7 cảnh báo khối này đang phối hợp cùng nhau trong việc đối phó với Trung Quốc, mặc dù các biện pháp cụ thể vẫn chưa được đưa ra.

Sự xuất hiện của những “nơi ẩu náu” an toàn cho người Hong Kong và việc đình chỉ các hiệp ước dẫn độ với đặc khu hành chính này khiến giới chức Bắc Kinh “nóng mặt”. Họ cảnh báo sẽ có hành động đáp trả.

Các quan chức Trung Quốc cảnh báo sinh viên nước này không tới Australia vì lo ngại các vụ tấn công phân biệt chủng tộc nhằm vào người châu Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian yêu cầu Anh “lùi lại khỏi bờ vực” và “chấp nhận thực tế rằng Hong Kong đã được trao trả lại cho Trung Quốc”.

Hành động tập thể

Các đồng minh của Mỹ đồng loạt cứng rắn với Trung Quốc - 3

Nhiều nước tìm cách loại Huawei khỏi hạ tầng viễn thông do lo ngại vấn đề an ninh. (Ảnh: Reuters)

Các nước đồng minh với Mỹ có thể đã bàn bạc về chiến lược đối phó với Trung Quốc từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo CNN, việc các nước này bắt tay với nhau để hành động tập thể hiếm khi “lộ liễu” như bây giờ.

Hồi đầu tháng, một liên minh mới đã được thành lập gồm các nhà lập pháp từ 16 quốc gia và EU, lấy tên gọi Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Liên minh này xây dựng các hành động đối phó với Trung Quốc cho từng thành viên để họ tự thúc đẩy tại đất nước mình.

Các thành viên của IPAC gồm các thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Bob Menendez, cùng các nhà lập pháp từ Anh, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Séc, Uganda và các nước khác.

Một trong những chiến dịch gần đây của IPAC là kêu gọi các thành viên từ bỏ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong để bảo vệ người dân tại đặc khu hành chính này trước Bắc Kinh. Một chiến dịch khác là kêu gọi các nước thành viên mở cửa đón người Hong Kong thông qua ưu đãi thị thực.

“Các nghị sĩ đang vượt ra ngoài biên giới để tạo thành một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ điều gì như vậy. Điều này rất đáng quan tâm”, Yuka Kobayashi, trợ lý giáo sư về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại Đại học London, và là người cố vấn cho các chính phủ và các tổ chức về Trung Quốc, nhận định.

Theo bà Yuka, việc một số quốc gia cấm Huawei - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc tham gia vào hạ tầng internet tốc độ cao là một ví dụ nữa cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với Trung Quốc.

“Nếu những nước này bây giờ kết hợp với nhau, điều đó sẽ tạo ra thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc”, bà Yuka nói.

Anh ngày 14/7 cấm Huawei tham gia hệ thống mạng 5G, sau khi Mỹ gây sức ép với các đồng minh về vấn đề này trong suốt nhiều tháng. Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng đã áp lệnh cấm hoặc lên kế hoạch loại bỏ các sản phẩm của Huawei khỏi hạ tầng viễn thông của các nước này vì lo ngại các dữ liệu cá nhân nhạy cảm có thể bị Trung Quốc tiếp cận.

Ấn Độ gần đây cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh để cấm Tiktok - một nền tảng mạng xã hội video và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc. Mỹ cũng đang cân nhắc cấm Tiktok vì lý do an ninh.

Các nước có thể không cần đưa ra quyết định cùng nhau, tuy nhiên họ đang quan sát nhau chặt chẽ và trong một số trường hợp, họ đưa ra quyết định theo nhau.

Thế khó của các nước

Các quốc gia có thể đồng loạt áp lệnh trừng phạt hoặc triển khai các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn phải dè chừng vì không thể phủ nhận một thực tế rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và vai trò của nước này trong nền kinh tế toàn cầu là rất lớn.

Chưa bao giờ điều này trở nên rõ ràng như vậy. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy thế giới phụ thuộc mọi thứ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, từ xe ô tô cho tới thuốc men và điện thoại di động. Các nước cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc để xuất khẩu hàng hóa.

Chuỗi cung ứng bị phá vỡ buộc phần lớn các nước phải cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.

Australia là một ví dụ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Tuy nhiên, sau khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19, Trung Quốc đã áp thuế 80,5% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia.

Không phải nước nào cũng có thể hành động mạnh tay như Australia. EU đang phối hợp với nhau để đáp trả việc Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia, nhưng khối này dường như hành động chậm chạp.

Đối với Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng không thể quá cứng rắn. Mặc dù ủng hộ EU về việc phản ứng thống nhất với Trung Quốc, song bà Merkel vẫn tuyên bố "không có lý do gì để không tiếp tục đối thoại với Trung Quốc".

Tình thế khó xử của Thủ tướng Đức là điều dễ hiểu. Ngoài thương mại, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc “quay lưng” với Trung Quốc. Thế giới vẫn cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề môi trường khi Trung Quốc là nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới và sẵn sàng tham gia nỗ lực toàn cầu trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Chỉ Trung Quốc mới có thể đưa ra câu trả lời về nguồn gốc của Covid-19. Và nếu Trung Quốc là nước đầu tiên phát triển thành công vắc xin, các nước còn lại chắc chắn muốn tiếp cận Bắc Kinh.

Thành Đạt

Tổng hợp