1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các đề xuất trong Thông điệp liên bang của Obama khó thành hiện thực

(Dân trí) - Các học giả Mỹ cho rằng các đề xuất trong Thông điệp Liên bang tối 20/1 của Tổng thống Barack Obama có khả năng cao sẽ bị Quốc hội "lờ đi" khi bỏ phiếu những đề xuất này thành luật.

Tổng thống Barack Obama đọc Thông điệp liên bang. (Ảnh:

Tổng thống Barack Obama đọc Thông điệp liên bang. (Ảnh: Washington Times)

Tối 20/1, Tổng thống Obama đã đọc Thông điệp liên bang lần thứ 6 trong 2 nhiệm kỳ của mình, trong đó nêu ra các đề xuất như tăng thuế với người giàu, để giúp giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và tăng cường hỗ trợ cho giáo dục cộng đồng, chấm dứt cấm vận với Cuba, hay các phát triển y tế, chú trọng đến môi trường và tăng cường công tác chống khủng bố.

Nhiều người đã coi bài diễn văn này mở đầu bằng cụm từ "Đêm nay, nước Mỹ lật sang trang mới" này là tâm điểm chính trị của nước Mỹ đầu năm 2015 và có thể sẽ là nền tảng cho các hoạt động của chính quyền và đảng Dân chủ từ nay tới cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Tuy nhiên, một số học giả đang đặt ra câu hỏi, với một bảng “thành tích kém” trong các năm trước, liệu Tổng thống Obama có thể có được bao nhiêu đề xuất thành luật khi ông phải đối mặt với Quốc hội do đảng Cộng hòa đối lập toàn quyền kiểm soát sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2014.


Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama đọc Thông điệp Liên bang tối 20/1 (giờ địa phương), tờ Washington Times đã nhận định rằng: “Dựa trên những gì đã diễn ra trong những năm gần đây, việc ông Obama đưa ra những đề xuất gì trong Thông điệp Liên bang lần thứ 6 này cũng không quan trọng, bởi Quốc hội sẽ lờ chúng đi khi tiến hành bỏ phiếu thông qua các đề xuất này thành luật”.

Báo Washington Times dẫn tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Donna R. Hoffman và Alision D. Howard, 2 nhà khoa học chính trị đã nghiên cứu các Thông điệp liên bang của các ông chủ Nhà Trắng từ thời Tổng thống Lyndon B. Johnson năm 1965 tới nay.

Tài liệu này cho thấy từ năm 2009- 2014, Tổng thống Obama đã đưa ra 209 đề xuất hành động dành cho Quốc hội trong các bài phát biểu của ông, nhưng chỉ có 64 đề xuất, tức 30%, được các nhà làm luật chấp nhận.

Con số này chỉ nhỉnh hơn một chút so với tỷ lệ 28% của cựu Tổng thống Gerald Ford (nhiệm kỳ 1974-1977), người đứng cuối trong bảng xếp hạng. Và khi so sánh với con số 44% của Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993-2001), một vị Tổng thống cũng thuộc đảng Dân chủ , Obama đã  "lép vế" hoàn toàn. Trong khi đó, số thành viên của đảng Cộng hòa đối lập trong Quốc hội thời Clintion còn nhiều hơn thời Obama.

Ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama đã có một năm không hiệu quả, năm 2013, chỉ có 2 trên 41 chính sách mà ông đệ trình được Quốc hội thông qua. Đó là con số tồi tệ nhất trong suốt 50 năm qua, theo dữ liệu của 2 giáo sư Hoffman và Howard.

Tiếp đó, năm ngoái 2014, Quốc hội Mỹ, tiếp tục bị chia rẽ giữa các thành viên đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện và đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, chỉ thông qua 5 trên 29 dự luật của Tổng thống Obama.

Hai vị học giả nêu trên cũng cho hay năm 2010 là năm hoạt động hiệu quả nhất từ khi lên cầm quyền của Tổng thống Obama, khi số thành viên đảng Dân chủ trong cả Hạ viện và Thượng viện đều lớn. Ông đã đề xuất 45 dự luật, và 25 dự luật trong số đó đã được thông qua hoàn toàn hoặc đồng ý một phần.

Thoa Phạm-Nghi Phương
Theo Washington Times