1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bước tiếp theo của Triều Tiên sau khi "xóa sổ" biểu tượng hòa bình

(Dân trí) - Đánh sập văn phòng liên lạc với Hàn Quốc có thể là “phát súng” mở màn cho hàng loạt động thái cứng rắn tiếp theo của Triều Tiên với quốc gia láng giềng.

Video biểu tượng quan hệ Hàn - Triều bị đánh sập
Bước tiếp theo của Triều Tiên sau khi xóa sổ biểu tượng hòa bình - 1

Văn phòng liên lạc Hàn - Triều bị đánh sập ngày 16/6. (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang sau khi Bình Nhưỡng ngày 16/6 cho nổ tung văn phòng liên lạc với Hàn Quốc tại biên giới chung hai nước. Nơi này từng được xem là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước khi bầu không khí trên bán đảo vẫn còn hòa dịu.

Chính quyền Triều Tiên bây giờ có thể triển khai những biện pháp cứng rắn tiếp theo với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng ít có khả năng lôi kéo sự tham gia của quân đội Mỹ - nước triển khai 28.000 binh sĩ tại Hàn Quốc với sức mạnh quân sự được cho là vượt trội hơn Triều Tiên. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng phải tính toán làm thế nào để tránh chọc giận Trung Quốc - đối tác thương mại và địa chính trị lớn nhất của Triều Tiên.

Theo Bloomberg, sau khi cho nổ tung văn phòng liên lạc chung, Triều Tiên có hàng loạt phương án để gây sức ép với chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng dành nhiều tháng để kêu gọi đàm phán và tìm kiếm các cơ hội trao đổi kinh tế với quốc gia láng giềng, song vẫn không sẵn sàng từ bỏ các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu khiến nền kinh tế Triều Tiên kiệt quệ.

Bloomberg đã đưa ra dự đoán về động thái tiếp theo của chính quyền Triều Tiên.

Phá hủy công trình

Tháng 10/2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng dọa sẽ phá hủy các công trình do Hàn Quốc xây dựng tại khu nghỉ dưỡng trên núi của Triều Tiên, mô tả chúng giống như “những túp lều tạm ở một khu vực bị tàn phá bởi thảm họa”.

Khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang do một công ty con của Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc xây dựng và từng đóng cửa trong hơn 10 năm. Khu nghỉ dưỡng này mở lại vào năm 1998 như một biểu tượng cho sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, mặc dù trên danh nghĩa hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do chưa ký hiệp ước hòa bình.

Khu nghỉ dưỡng có các khách sạn, nhà hàng, hội trường biểu diễn và Tổng thống Moon là người đã hối thúc mở cửa trở lại dự án này.

Tập đoàn Hyundai Asan cho biết đã đầu tư 767 tỷ won cho dự án khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang. Năm 2018, các công dân Hàn Quốc được lệnh sơ tán khỏi khu nghỉ dưỡng sau khi một nữ du khách 53 tuổi bị một lính Triều Tiên bắn chết trong lúc đi ra khỏi khu vực quy định.

Điều động binh sĩ

Chỉ vài giờ trước khi cho nổ tung văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc, Triều Tiên thông báo đang lên kế hoạch triển khai binh sĩ tới một số khu vực ở Khu Phi Quân sự chia tách bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên hôm nay 17/6 tuyên bố sẽ đưa quân tới các khu vực không vũ trang ở bên phía biên giới nước này, nơi có các dự án chung với Hàn Quốc. Tại thành phố biên giới Kaseong phía tây, Triều Tiên có khu công nghiệp chung và văn phòng liên lạc với Hàn Quốc, còn tại Núi Kumgang phía đông, hai nước có khu nghỉ dưỡng chung.

Triều Tiên cũng có thể mở lại 10 trạm gác ở biên giới với Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc bỏ qua một bên thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo hồi năm 2018 nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại biên giới.

Thi đấu Olympic

Bước tiếp theo của Triều Tiên sau khi xóa sổ biểu tượng hòa bình - 2

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một khu vực quân sự tại Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Đoàn thể thao Hàn - Triều từng cùng nhau diễu hành dưới lá cờ chung hồi năm 2018, khi Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa Đông tại Pyeongchang. Tuy nhiên viễn cảnh này khó có thể lặp lại khi thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đăng cai Thế vận hội Mùa Hè vào năm sau.

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thông báo với Ủy ban Olympic Quốc tế hồi năm 2019 rằng họ sẽ diễu hành chung, thậm chí thành lập một số đội thi đấu chung tại Thế vận hội sắp tới.

Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc trong tuần này để thể hiện sự giận dữ trước hành động thả truyền đơn qua biên giới của các nhà hoạt động và những người Triều Tiên đào tẩu tại Hàn Quốc, kế hoạch diễu hành và thi đấu chung của đoàn thể thao hai nước gần như bất khả thi.

Phát triển tên lửa

Từ năm 2019, Triều Tiên đã thử nghiệm một số mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng tấn công tất cả các khu vực trên lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ. Những tên lửa này nằm trong số các vũ khí mới do Triều Tiên phát triển dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, có thể dễ dàng che giấu và triển khai hơn so với các tên lửa cũ trước đây.

Kho tên lửa của Triều Tiên bao gồm KN-23 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế để tránh mọi hệ thống đánh chặn của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí để gây sức ép với Hàn Quốc, thậm chí có thể phóng tên lửa tầm xa.

Xung đột vũ trang

Đây là phương án có mức độ rủi ro cao nhất. Tuy nhiên, Triều Tiên từng thực hiện phương án này.

Cách đây 10 năm, Triều Tiên bị cáo buộc đánh chìm một tàu chiến của Hàn Quốc khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Vài tháng sau đó, Bình Nhưỡng đã nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc khiến 2 binh sĩ và 2 dân thường thiệt mạng.

Theo Yonhap, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc hôm nay cảnh báo “những động thái của Triều Tiên đã phá hủy hai thập niên nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều cũng như duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

“Nếu Triều Tiên thực sự thực hiện hành động này, họ chắc chắn sẽ phải trả giá”, chỉ huy tác chiến Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeon Dong-jin nói.

Một cuộc tấn công có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Bất kỳ cuộc tấn công nào của Triều Tiên cũng sẽ làm đổ bể mọi nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc trong việc gắn kết hai quốc gia láng giềng.

Thành Đạt

Theo Bloomberg, Yonhap