1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bước đi "sơ sẩy" khiến chiến lược phản công kép của Ukraine bất thành

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia giải mã những thiếu sót đã khiến chiến lược phản công kép của Ukraine chưa đạt được thành tựu như kỳ vọng trong giai đoạn đầu.

Bước đi sơ sẩy khiến chiến lược phản công kép của Ukraine bất thành - 1

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị khai hỏa pháo ở Donbass (Ảnh: AFP).

Đối mặt với hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga, Ukraine thực sự cần phải tung đòn phản công mở đầu "càng hoàn hảo càng tốt" để đạt được bước đột phá, nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Đây là nhận định của nhóm chuyên gia vừa trở về từ tiền tuyến ở Ukraine chia sẻ với chuyên trang quân sự War on The Rock. Các chuyên gia này đã trao đổi với các quan chức, sĩ quan, binh lính Ukraine về tình hình thực tế trên chiến trường.

"Giai đoạn đầu của chiến dịch đã không thành công nhưng điều đó không có nghĩa toàn bộ chiến dịch là thất bại. Cuộc phản công vẫn đang diễn ra. Ukraine vẫn còn lực lượng dự trữ nhưng giai đoạn đầu không thành công vì nhiều lý do", chuyên gia Rob Lee từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) kết luận.

Chiến thuật phản công kép

Trực thăng "cá sấu sát thủ" Nga bắn nổ liên tiếp 2 xe tăng Ukraine

Theo các chuyên gia, để phản công trước Nga, Ukraine vào cuối năm ngoái đã đặt cược vào chiến thuật kép, gồm thành lập các lữ đoàn chiến đấu mới cho cuộc phản công mùa xuân năm nay, đồng thời để lại những binh sĩ dày dạn kinh nghiệm nhất để trấn giữ phòng tuyến chống lại cuộc tấn công mùa đông của Nga. 

Tuy nhiên, theo ông Lee, chiến thuật này chỉ thực thi được một phần và rõ ràng đang không tiến triển như kỳ vọng.

Nhóm binh sĩ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine đã ngăn chặn đà tiến của Nga vào mùa đông năm ngoái và đầu năm nay, tuy nhiên, họ không có thời gian để nghỉ ngơi và tái trang bị giữa các trận đánh lớn.

Điều đó khiến cho các đơn vị mới được thành lập và huấn luyện bằng vũ khí phương Tây đóng vai trò quyết định trong cuộc phản công thời gian qua. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cách chiến đấu của các nhóm binh sĩ ít kinh nghiệm này đã không như kỳ vọng.

Ukraine đã thành lập 9 lữ đoàn được trang bị vũ khí chuẩn NATO cho cuộc phản công. Các đơn vị này được tập hợp lại với nhau một cách nhanh chóng và buộc phải học tập về các hệ thống mới, áp dụng các chiến thuật mới và xây dựng sự gắn kết của các đơn vị trong một khoảng thời gian rất ngắn trong khi Nga chuyển sang thế phòng thủ để bảo toàn các khu vực mà họ giành được.

Hay nói cách khác, Ukraine đã phải nhanh chóng đưa lực lượng mới được thành lập huấn luyện các học thuyết quân sự theo chuẩn NATO, khác biệt với chuẩn Liên Xô. Điều này khiến cho việc các binh sĩ chưa thể thích nghi ngay lập tức với chiến thuật, cách tổ chức chiến đấu mới.

Trong thời gian Ukraine chuẩn bị lực lượng, Nga gia cố các phòng tuyến bằng các bãi mìn, hàng rào chống tăng và chiến hào, cũng như pháo binh, hàng không và tên lửa chống tăng có điều khiển.

Những tồn tại

Bước đi sơ sẩy khiến chiến lược phản công kép của Ukraine bất thành - 2

Ukraine dùng lựu pháo tự hành Caesar bắn về phía quân Nga gần thành phố Avdiivka ở khu vực Donetsk (Ảnh: Reuters).

Theo ông Lee, khi các lữ đoàn mới của Ukraine bắt đầu đưa binh lính và thiết bị tham gia phản công, họ đã đối mặt với nhiều vấn đề, ví dụ như thông tin liên lạc sai lệch, thiếu sót trong hoạt động trinh sát và nhắm mục tiêu, cũng như sự phối hợp không đạt hiệu quả như mong đợi.

