Các chuyên gia Mỹ chỉ ra các tín hiệu lạc quan về dịch Covid-19
(Dân trí) - Các mũi tiêm tăng cường mới được cải tiến có thể giúp ngăn chặn làn sóng Covid-19 lây lan trong thời tiết lạnh năm nay, báo Washington Post dẫn nhận định của các chuyên gia.
Thời tiết lạnh có lợi cho virus gây bệnh Covid-19, khiến đây là thời cơ để nó lây lan mạnh mẽ.
Nhưng khi mùa hè nhường chỗ cho mùa thu, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lạc quan thận trọng rằng, làn sóng lây lan của Covid-19 vào mùa thu và mùa đông năm nay sẽ không tồi tệ như 2 năm trước.
Các kịch bản về Covid-19 từ nhiều nhóm nghiên cứu, được chia sẻ trong những tuần gần đây với các quan chức liên bang Mỹ, đều dự đoán số ca nhập viện ổn định hoặc giảm vào đầu mùa thu. Các kịch bản cho thấy, khả năng xảy ra một đợt bùng nổ làn sóng lây lan đột biến vào cuối mùa thu là không nhiều.
Vẫn còn đó mối lo về một biến thể mới. Tuy nhiên, một số yếu tố, bao gồm cả việc phê duyệt việc tiêm mũi vaccine tăng cường cải tiến hồi tuần trước và việc hình thành khả năng miễn dịch chống lại chủng virus mới nhất, có thể ngăn chặn làn sóng lây lan vào mùa thời tiết lạnh này, các chuyên gia nhận định.
"Có nhiều lo ngại cho rằng Covid-19 sẽ hồi sinh mạnh vào mùa thu. Nhưng dường như không có dự báo bất cứ điều gì giống như một làn sóng Omicron đáng sợ", Justin Lessler, nhà dịch tễ học của Đại học Bắc Carolina (Mỹ) và là người dẫn đầu chiến dịch thu thập các kịch bản về Covid-19 từ một nhóm các tổ chức nghiên cứu, cho biết.
Các kịch bản giả định cho rằng, các mũi tiêm tăng cường cải tiến sẽ được người dân đón nhận với tỷ lệ tương tự các mũi tiêm phòng cúm hàng năm.
Peter Marks, quan chức hàng đầu về vaccine tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nói trong một cuộc họp báo hôm 31/8 rằng, việc phê duyệt các mũi tiêm tăng cường cải tiến được đưa ra khi cơ quan này đang "xem xét về khả năng làn sóng dịch tăng nhẹ, với đỉnh điểm vào ngày 1/12".
Tuy nhiên, những dự đoán về đại dịch thường khó tránh khỏi những sai số.
Hồi năm 2021, tại Mỹ, tình hình đại dịch có xu hướng sẽ giảm vào tháng 5 khi chiến dịch tiêm chủng phát triển mạnh mẽ, nhưng sau đó lại bùng phát trở lại do các biến chủng mới.
Theo Lauren Ancel Meyers, Giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19 của Đại học Texas, nếu một biến chủng mới xuất hiện vào tháng 9 này thì làn sóng lây nhiễm mới và nguy cơ bệnh nặng sẽ bùng nổ vào tháng 12. "Một biến thể mới xuất hiện vào tháng 10 sẽ đẩy số ca nhiễm tăng cao nhất đến tháng 1", bà nói.
Nếu có bất kỳ biến chủng mới nào có thể thay đổi quỹ đạo của đại dịch thì nó sẽ dễ lây lan hơn so với chủng phụ BA.5 của biến chủng Omicron hiện đang hoành hành. Nó có thể xuất hiện từ một nhánh ít người nghĩ đến của họ virus gây bệnh Covid-19.
Kịch bản này sẽ tương tự những gì đã xảy ra vào tháng 11/2021, khi Omicron, với đột biến chưa từng thấy, hoành hành ở miền nam châu Phi và ngay lập tức vượt thế thống trị của biến chủng Delta.
Vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đặt niềm tin vào chiến dịch tiêm vaccine và các mũi tiêm tăng cường như một vũ khí mạnh mẽ nhất chống lại Covid-19.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ và là cố vấn về Covid-19 của tổng thống Mỹ, nói với Washington Post rằng kế hoạch phòng chống Covid-19 vào mùa thu tới chủ yếu phụ thuộc vào chiến dịch tiêm vaccine tăng cường.
"Chúng ta sẽ không dập dịch hoàn toàn được nhưng có khả năng giảm nguy cơ xuống mức đủ thấp để đại dịch không tiếp tục phá vỡ trật tự xã hội", ông nói.
Sự thích ứng mới của chính quyền Mỹ
Trong khi đó, chính phủ Mỹ đang chuyển phần lớn cuộc chiến chống lại virus sang khu vực tư nhân. Kể từ hôm 2/9, chính quyền Mỹ sẽ không còn thực hiện các xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho người dân.
Kế hoạch của Nhà Trắng là sẽ chuyển việc thanh toán các khoản điều trị cho các công ty bảo hiểm, các nhà quản lý quyền lợi dược phẩm, bệnh viện và bệnh nhân vào giữa năm 2023.
Tiêm mũi tăng cường vẫn được miễn phí. Tuy nhiên, kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho đến nay vẫn chưa được cải thiện. Trong số 62 triệu dân trên 50 tuổi đủ điều kiện để được tiêm nhắc lại lần thứ 2, chỉ có 22 triệu người đã tiêm cho đến nay, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Trong số 95 triệu dân từ 18-49 đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường đầu tiên, chỉ có 38 triệu người đã tiêm.
Một số người có thể đang đợi vaccine cải tiến. Hơn nữa, một số người có thể cần được giúp đỡ nhiều hơn nữa để có thể quyết định tiêm thêm một mũi vaccine nữa, nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo từ Đại học Brown cho biết.
Bà cho rằng, chính phủ cần chuyển tải thông điệp mạnh mẽ để khuyến khích người dân đi tiêm vaccine. "Điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm trong ưu tiên hàng đầu của tôi - là đảm bảo rằng tất cả những người có nguy cơ cao đều được tiêm mũi tăng cường", bà nói thêm.
CDC Mỹ đang báo cáo trung bình khoảng 82.000 ca mắc mới hàng ngày, mặc dù con số thực sự được cho là cao hơn nhiều vì nhiều người tự xét nghiệm tại nhà. Số ca nhập viện là khoảng 30.000 bệnh nhân. Cả hai con số đều đang có xu hướng giảm.
Trong khi đó, số ca tử vong dao động quanh mức trung bình 400 người mỗi ngày, theo CDC. Số ca tử vong trung bình hàng ngày đạt đỉnh hơn 3.300 vào tháng 1/2021, do dịch tấn công số lượng lớn người dân chưa được tiêm vaccine vào thời điểm đó.
Báo cáo từ nhóm dự báo của Lessler nêu rõ: Nếu không có biến chủng mới nào xuất hiện, các con số sẽ ổn định hoặc giảm cho đến năm 2023.
Nỗi sợ của những người bị Covid-19 kéo dài
Trong bối cảnh cuộc sống đã dần trở lại bình thường, vẫn còn số người rất thận trọng với dịch bệnh và thực tế là mỗi ngày vẫn có hàng trăm ca tử vong vì Covid-19. Nhiều người vẫn đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc hạn chế tiếp xúc với người khác.
Hàng triệu người hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng sức khỏe do bị Covid-19 kéo dài, một loạt các triệu chứng sau nhiễm trùng như mệt mỏi nghiêm trọng và sương mù não.
Chuyên gia Marks, quan chức FDA, cho biết đã thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ những người ở độ tuổi 20-30 với các triệu chứng về đường sinh sản và cho biết căn bệnh này là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
"Trong một số trường hợp, chứng bệnh sương mù não khiến con người thay đổi tâm trạng khiến những người trước đây rất vui vẻ, năng động giờ lại lo lắng và chán nản", ông cho biết.
Một số bệnh nhân đã phải vật lộn với chứng hẹp bao quy đầu trong hơn 2 năm và không thể trở lại làm việc hoặc tiếp tục cuộc sống như trước đại dịch.
Theo Akiko Iwasaki, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Y khoa Yale: "Nhiều người trẻ, khỏe mạnh nhưng thậm chí họ không thể đi làm trở lại. Mọi người nên biết rủi ro trước khi từ bỏ việc đeo khẩu trang và từ chối tiêm mũi tăng cường".