Người dân "né" tiêm vaccine Covid-19 mũi 4: Nguy cơ dịch bùng phát?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc tiêm vaccine mũi nhắc lại khi kháng thể yếu đi theo thời gian là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. "Né" tiêm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, lây bệnh.

Thông tin về tình hình kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, vaccine Covid-19 mà Bộ Y tế cấp cho địa phương hiện còn rất nhiều nhưng tỷ lệ triển khai tiêm mũi nhắc khá thấp. Cụ thể ở đối tượng nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt hơn 80%, nhưng mũi 4 vì mới triển khai nên chỉ đạt dưới 1%. Ngoài ra, việc tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng chưa hiệu quả, khi nhiều phụ huynh còn chưa đồng thuận.

Thống kê trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 có thể lây lan trở lại ở thành phố đông dân nhất nước, trong bối cảnh các dịch bệnh theo mùa khác đang diễn biến phức tạp.

Người dân né tiêm vaccine Covid-19 mũi 4: Nguy cơ dịch bùng phát? - 1

Tỷ lệ người dân tiêm vaccine mũi 4 tại TPHCM đang còn thấp (Ảnh: Hoàng Lê).

Vì sao người dân "né" tiêm vaccine mũi 4?

Trao đổi với PV Dân trí, TS.BS Lê Thanh Toàn, chuyên gia về y học gia đình và là người tham gia xuyên suốt công tác chống dịch Covid-19 tại TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, qua thực tế tiếp nhận thăm khám cho người dân trong thời gian gần đây, ông nhận thấy có nhiều trường hợp ngại tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại (mũi 3-4), với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, tình hình dịch tại TPHCM đã cải thiện, số ca mắc Covid-19 giảm sâu và gần như không có ca bệnh cộng đồng. Thứ hai, nhiều người dân nghe thông tin truyền miệng và trên mạng xã hội về việc sau tiêm về việc tiêm xong có các tác dụng phụ như cao huyết áp, ngứa, ảnh hưởng trí nhớ, tay chân đau… Có những trường hợp đã tự trải nghiệm ở những lần tiêm đầu tiên, nên khi nghe phải tiêm tiếp mũi 4, họ mang tâm lý e ngại.

Người dân né tiêm vaccine Covid-19 mũi 4: Nguy cơ dịch bùng phát? - 2

Nhiều phụ huynh còn chưa đồng thuận cho con em tiêm vaccine Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).

TS.BS Toàn nhận định, dù hiện tại dịch đã phần nào được kiểm soát, việc tiêm nhắc vaccine Covid-19 vẫn cần thiết. Bởi sau thời gian khoảng 6 tháng, kháng thể sẽ không còn mạnh và sẽ có nguy cơ tái nhiễm bệnh, kể cả nhiễm lại chủng cũ hoặc nhiễm chủng mới. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp phát hiện mắc bệnh 2-3 lần.

Về vấn đề tác dụng phụ, chuyên gia thừa nhận sẽ có một tỷ lệ nhỏ xảy ra phản ứng không mong muốn. Tuy nhiên sau một thời gian dài chống Covid-19, ngành y tế TPHCM đã có nhiều kinh nghiệm về tiêm chủng nên sẽ có những chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động xử lý khi các biến chứng xảy ra.

Có nguy cơ bùng dịch không?

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, sau khi TPHCM mở cửa và cho phép học sinh các cấp đến trường trực tiếp trở lại, đã có nhiều trường hợp trẻ đi học nhiễm bệnh và lây cho gia đình khi về nhà. Điều này cho thấy nguy cơ tái nhiễm bệnh là có.

Chuyên gia cho rằng, để đánh giá khả năng bùng phát đợt dịch cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính, trong đó có vấn đề biến chủng. Cụ thể, các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện tại vẫn chưa hoàn thiện tuyệt đối mà chỉ ở dạng cấp phép sử dụng khẩn cấp. Do đó, kháng thể tạo ra không bền vững mà sẽ giảm theo thời gian. Khi virus xuất hiện biến chủng mới vẫn có khả năng gây nhiễm bệnh và lây lan, với người đã từng mắc Covid-19.

Người dân né tiêm vaccine Covid-19 mũi 4: Nguy cơ dịch bùng phát? - 3

Người cao tuổi, có bệnh nền cần tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại để giảm tỷ lệ nặng và tử vong (Ảnh: Hoàng Lê).

Nắm bắt được điều này, ngành y tế đã triển khai tiêm mũi 4 ở đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế để phòng chống bệnh… Ngoài các trường hợp e ngại tiêm vaccine nên nhiễm bệnh, thực tế còn do yếu tố khách quan là việc người dân mới tiêm mũi trước chưa đủ thời gian tối thiểu (3-6 tháng) để tiêm mũi nhắc đã nhiễm bệnh.

ThS.BS Vân Anh nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề phòng dịch không chỉ ở trong nước mà người dân đã được đi nước ngoài, do đó, nên tiêm tối thiểu 3 mũi vaccine. Chuyên gia khẳng định, việc viêm chủng không làm hệ miễn dịch suy yếu, mà chỉ cần chú ý các phản ứng quá mức sau tiêm.

Cũng theo ThS.BS Vân Anh, qua ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, số ca F0 nhập viện đã giảm rất sâu. Từ cuối tháng 5, nơi này cũng đã bãi bỏ việc test Covid-19, cho thấy dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, các nghiên cứu tại Mỹ, Anh hay Israel cho thấy, việc tiêm vaccine nhắc lại mũi 4 đặc biệt có lợi cho người già, có bệnh nền, nguy cơ cao vì làm giảm nguy cơ nặng và tử vong. Ở người trẻ, tiêm thêm vaccine sẽ giúp kháng thể bền vững, khiến nguy cơ nhiễm bệnh ít đi. Và khi không nhiễm bệnh sẽ loại trừ được các tình trạng của hậu Covid-19.

Người dân né tiêm vaccine Covid-19 mũi 4: Nguy cơ dịch bùng phát? - 4

Nhiều bệnh viện đã bỏ việc test Covid-19 khi người dân vào khám và điều trị (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo PGS Dũng, khả năng bùng dịch xảy ra khi người dân không có miễn dịch, hoặc miễn dịch giảm đi theo thời gian. Dù vậy, trong tình hình hiện nay, việc phủ vaccine mũi 3 ở TPHCM đã khá tốt, cũng như nhiều người đã từng nhiễm bệnh. Do đó, nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới không cao, hoặc nếu có xảy ra cũng ít ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Thay vào đó, khi nhiễm bệnh sẽ gây bất tiện trong công việc, cuộc sống, hoặc vấn đề sức khỏe "hậu Covid-19".

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có đợt tiêm chủng do ngành y tế phát động, người dân vẫn cần tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc để ổn định kháng thể. Tuy nhiên, cần tuân thủ thời gian theo dõi sau tiêm, cẩn thận chú ý các triệu chứng bất thường để can thiệp kịp thời.