Ông Lee nói: "Chúng tôi đã thấy ngay từ đầu một số loại vấn đề mà các lữ đoàn mới thành lập hay gặp phải. Đây là những sai lầm mà các lữ đoàn có kinh nghiệm hơn có thể sẽ không mắc phải".

Ông nói, trong những ngày đầu của cuộc phản công, một số đơn vị Ukraine bị mất phương hướng, đặc biệt là vào ban đêm cũng như di chuyển sai hướng và đôi khi đụng phải bãi mìn chưa được dọn sạch.

Trong một trường hợp, cuộc tiến công bị trì hoãn và diễn ra vào lúc bình minh, thay vì vào ban đêm như kế hoạch ban đầu. Điều này khiến cho các thiết bị nhìn đêm trên vũ khí phương Tây viện trợ mất đi lợi thế quan trọng khi Nga phần lớn chưa sở hữu những thiết bị như vậy. 

Mặt khác, Ukraine đã tiến hành trận pháo kích mở đường vài giờ đồng hồ trước khi họ tiến quân. Điều này có nghĩa là Ukraine đã tạo cơ hội để các đơn vị tên lửa chống tăng và bộ binh Nga không bị áp chế triệt để khi phía Kiev tiến lên phía trước.

Thông thường, pháo được sử dụng để gây ra tình trạng hỗn loạn cho phía đối phương và buộc họ phải tìm nơi trú nấp khi lực lượng tấn công xông lên. Vì vậy, việc tiến quân cần được thực hiện ngay sau khi tổ chức các cuộc pháo kích mở đường.

Theo ông Lee, trong giai đoạn đầu của cuộc phản công, thứ cản bước Ukraine nhiều nhất là pháo và trực thăng tấn công Nga mang tên lửa chống tăng, chứ không phải là các bãi mìn.

Mặt khác, ông cho rằng, các lữ đoàn mới thiếu kinh nghiệm của Ukraine thường "không có kế hoạch B hoặc không thể thực hiện ngay kế hoạch B sau khi họ gặp phải một số vấn đề có thể lường trước được". Điều này khiến cho hoạt động chiến đấu không thích nghi được với hoàn cảnh thực tế.

"Trong nhiều trường hợp, thời điểm là yếu tố rất quan trọng vì nếu bỏ lỡ thì sau đó Nga có thể đáp trả", ông Lee nói. Trong khi đó, ông cho rằng Nga đã nâng cao khả năng phán đoán hướng tấn công chính của Ukraine và điều chỉnh chiến lược phòng thủ phù hợp.

Michael Kofman, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Hải quân, đồng ý với nhận định của ông Lee. Ông Kofman cũng đã tới Ukraine trong thời gian qua để tìm hiểu về chiến dịch phản công của Kiev.

Theo ông Kofman, Ukraine trước đó đã thể hiện tốt khả năng phòng thủ, đặc biệt là phòng thủ theo chiều sâu, trước đà tiến của Nga. Tuy nhiên, khi phản công, Ukraine chưa tổ chức tốt quân đội và lực lượng này cũng thiếu kinh nghiệm khi thực hiện các cuộc phản công quy mô lớn.

Trong khi đó, Franz-Stefan Gady, chuyên gia tại trung tâm An ninh mới Mỹ, nhận định tồn tại lớn nhất của Ukraine là họ chưa thể thực hiện một cuộc tấn công kết hợp phối hợp giữa lực lượng, vũ khí trên quy mô lớn.

Hoạt động tấn công phối hợp ám chỉ việc tập hợp các năng lực chiến đấu thành một đòn đánh uy lực. Ví dụ, khi bộ binh tấn công đổ bộ họ sẽ cần sự phối hợp và bọc lót từ hỏa lực và pháo binh, đôi khi là không quân.

Theo ông Gady, Ukraine đang thiếu cả thiết bị và kinh nghiệm chiến đấu để thực hiện hoạt động tác chiến phối hợp. Điều này khiến cho năng lực phản công của Kiev bị ảnh hưởng rõ rệt trong thời gian đầu. 

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine